Xuân mới Thài Khao

Khi những bông hoa đào bắt đầu bung nở cũng là lúc người Dao, người Mông ở thôn Thài Khao, xã Yên Lâm (Hàm Yên) gác lại công việc, chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025. 'Có đường, có trường, có điện, có kinh tế từ rừng, đời sống của người Dao, người Mông ở bản vùng cao Thài Khao như lột xác' - ông Lý Văn Quyền, người uy tín của Thài Khao phấn khởi chia sẻ.

Cuộc sống mới

Con đường bê tông uốn lượn theo những cánh rừng dẫn chúng tôi lên bản vùng cao Thài Khao. Từ xa, bản Thài Khao hiện ra thật đẹp, lớp học cho trẻ mầm non, nhà văn hóa được xây dựng khang trang xen lẫn với những lớp nhà sàn cột bê tông, vừa bản sắc, vừa hiện đại.

Trưởng thôn Thài Khao Lý Văn Thông phấn khởi kể : Từ khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn đã được Nhà nước đầu tư đường bê tông vào thôn dài gần 9 km, xây dựng nhà văn hóa, làm đường điện, lớp học. Đến nay, đường bê tông phẳng lỳ, ô tô đã về đến tận thôn, bản. Nhà nào cũng được dùng điện lưới quốc gia. Có đường về thôn, bà con không còn phải đi bộ ra trung tâm xã nữa. Một số gia đình trong thôn đã mua được xe ô tô chở hàng nông sản ra chợ trung tâm cụm và đến chợ huyện để trao đổi hàng hóa. Thu nhập của người dân chủ yếu là khai thác rừng, chăn nuôi nên nhà nào cũng khấm khá hơn trước nhiều, trong thôn giờ không còn hộ đói. Cuộc sống của bà con ấm no đều từ việc trồng rừng.

Đang dọn dẹp nhà văn hóa để đón xuân, chị Lý Thị Huyền bảo: “Tết đến, người Dao, người Mông ở đây sẽ tập trung ở nhà văn hóa thôn để ca hát, chơi trò chơi. Những hoạt động cộng đồng sẽ diễn ra tại nhà văn hóa nên chúng tôi dọn dẹp để năm mới may mắn”.
Người Dao, người Mông ở Thài Khao luôn duy trì tiếng nói, trang phục của dân tộc.

Khu rừng trồng theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh tại thôn Thài Khao, xã Yên Lâm.

Khu rừng trồng theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh tại thôn Thài Khao, xã Yên Lâm.

Bà Bàn Thị Giàu vui vẻ chia sẻ: “Hội Phụ nữ, các đoàn thể trong thôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con, đặc biệt là thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy nghề thêu trang phục truyền thống, nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc. Vào những lúc nông nhàn hay là dịp Tết chị em phụ nữ trong thôn lại tập trung với nhau thành từng nhóm để dạy cho nhau cách thêu và may trang phục của dân tộc mình.

Các bà, các chị thường xuyên giảng giải về ý nghĩa của từng nét hoa văn, từng đường kim mũi chỉ, cách kết hợp màu sắc của các sợi len, sợi chỉ để làm nên nét hấp dẫn của bộ trang phục truyền thống. Người già dạy cho người trẻ, người biết nhiều dạy cho người chưa biết. Vì vậy, hiện nay phụ nữ trẻ tuổi trong thôn đã tích cực hơn trong việc học thêu váy áo của dân tộc mình. Nhiều chị em mặc dù mới học nhưng cũng muốn tự tay làm cho mình bộ trang phục của dân tộc thật đẹp để mặc. Bởi vậy trang phục người Dao đã được mặc thường xuyên, nhất là dịp lễ, tết…”.

Người Thài Khao làm giàu từ rừng

Thài Khao được bao phủ bởi màu xanh của cây keo, bồ đề, gáo trắng... Đó là thành quả của nhiều năm tháng miệt mài trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của người dân. Người Dao, người Mông lấy việc trồng rừng làm kế sinh nhai, mong cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Gia đình chị Bàn Thị Giàu là một trong những hộ có cuộc sống khấm khá ở Thài Khao. Nhờ có trên 15 ha rừng trồng keo mà gia đình chị làm được nhà sàn cột bê tông, mua được xe máy và các đồ đạc phục vụ cuộc sống. Những thứ mà trước đó, gia đình không bao giờ dám nghĩ tới.

Chỉ tay về phía cánh rừng keo hạt hơn một năm tuổi tốt bời bời, chị Giàu giới thiệu: “Đó là hơn 5 ha rừng trồng năm 2023, nguồn giống được tỉnh hỗ trợ nên sống 100%. Người Dao cảm ơn tỉnh lắm. Trước gia đình tự mua giống có đợt giống kém chết quá nửa, thiệt hại lắm! Giờ đồng bào trồng rừng chỉ cần đăng ký giống với cán bộ kiểm lâm, vừa được hỗ trợ giống chất lượng, vừa được hướng dẫn trồng đúng kỹ thuật”.

Dẫn chúng tôi thăm rừng keo của gia đình, anh Đặng Văn Thái chia sẻ, ban đầu gia đình chỉ trồng 2,5 ha keo. Sau kỳ thu hoạch đầu tiên, vợ chồng anh thu về hơn 200 triệu đồng. Nhận thấy trồng keo không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lại thấp (khoảng 20 triệu đồng/ha/kỳ thu hoạch) và nhất là đầu ra ổn định, đến nay gia đình đã đầu tư trồng luân phiên 17 ha keo. Mỗi năm, gia đình anh Thái khai thác từ 2 - 3 ha, với giá bán như hiện nay mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/chu kỳ.

Anh Nguyễn Xuân Phiến, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Yên Hương (phụ trách xã Yên Lâm, Yên Phú) thuộc Hạt kiểm lâm huyện Hàm Yên cho biết: Thài Khao có trên 2.800 ha rừng, trong đó 2.200 ha rừng sản xuất. Thu nhập từ rừng đã cơ bản thay đổi cuộc sống của 82 nóc nhà người Dao, người Mông ở đây. Vì thế, cán bộ kiểm lâm luôn bám địa bàn, nắm chắc từng diện tích rừng của từng hộ dân để hướng dẫn người dân trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng.

Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký xin hỗ trợ cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh để trồng rừng sản xuất chất lượng cao. Riêng năm 2024, thôn Thài Khao được hỗ trợ 35 ha cây giống đã giúp người dân giảm chi chí ban đầu, lại yên tâm về chất lượng.

Trưởng thôn Thài Khao Lý Văn Thông khẳng định: “Đối với người Dao, người Mông ở Thài Khao đúng là “rừng vàng”. Từ kinh tế rừng, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Thài Khao đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2020. Riêng năm 2024 thôn giảm được 35 hộ nghèo”.

Từ sự nỗ lực của người dân, cùng với sự đầu tư của Nhà nước thông qua các dự án trồng rừng, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, đời sống của bà con ở xã Thài Khao không ngừng được nâng lên. Mùa Xuân này ở Thài Khao đã nhiều hộ có của ăn, của để, cuộc sống khấm khá đang dần hiện hữu ở bản vùng cao 100% đồng bào dân tộc thiểu số này.

Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xuan-moi-thai-khao-205334.html