Xuân về trên vùng đất khó Nậm Ban

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có những người lính biên phòng, cuộc sống và diện mạo của bản làng người Mảng đã thay đổi rõ rệt, cái khó khăn, đói nghèo dần rời xa, nhường chỗ cho những mùa xuân no ấm.

Người Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) vốn cần cù lao động sản xuất, giọt mồ hôi quanh năm hòa cùng giọt mưa trên từng vạt nương, thửa ruộng. Tuy nhiên, do bà con vẫn canh tác theo tập quán cũ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên thu hoạch bấp bênh, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Khi mới về Nậm Ban, đứng trước những ngôi nhà sàn không ván thưng trống hoác, với những mâm rượu toàn bát, hòa cùng tiếng zô “uống cạn...”, không ít lần những người lính biên phòng tự hỏi: “Làm sao để bà con thay đổi?”. Câu hỏi không dễ có được câu trả lời. Rồi chính các anh lại tự nhủ, người miền núi vẫn có câu “khắc đi, khắc đến”. Vì vậy các anh xác định cứ dốc hết lòng vì dân thì sẽ được người dân tin yêu, ủng hộ.

Những ngày này khắp bản làng người Mảng ở Nậm Ban rộn rã đón Tết.

Những ngày này khắp bản làng người Mảng ở Nậm Ban rộn rã đón Tết.

Đại úy Nguyễn Văn Hoàn, cán bộ vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hua Bum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Dân tộc Mảng là một dân tộc ít người, phong tục tập quán của họ trước chưa được tuyên truyền thì còn rất là lạc hậu. Qua quá trình được tuyên truyền, vận động rồi thì bà con cũng từng bước được thay đổi. Nhưng mà để người Mảng theo kịp các dân tộc khác và xu thế thời đại thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành. Bà con ở đây cần cái công việc cụ thể, chứ tuyên truyền mà không có nội dung công việc cụ thể thì bà con chắc chắn không nghe”.

Cùng với việc vận động bà con tránh xa mọi tệ nạn xã hội, tích cực tham gia bảo vệ biên cương, các anh còn có nhiệm vụ giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, từ bỏ lối canh tác lạc hậu xưa kia, tiếp cận với cách làm ăn mới hiệu quả hơn. Muốn vậy, các anh xác định phải hiểu rõ được tâm ý của bà con, cùng chia ngọt, sẻ bùi, để từ đó đồng bào sẽ thấm, mới tin tưởng vào những điều bộ đội biên phòng nói.

Chị Chìn Me Long, ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn nói: “Trước đây ngày đêm đi làm thì mưa nắng cũng phải đi. Ngày đó tôi bị bệnh rất là nặng, nằm trong vòng một tháng rồi không biết làm thế nào để khỏi bệnh”.

Bản làng người Mảng ở Nậm Ban đang dần thay đổi diện mạo.

Bản làng người Mảng ở Nậm Ban đang dần thay đổi diện mạo.

Những mùa no ấm ở Nậm Ban.

Những mùa no ấm ở Nậm Ban.

Ở Nậm Ban trước đây đồng bào người Mảng nhiều người không biết chữ, thế nên họ càng đói nghèo vì khó tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều lần cán bộ biên phòng đi tuyên truyền, khi đưa tờ cam kết cho người dân ký thì chỉ một số ít người biết ký tên mình với những bàn tay lóng ngóng. Với họ, cầm cuốc, cầm dao còn dễ hơn cầm bút.

Ông Hoàng Văn Nhậm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban chia sẻ: Xác định xóa mù chữ chính là rào cản để người dân nơi đây có cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn. Vì vậy, lãnh đạo xã và lãnh đạo Đồn biên phòng Hua Bum đã họp bàn để mở lớp dạy chữ cho đồng bào: “Những năm gần đây quyền lợi phụ nữ mới được đảm bảo, chứ những năm trước không biết chữ nên việc tiếp cận với pháp luật và các nội dung của cuộc sống hiện đại rất là hạn chế”.

Vậy là lớp học xóa mù chữ ở Nậm Ban được mở ra và người đứng lớp chính là những người lính mang quân hàm xanh, dù các anh chưa từng qua lớp đào tạo làm thầy giáo bao giờ. Anh Tào A Dơ, học viên lớp xóa mù chữ ở Nậm Ban không giấu được niềm vui khi giờ đây anh đã biết đọc, biết viết và biết thực hiện các phép tính đơn giản.

Lớp học xóa mù chữ do cán bộ biên phòng đứng lớp giúp người dân dần thay đổi nhận thức.

Lớp học xóa mù chữ do cán bộ biên phòng đứng lớp giúp người dân dần thay đổi nhận thức.

Chứng kiến cảnh phụ nữ địu con đến lớp học thì mới hiểu người dân ở đây ham học đến nhường nào. Theo mẹ đến lớp, nhiều bé ngủ say trên lưng mẹ; có bé lại ngọ nguậy nghịch trên lưng mẹ khi mẹ đang loay hoay tập tô con chữ.

Cảm nhận được quyết tâm học chữ của những học viên ở độ tuổi đã làm cha, làm mẹ, nhiều người đã là ông, là bà; nhìn cây lúa, cây ngô tốt tươi, ngắm con gà con lợn của người dân lớn nhanh mỗi ngày - thành quả lao động mà các anh đã hướng dẫn người dân làm, người lính biên phòng tin rằng, rồi đây, cuộc sống của bà con sẽ khấm khá hơn xưa.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước tại đồng ruộng cho người dân.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước tại đồng ruộng cho người dân.

Trung tá Trần Bình Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hua Bum chia sẻ: “Đồn Biên phòng Hua Bum đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập tổ công tác hàng năm tại xã Nậm Ban. Và tổ chức vận động quần chúng nhân dân, trong đó đặc biệt thực hiện “4 cùng” với bà con để tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa những cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và nuôi trồng cho bà con. Đặc biệt là tổ chức dạy chữ cho đối tượng tái mù chữ, sau một thời gian thì đến nay nhận thức của bà con đã được nâng lên”.

Đêm Xuân ở vùng cao Nậm Ban, tiết trời như ấm hơn khi khắp các ngả đường, người dân tay trong tay xuống núi về trung tâm xã để chung vui hội xòe. Bên ánh lửa lung linh trong điệu múa truyền thống của dân tộc, gương mặt ai cũng tươi vui rạng rỡ, bởi một mùa Xuân mới đang sang - Xuân của no ấm và hạnh phúc./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xuan-ve-tren-vung-dat-kho-nam-ban-post922036.vov