Xuân ấm miền biên viễn

Khi hoa đào chớm nở, cũng là lúc đồng bào miền biên viễn Mường Lát hòa trong lời ca, tiếng khèn. Năm nay cây sắn được mùa, nguồn thu từ việc xuất khẩu lao động mang về cho địa phương này hàng trăm tỷ đồng, giúp bà con tươi vui, phấn khởi, sẵn sàng chào đón một năm mới với niềm tin thắng lợi.

Người dân bản Chà Lan, xã Mường Lý thu hoạch sắn. Ảnh: Anh Tuấn.

Người dân bản Chà Lan, xã Mường Lý thu hoạch sắn. Ảnh: Anh Tuấn.

Niềm vui trên đồi sắn

Những ngày cuối năm 2024, người dân ở các xã Trung Lý, Tam Chung, Mường Lý, Pù Nhi... của huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đang vào vụ thu hoạch sắn. Từ sáng sớm tinh mơ, trên các sườn đồi tại bản Chà Lan, xã Mường Lý, hàng chục thanh niên cuốc đất, nhổ, bỏ sắn vào bao tải rồi khuân vác ra xe để vận chuyển tới điểm tập kết, chờ nhập hàng. Trên nương sắn, mỗi người một việc, không khí hân hoan vì một vụ sắn bội thu. Nụ cười nở trên môi bà con dân bản giữa tiết trời giá rét nơi miền biên viễn.

Ở quả đồi dốc thẳng đứng, vựa sắn hơn 1 ha của gia đình Thào A Gìn, trú bản Chà Lan, xã Mường Lý đang vào vụ thu hoạch. Cõng trên vai bao sắn nặng trĩu, ướt đẫm mồ hôi, A Gìn nói: Vụ sắn năm nay, gia đình sẽ nhổ xong trước Tết, dự kiến sản lượng đạt 15 tấn. Với giá bán hiện nay khoảng 1.800 đồng/kg, gia đình A Gìn ước tính thu về hơn 20 triệu đồng.

A Gìn kể: “Trước đây, nhà mình trồng ít lúa và trồng xoan lấy gỗ bán nhưng không đủ ăn. Từ ngày được giao đất, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn, mình học theo. Ba năm nay, nhờ có cây sắn, cả gia đình với 9 nhân khẩu được no cái bụng. Con cái được đến trường học cái chữ, Tết về có thêm bộ quần áo mới. Gìn vui lắm”.

Tại bản Nàng 1, xã Mường Lý với 84 hộ dân, có 65 hộ tham gia trồng sắn. Mấy năm qua, cây trồng này đã mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân. Gia đình Ngân Văn Tịnh được biết đến là hộ trồng nhiều sắn nhất bản. Với 10 ha đất trồng loại cây công nghiệp ngắn ngày, khi thu hoạch, anh Tịnh nhẩm tính có thể thu về hàng trăm triệu đồng, đánh dấu “thắng lợi lớn” trong vụ mùa năm nay. “Mình là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Nàng 1, muốn bà con nghe mình, học theo thì cán bộ, đảng viên phải nêu gương, làm trước. Nhìn thấy gia đình tôi trồng sắn mang lại hiệu quả, hầu hết các hộ dân trong bản đã chuyển diện tích trước đó trồng các loại cây nông nghiệp khác sang trồng sắn, từ đó nhiều hộ thoát nghèo, có của ăn, của để. Minh chứng rõ nhất là cả bản hiện giờ chỉ còn 4 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo”, anh Tịnh nói.

Ông Hà Văn Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lý cho biết: Mường Lý là xã trồng nhiều sắn nhất huyện Mường Lát với gần 1.000 ha, trong đó, có khoảng 400 ha trồng sắn chất lượng cao. “Với giá sắn hiện tại là 1.800 đồng/kg, theo ước tính, vụ này người dân địa phương có thể thu về hàng chục tỷ đồng. Bà con sẽ có một cái Tết đủ đầy, mùa xuân sẽ rực rỡ, tràn đầy hy vọng”- ông Tuấn nói.

Gia đình ông Inh ở xã Quang Chiểu xây được nhà cao tầng nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: Thanh Tùng.

Gia đình ông Inh ở xã Quang Chiểu xây được nhà cao tầng nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: Thanh Tùng.

Phố nhà giàu giữa núi rừng

Có lẽ ít ai nghĩ rằng, tại huyện nghèo nhất xứ Thanh lại xuất hiện “phố nhà giàu” tít mạn biên giới, gần sát với nước bạn Lào. Đó là xã Quang Chiểu. 14 năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này chiếm 78%. Toàn xã có hơn 1.000 hộ dân, hầu hết sinh sống nhờ vào nương rẫy. Và đến hôm nay, Quang Chiểu có sự thay đổi vượt bậc. Khoảng 200 ngôi nhà cao tầng, khang trang, trị giá từ 700 - 1,5 tỷ đồng/căn được xây dựng hai bên đường ở bản Pùng, bản Xim, trông chẳng khác gì nơi phố thị. Tỷ lệ hộ đói, nghèo của Quang Chiểu giảm xuống mức dưới 20.

