Xu thế dòng tiền: Thận trọng nhiều hơn, nhưng cơ hội tăng vẫn còn

Thanh khoản có phần sút giảm nhiều trong những phiên cuối tuần, nhưng đó được xem là biểu hiện của sự thận trọng bình thường...

Thanh khoản có phần sút giảm nhiều trong những phiên cuối tuần, nhưng đó được xem là biểu hiện của sự thận trọng bình thường.

Việc sụt giảm thanh khoản được các chuyên gia cho rằng đến từ nhiều nguyên nhân, có thể do nhà đầu tư giữ hàng lại nhiều hơn chưa muốn bán ra, các nhà đầu tư chốt lời rồi lưỡng lự khi quyết định quay lại, dòng tiền dịch chuyển dần sang các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thị giá thấp nên thanh khoản chung không cao.

Tuy vậy điều quan trọng là các chuyên gia đánh giá sự thận trọng nói trên là bình thường vì các cơ hội đang ít dần đi sau khi giá tăng cao. Nhà đầu tư đã chốt lời sẽ ít chọn được cơ hội mới hơn. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao và khối ngoại cũng quay lại giao dịch tích cực khi từ tháng 12 tới thị trường Việt Nam sẽ được tăng tỷ trọng trong nhóm cận biên MSCI. Vì vậy cơ hội tăng thêm vẫn còn. Các yếu tố trung, dài hạn vẫn đang hỗ trợ thị trường.

Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán đang được đánh giá cao hơn các kênh đầu tư khác, do đó thu hút được dòng tiền tích cực. Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá mức định giá cơ bản của thị trường vẫn hợp lý và dư địa tăng cho năm 2021 vẫn còn nhiều. Các yếu tố tích cực lấn át các yếu tố rủi ro, thậm chí là thay đổi quan điểm đánh giá rủi ro như đối với chiến tranh thường mại Mỹ - Trung, tình hình dịch bệnh.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Sau khi thu hút dòng tiền rất lớn đưa VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm thì thanh khoản lại thu hẹp rõ rệt những phiên cuối tuần, trong khi đáng lẽ thị trường phải bùng nổ thanh khoản hơn nữa sau khi xu thế tăng mới được xác lập. Anh chị lý giải thế nào về hiện tượng trái ngược này?

Sau chuỗi tăng điểm liên tiếp, dòng tiền có dầu hiệu chốt lời và hạ nhiệt cũng là tín hiệu cần thiết để giúp giải phóng lượng hàng T+ và giúp thị trường nghiêng về xu hướng tích lũy khi nhiều nhóm cổ phiếu đã thiết lập mặt bằng giá mới. Tín hiệu tích cực lúc này là khối ngoại đang mua ròng trở lại và dòng tiền của nhà đầu tư nội vẫn không ngừng đổ vào thị trường.

NGÔ QUỐC HƯNG

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Kể từ khi VN-Index tiến sát mốc 1.000 điểm, tâm lý thận trọng cũng đã bắt đầu đối với các nhà đầu tư chưa kể việc VN-Index tăng vượt mốc kháng cự tâm lý quan trọng này. Diễn biến của thị trường đôi khi sẽ không thể giải thích được bởi diễn biến biến động khó lường. Các nhà đầu tư phản ứng và hành động khác nhau nhưng sẽ bắt trước nhau hàng động ở một số thời điểm điều chỉnh tăng hoặc giảm. Điều này có nghĩa rằng, nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng hơn khi thị trường vượt qua mốc 1.000 điểm và lên cao – thanh khoản nhiều lúc sẽ không tăng mạnh và có phần giảm sút thường xảy ra hơn bởi tâm lý giữ hàng để đợi bán.

