'Xuân sum vầy - Tết sẻ chia': Háo hức Xuân về để được đi hát thiện nguyện
Tết ơi, hãy đến thật nhanh để tôi lại được theo đoàn thiện nguyện mang lời ca tiếng hát và những bữa cơm có thịt đến với đàn em nhỏ.
"Tháng giêng về Tây Nguyên
Hoa cà phê nở trắng
Nắng nóng và mưa giông
Buôn làng lại ngập lũ
Nhiều bạn nhỏ thiệt thòi
Thiếu cơm ăn quần áo
Sáng chiều trên lô rẫy
Bẫy nhím và chăn dê".
Lan tỏa hơi ấm tình người
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đắk Lắk hiền hòa và xinh đẹp. Từ lúc bé thơ, tôi đã được hòa mình cùng thiên nhiên nơi đại ngàn hoang sơ với nhiều con dốc cheo leo ca, những đồi cao su, cà phê bạt ngàn, tít tắp.
Mỗi khi xuân về, hoa cà phê bung nở một màu trắng xóa phủ khắp các nương rẫy. Hương hoa cà phê tỏa ra trong gió thơm ngào ngạt, từng đàn ong bướm tung tăng bay lượn dập dờn trên thủ phủ cà phê bát ngát.
Cứ ngỡ nơi thiên nhiên đại ngàn tươi đẹp thì cuộc sống cũng đơm hoa nhưng hiện thực không như ý nghĩ. Bởi lẽ, đâu đó trên mảnh đất đầy nắng và gió này vẫn còn hiện hữu bao mảnh đời cơ cực đang rất cần đến sự giúp đỡ của những tấm lòng vàng.
Và Tết đến Xuân về cũng là dịp các nhà hảo tâm có nhiều hành động thiết thực lan tỏa hơi ấm tình người đến họ. Vinh dự thay, tôi cũng được góp mặt vào hành trình thiện nguyện mùa xuân trao gửi yêu thương. Trong vô vàn những chuyến đi, tôi ấn tượng nhất với lần theo đoàn thiện nguyện đến thôn Giang Đông, xã EaDăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk vào năm 2018 để tham gia chương trình ca nhạc gây quỹ "Bữa cơm có thịt" cho trẻ em nghèo.
Đó là khu tái định cư của người dân tộc H’Mông từ phía Bắc di cư vào. Vùng đất này không đến nỗi cheo leo và khúc khuỷu nhưng đường sá giao thông nơi đây cực kỳ gập ghềnh, nguy hiểm. Mùa khô bụi cuốn mịt mù, còn khi mưa bão đến bùn lầy, nhão quánh. Địa hình và giao thông trắc trở dẫn đến cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tại khu tái định cư trở nên hoang vắng do những người H’Mông đã quay lại thôn cũ cách đó 12 km, nằm sâu trong rừng để kiếm sống. Họ để lại hơn 100 bạn nhỏ tầm từ 6 đến 8 tuổi sinh sống.
Thay vì được ôm ấp, che chở trong vòng tay cha mẹ như biết bao bạn nhỏ khác, các bạn này phải ở lại khu tái định cư để đi học, tìm cái chữ. Bữa ăn các bạn ấy mới thật sự thê thảm làm sao? Cơm gạo thì chủ yếu được hỗ trợ từ nhà nước và tấm lòng của những nhà hảo tâm nhưng thức ăn thì phải tự túc. Vì thế bữa cơm của các bạn chỉ có cơm và rau.
Một tuần, hai tuần hoặc lâu hơn, bố mẹ mới lên thăm và cho khoảng 20.000 đồng, chỉ đủ để mua rau thôi chứ không thể có thịt cá. Không chỉ dừng lại ở những bữa ăn thiếu chất dinh dưỡng, các bạn ấy còn không có cả điều kiện để vui chơi và giải trí.
Mang những bữa cơm có thịt đến với đàn em nhỏ
Năm hết Tết đến là dịp nhà nhà quây quần, tất bật sắm sửa mọi thứ để đón Tết thì các em nhỏ ở thôn Giang Đông vẫn côi cút và tự lo từng bữa ăn. Không hiểu sao khi chứng kiến cảnh ấy, nước mắt tôi cứ chực trào ra, hai sống mũi cay xè vì xúc động. Một nỗi buồn len lỏi vào tâm hồn.
Đêm đó tôi cùng đoàn ở lại nhà một em nhỏ để trải nghiệm cuộc sống thiếu thốn. Gọi là nhà nhưng thực ra là những túp lều bỏ hoang vì cỏ dại um tùm và trong nhà không hề có một vật dụng gì. Rất may, đêm ấy có trăng sáng, các bạn nhỏ mang sách vở ra ngoài đường ngồi học nên tôi có điều kiện quan sát cuộc sống của các bạn ấy. Trời đã về khuya, thời tiết lạnh giá nhưng hầu hết các bạn không có áo khoác ấm, chỉ mặc những chiếc áo mỏng, một số bạn dùng chăn để khoác.
Đáng thương hơn là vào những đêm không có trăng thì ánh sáng chủ yếu là để học bài chỉ là những đống lửa mà các bạn đốt lên từ cành củi khô nhặt trong rừng. Vì ở đây chưa có đường điện nên không có điện.
Tạm biệt khu tái định cư Giang Đông và những bạn nhỏ tội nghiệp. Tôi bước lên xe để trở về nhưng trong lòng day dứt khôn nguôi, không biết đến bao giờ các bạn nhỏ nơi quê tôi mới được đọc những cuốn truyện hay, xem những bộ phim hoạt hình nổi tiếng và biết đến thế giới tràn ngập ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc ngoài kia?
Ngoài đồi núi xa xa, tiếng chim Kơtia hót vang rộn ràng báo hiệu một mùa xuân nữa lại về. Tôi chợt hình dung ra bao ánh mắt em thơ tội nghiệp ở thôn Giang Đông và những vùng miền sâu xa khác đang ngóng đợi.
Tết ơi! Hãy đến thật nhanh để tôi lại được theo đoàn thiện nguyện mang lời ca tiếng hát và những bữa cơm có thịt đến với các em nhỏ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hao-huc-xuan-ve-de-duoc-di-hat-thien-nguyen-196240204160930391.htm