Gia đình Vi Hồng Inh, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu có hai người con trai đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Ông Inh kể: Năm 2015, con trai ông là Vi Văn Hiếu (34 tuổi), sau khi học xong hệ cao đẳng, tiếp tục học tiếng Hàn, thi tay nghề rồi bay sang xứ sở Kim Chi. Thời gian đầu, Hiếu làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, thu nhập mỗi tháng 30 - 50 triệu đồng. Sau đó, anh chuyển sang làm công nhân xây dựng, có mức thu nhập 70 - 80 triệu đồng/tháng. Đến năm 2019, nối tiếp anh trai, Vi Văn Hào cũng sang Hàn Quốc với mong muốn thay đổi cuộc sống. Hiện Hào đang có mức thu nhập ngang ngửa anh trai, từ 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Ông Inh cho biết: Mỗi tháng, Hiếu và Hào gửi về cho bố mẹ tổng cộng khoảng 60 triệu đồng. Từ số tiền này, ông quyết định xây cất căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng để tránh mưa gió và dùng làm việc lớn cho hai đứa con ông sau này. “Ngôi nhà gỗ ọp ẹp trước đây là nơi 3 thế hệ sinh sống, giờ thay bằng căn nhà 2 tầng thuộc loại khang trang nhất bản. Từ hôm chuyển sang ở nhà mới, tôi mất ngủ mấy đêm liền. Gần hết đời người, vợ chồng tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện xây nhà. Nhờ có con cái mà bây giờ mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Mỗi khi Tết đến, xuân về, anh em, họ hàng sum vầy, chung vui cùng dân bản”, ông Inh nói.

Toàn xã Quang Chiểu hiện có 317 người đi xuất khẩu lao động, tập trung nhiều nhất tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện địa phương có hơn 50 người tham gia học tiếng Hàn Quốc và hơn 30 người đã thi xong, đang chờ làm thủ tục xuất cảnh. Ông Vi Văn Thuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu chia sẻ: “Tính đến cuối năm 2024, tổng số tiền con em đi làm việc ở nước ngoài gửi về là hơn 60 tỷ đồng. Từ nguồn đóng góp của người dân, xã đã xây dựng nhiều công trình, bê tông hóa 50 km đường ở 13 bản, 8 bản đã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Nói về chương trình xuất khẩu lao động, ông Trương Văn Bình - Trưởng Phòng LĐTBXH, UBND huyện Mường Lát cho biết: Tính từ tháng 1 đến tháng 12/2024, toàn huyện có thêm 96 lao động đi làm việc ở nước ngoài. “Xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để tìm kiếm việc làm nên huyện có trách nhiệm phối hợp, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như quan tâm bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghề và ngoại ngữ cho người lao động. Huyện đã hỗ trợ kinh phí cho 32 lao động đi làm việc ở nước ngoài với số tiền là 152 triệu đồng; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tạo điều kiện để người lao động được vay vốn...

Những gam màu tươi sáng

Quay trở lại câu chuyện cây sắn, Mường Lát lựa chọn sắn làm sinh kế để giúp người dân nhanh chóng có thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Từ đó, bà con yên tâm trồng rừng và các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn. Ông Trần Văn Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Mường Lát nói: “Vụ sắn năm 2024, toàn huyện có 3.000 hộ dân trồng 3.020ha, sản lượng sắn ước đạt 18-20 tấn/ha, dự kiến thu về khoảng 110 tỷ đồng”.

Ông Trịnh Văn Thế - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Huyện đã làm việc với Công ty CP sản xuất, chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh. Doanh nghiệp này thống nhất, trước mắt ký kết bao tiêu, thu mua 1.600/3.020ha sắn của người dân. “Tháng 4/2024, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và đang phối hợp với doanh nghiệp nói trên, hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn ngay trên địa bàn. Chúng tôi xác định, đây là cây trồng chủ lực, mang lại sự đột phá, giúp đồng bào từng bước thay đổi cuộc sống”.

Ông Thế cho biết thêm, kinh tế Mường Lát tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ, có tính kết nối cao, nhất là hạ tầng giao thông, điện, hạ tầng văn hóa - giáo dục. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt 3,77%, tăng 2,04% so cùng kỳ và 0,37% so với kế hoạch năm.

ANH TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuan-am-mien-bien-vien-10299171.html