Nhà đầu tư sẽ nhìn nhau hành động, hoạt động chốt lời, cơ cấu lại danh mục, mua bán ngắn được đẩy mạnh hơn. Tóm lại, chúng ta sẽ chỉ thấy phiên thanh khoản lớn và rất lớn khi thị trường xác lập đỉnh ngắn hạn.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Dù thanh khoản thị trường có dấu hiệu thu hẹp, tuy nhiên biên độ giảm không quá lớn. Tôi cho rằng diễn biến này thuần túy phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index chỉ chớm vượt ngưỡng 1.000 điểm một cách chưa thực sự thuyết phục, với nhiều phiên số mã giảm điểm có phần chiếm ưu thế.

Thêm vào đó, trong bối cảnh thông tin trong nước tương đối trầm lắng, một phần dòng tiền đã lựa chọn đứng ngoài, chờ đợi xu hướng thị trường chung rõ ràng hơn trước khi đưa ra quyết định, cũng là điều dễ hiểu.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Không ngoài dự đoán của giới đầu tư, thị trường tuần này gặp áp lực chốt lời T+ khi lượng cổ phiếu tích lũy sau 9 phiên tăng liên tiếp về tài khoản và có lãi cũng như chỉ số đã trở lại và vượt mốc tâm lý 1.000 điểm. Tuy vậy, dòng tiền "khủng" tiếp tục hấp thụ khá tốt và thị trường nhanh chóng vượt qua nhịp rung lắc giúp chỉ số vượt ngưỡng kháng cự tâm lý trên và chốt tuần ở mức 1.010 điểm.

Điểm đáng chú ý nhất trong tuần này là thanh khoản tiếp tục bùng nổ trong phiên 24/11 với giá trị khớp lệnh trên HSX đạt hơn 10.940 tỷ đồng, với giá trị giao dịch này thì đã được đẩy lên mức cao nhất trong vòng gần 3 năm.

Tuy nhiên, sau đó thanh khoản có xu hướng hạ nhiệt đơn giản vì i) Điểm số đã tăng lên vùng kháng cự tâm lý cao nhất trong 2 năm gần đây do đó sự thận trọng tại vùng này là hoàn toàn bình thường. Nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn đẩy thanh khoản lên cao và chờ đợi hoặc chọn lọc cơ hội giải ngân mới.

ii) Sự phân hóa rõ nét của các nhóm cổ phiếu khi áp lực chốt lời ở những cổ phiếu nóng gia tăng mạnh trong tuần này như tại nhóm Thép, Dầu khí, thực phẩm…và chuyển sang những nhóm cổ phiếu midcap và penny như BĐS Khu công nghiệp…

Tóm lại, diễn biến chốt lời đẩy thanh khoản lên kỷ lục trong tuần qua. Đây cũng là vùng điểm cao trong năm nên thường sau chuỗi tăng điểm liên tiếp, dòng tiền có dầu hiệu chốt lời và hạ nhiệt cũng là tín hiệu cần thiết để giúp giải phóng lượng hàng T+ và giúp thị trường nghiêng về xu hướng tích lũy khi nhiều nhóm cổ phiếu đã thiết lập mặt bằng giá mới. Tín hiệu tích cực lúc này là khối ngoại đang mua ròng trở lại và dòng tiền của nhà đầu tư nội vẫn không ngừng đổ vào thị trường.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi điều này cũng khá dễ hiểu do thị trường giai đoạn này thiếu các thông tin hỗ trợ thúc đẩy sự kỳ vọng của nhà đầu tư để giải ngân thêm vào thị trường. Xét về mặt kỹ thuật thị trường tuy vượt mức 1.000 điểm những ngưỡng kháng cự rất mạnh tiếp theo là ngưỡng quanh 1.030 điểm. Hiện tại thị trường đang tiến khá sát vùng này. Lúc này nhiều cổ phiếu cũng vào vùng quá mua cũng như các cổ phiếu mua mới có mức độ an toàn ngày càng ít cũng dẫn tới thanh khoản sụt giảm.

VN-Index vượt các ngưỡng quan trọng trong quá khứ, thường được dẫn dắt bởi một vài nhóm cổ phiếu trụ cột, trước khi tạo nền giá ổn định và kéo theo đà tăng ở các nhóm cổ phiếu còn lại. Tôi cho rằng diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại không phải là ngoại lệ.

TRẦN ĐỨC ANH

Nguyễn HoàngVnEconomy

Một điểm khá bất ngờ trong tuần qua VN-Index vượt 1.000 điểm nhưng số cổ phiếu giảm giá lại thường xuyên nhiều hơn số tăng giá trong các phiên giao dịch. Dường như cổ phiếu lại không được hưởng lợi nhiều lắm từ diễn biến vượt đỉnh này. Có thể hiểu thực trạng này như thế nào?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tương tự với diễn biến thu hẹp của thanh khoản, việc thị trường phân hóa trong tuần qua với các nhóm cổ phiếu tăng/giảm đan xen, thay vì tăng đồng đều trên diện rộng khi chỉ số vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 1.000 điểm, phản ánh tâm lý thận trọng của thị trường chung.

Bên cạnh đó, điều này cũng phản ánh nội tại doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau có sự phân hóa trong việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn sụt giảm do dịch Covid-19. Sau cùng, trên thực tế nếu chúng ta quan sát các giai đoạn chỉ số VNIndex vượt các ngưỡng quan trọng trong quá khứ, thường được dẫn dắt bởi 1 vài nhóm cổ phiếu trụ cột, trước khi tạo nền giá ổn định và kéo theo đà tăng ở các nhóm cổ phiếu còn lại. Tôi cho rằng diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại không phải là ngoại lệ.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Giai đoạn vừa rồi chỉ một vài nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền và cho tỷ suất sinh lợi tốt còn hầu hết các cổ phiếu đều thể hiện yếu đuối. Thị trường tuy vượt 1.000 điểm nhưng lại tập trung chủ yếu ở các mã trụ điều này thể hiện ở điểm số tăng chỉ số VN30 cao hơn VN-Index.

Theo tôi thực trang này đang là một cảnh báo cho nhà đầu tư cần thận trọng với thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tuần vừa qua, đa phần các nhóm cổ phiếu vẫn duy trì đà tăng giá tích cực so với tuần trước dẫn đầu đà tăng như nhóm ngành: Chứng khoán, dệt may, bán lẻ, sản xuất & phân phối điện, Logistic, dầu khí…Ngược lại các nhóm cổ phiếu điều chỉnh giảm so với tuần trước gồm: bất động sản, Hóa chất, Cao su tự nhiên, Dịch vụ… Diễn biến này trên thực tế là hoàn toàn bình thường khi sự phân hóa diễn ra trước áp lực chốt lời T+ gia tăng tại vùng kháng cự tâm lý 1.000 điểm.

Sự luân phiên tăng giá và nhiều cổ phiếu bị chốt lời sau đợt tăng nóng có lẽ là điều cần thiết cho một xu hướng tăng bền vững. Về cơ bản, kết thúc tuần đa phần các nhóm ngành vẫn đang duy trì xu hướng tăng, và sự trở lại dẫn dắt của các cổ phiếu lớn trong nhóm ngân hàng, bán lẻ, công nghệ, bất động sản khu công nghiệp, Logistic…vẫn sẽ là động lực tích cực cho thị trường trong tuần tới.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo tôi giai đoạn này phản ánh một thực trạng là dòng tiền có chọn lọc kỹ lưỡng các cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu lớn có kết quả kinh doanh tốt, nhà đầu tư cũng hạn chế giải ngân các cổ phiếu vừa và nhỏ. Điều này dẫn đến tình trạng phân hóa cổ phiếu. Cổ phiếu lớn tiếp tục tăng giá, các cổ phiếu khác không tăng, hoặc giảm khiến thị trường chỉ tăng nhẹ. Đây là tín hiệu cẩn trọng với việc thị trường đang ở vùng có khả năng điều chỉnh.

Cổ phiếu lớn tiếp tục tăng giá, các cổ phiếu khác không tăng, hoặc giảm khiến thị trường chỉ tăng nhẹ. Đây là tín hiệu cẩn trọng với việc thị trường đang ở vùng có khả năng điều chỉnh.

LÊ ĐỨC KHÁNH

Nguyễn HoàngVnEconomy

VN-Index hiện chỉ còn cách đỉnh cao 2019 một khoảng hẹp. Mặc dù cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cũng như yếu tố vĩ mô 2021 là cao, nhưng cũng khó có thể tốt hơn thời điểm trước khi xuất hiện Covid-19. Anh chị có cho rằng mức định giá cơ bản của thị trường phản ánh kỳ vọng 2021 ở thời điểm hiện tại là cao hay hợp lý?

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Chỉ số VN-Index đang quay trở về mức cao nhất trong năm và đây cũng là mức chỉ số lấy lại những gì đã mất kể từ đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung, đa phần các doanh nghiệp đang duy trì tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù đã có tín hiệu hồi phục khá tích cực trong Q2 và Q3 năm nay.

Do vậy mức P/E tại thời điểm này đang ở mức hợp lý so với mặt bằng chung của năm 2019 trước khi ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, với đà hồi phục của kinh tế vĩ mô của Việt Nam khi đã và đang khống chế khá tốt các ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi cho rằng động lực tăng trưởng trong năm sau của các doanh nghiệp vẫn còn dư địa.

Bên cạnh đó, là làn sóng đầu tư mới của nhóm nhà đầu tư trong nước (f0) khi dòng tiền rẻ từ tiết kiệm và các kênh khác của nền kinh tế đang bị thu hút từ tính thanh khoản và cơ hội hấp dẫn từ đà hồi phục của thị trường chứng khoán. Do vậy, đà tăng sẽ vẫn tiếp diễn, vùng điểm mục tiêu của VN-Index có thể sẽ tiếp tục ở mức cao hơn như vùng 1.037 điểm (P/E~16.8x) cho đến vùng P/E khoảng 18.x lần (tương ứng VN-Index có thể lên trên 1.100 điểm)

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Cho dù thị trường đã có giai đoạn hồi phục mạnh mẽ từ ngưỡng 660 điểm, mức đáy được xác nhận từ tháng 4/2020 và cho đến hiện tại đã vượt mốc 1.010 điểm. Mức P/E của thị trường hiện nay mới chỉ ở mức 15.5.x – 16.x không phải thấp hấp dẫn nhưng cũng không phải là quá cao.

Trong nhiều giai đoạn của thị trường chứng khoán thế giới mức P/E tưởng cao và nhà đầu tư nghĩ thị trường không thể lên thì thực tế lại tăng tiếp (chứng khoán Mỹ thập kỷ 80 – 90). Như vậy cho dù một số hoặc nhiều cổ phiếu không lên tiếp hoặc điều chỉnh thì nhiều cổ phiếu hàng đầu sẽ tiếp tục xác lập vùng đỉnh mới cũng như xuất hiện một số nhóm cổ phiếu "làm mưa làm gió" ở giai đoạn uptrend tiếp theo. Tôi vẫn nghĩ về cơ bản, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trong dài hạn nhất là năm 2021 khi kinh tế vĩ mô Việt Nam được đánh giá hồi phục tốt.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Thị trường chứng khoán là thị trường phản ánh các yếu tố kỳ vọng. Nếu chúng ta nhìn lại năm 2019, dù tình hình vĩ mô và hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tương đối ổn định, thị trường trong nước hay chứng khoán toàn cầu nói chung có tâm lý không thực sự lạc quan do chịu đè nén bởi các yếu tố rủi ro toàn cầu, tập trung vào các lo ngại liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Trong khi đó, xét ở thời điểm hiện tại, các yếu tố kỳ vọng của thị trường tập trung vào yếu tố vaccince Covid-19; chính sách đối ngoại ôn hòa hơn của Mỹ dưới thời ông Biden; sự phục hồi của kinh tế trong nước, và hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 từ mức nền thấp trong năm nay; các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bao gồm đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất; tác động tích cực từ các hiệp định FTA được ký kết; xu hướng chuyển dịch FDI đến Việt Nam… Các yếu tố tích cực này có phần lấn át các yếu tố rủi ro ngoại biên ở thời điểm hiện tại.

Điều này cho thấy dù bối cảnh hiện tại không thực sự thuận lợi, tuy nhiên kỳ vọng vào tương lai của thị trường lại lạc quan hơn so với thời điểm cách đây một năm. Kết hợp với mức P/E của chỉ số VNIndex đang ở quanh 16-17, không phải là đắt so với lịch sử, tôi không cho rằng định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã ở mức cao.

Thị trường giai đoạn hiện tại tăng có lẽ do yếu tố lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp dẫn tới thị trường tài chính đang là kênh thu hút dòng tiền, nhưng đây chỉ là yếu tố mang tính ngắn hạn.

NGUYỄN VIỆT QUANG

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi đang là khá cao, vì thực tế các ảnh hưởng của đại dịch covid sẽ phản ánh sâu và mạnh hơn trong kết quả kinh doanh quý 4 và nền kinh tế sẽ hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng khó hồi phục lại bằng giai đoạn năm 2019.

Thị trường giai đoạn hiện tại tăng có lẽ do yếu tố lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp dẫn tới thị trường tài chính đang là kênh thu hút dòng tiền, nhưng đây chỉ là yếu tố mang tính ngắn hạn.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị đã tăng tỷ trọng và duy trì mức cổ phiếu khá cao. Anh chị có tiếp tục mua thêm nữa không? Các vị thế ngắn hạn có nên chốt lời?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tuần này tôi có sử dụng một chút margin và đã chốt lời ngắn hạn lượng mua gia tăng đó. Giai đoạn này tôi vẫn đang rất thận trọng và theo dõi sát danh mục, diễn biến của các cổ phiếu. Tôi sẽ theo dõi sát và chốt lời dần cổ phiếu khi chạm các ngưỡng kháng cự mạnh vào tuần sau.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Hoạt động cơ cấu danh mục cá nhân cũng đã được triển khai. Hoạt động mua mới vẫn diễn ra. Tôi cho rằng việc nắm giữ cổ phiếu linh hoạt, điều chỉnh trong mỗi giai đoạn là cần thiết nhất là những phiên như cuối tuần qua (Giảm tỷ trọng những cổ phiếu có lãi tốt, tăng nhanh và bán ra những cổ phiếu yếu). Thận trọng với các giao dịch ngắn hạn là không thừa nhưng sàng lọc các cổ phiếu mạnh để tiếp tục nắm giữ vẫn là mục tiêu ưu tiên.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức trung bình cao khi chưa nhận thấy rủi ro đáng kể tác động đến xu hướng thị trường trong trung hạn.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Về xu hướng, VN-Index đã vượt qua vùng kháng cự 1.000 điểm trong bối cảnh thị trường toàn cầu cũng đang tăng tốc vượt các vùng kháng cự mạnh là một tín hiệu rất tích cực về mặt tâm lý. Mặc dù áp lực chốt lời vẫn đang gia tăng tuy nhiên dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn đang tham gia rất tích cực và đặc biệt là cơ hội mua vẫn xuất hiện ở nhiều nhóm cổ phiếu.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại trở lại mua ròng và việc Việt Nam sẽ chính thức được tăng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier market vào đầu tháng 12 sẽ là tín hiệu tích cực cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Mặt bằng cổ phiếu đã duy trì cao do đó, nhà đầu tư nên duy trì nắm giữ các nhóm cổ phiếu vẫn còn đà tăng tốt, xem xét chốt lời dần với những nhóm cổ phiếu đã tăng nóng và xuất hiện tín hiệu đảo chiều. Với danh mục mua mới, chỉ nên mua những cổ phiếu có cơ bản tốt, thanh khoản cao, đã có các vùng tích lũy tốt, vẫn trong uptrend và dự kiến có kết quả kinh doanh Q4 khả quan.

Nguyễn Hoàng

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/xu-the-dong-tien-than-trong-nhieu-hon-nhung-co-hoi-tang-van-con-2020112918551989.htm