Xuân yêu thương đến với người lao động

Chương trình 'Tết sum vầy' do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức vào mỗi dịp Tết Nguyên đán đến nay đã bước sang năm thứ 10. Chương trình góp phần khẳng định vai trò chăm lo, đồng hành của các cấp công đoàn dành cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), người lao động (NLĐ) mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tuy nhiên, việc quan tâm đến đối tượng ĐVCĐ, NLĐ ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế chưa phát triển vẫn đang là bài toán đặt ra đối với các cấp công đoàn...

Chăm lo người lao động

Háo hức, vui mừng là tâm trạng chung của nhiều NLĐ tham gia Chương trình “Tết sum vầy-Xuân chia sẻ” năm 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội. Có mặt tham dự chương trình từ rất sớm, chị Lê Thị Lên, công nhân Công ty Cổ phần May mặc Parosy (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) phấn khởi cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi được tham dự chương trình. Bản thân tôi sinh ra đã không được may mắn như người khác, thế nên mỗi khi được nhận sự quan tâm của các cấp công đoàn, tôi rất xúc động, cảm thấy vơi bớt những thiệt thòi trong cuộc sống”.

Hồ hởi xách túi quà và một số sản phẩm vừa mua sắm được tại “Chợ Tết công đoàn năm 2024” trong khuôn khổ Chương trình “Tết sum vầy-Xuân chia sẻ”, chị Lê Thị Hương, công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đến đây không chỉ được nhận hỗ trợ bằng tiền và quà, mà còn được mua sắm Tết với giá ưu đãi, chất lượng bảo đảm. Đặc biệt, tôi còn được tặng phiếu mua hàng miễn phí, tư vấn khám, chữa bệnh. Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của tổ chức công đoàn đã động viên, giúp tôi và nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn thêm ấm lòng”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao quà tặng người lao động tại Chương trình "Tết sum vầy - Xuân sẻ chia" năm 2024. Ảnh: QUANG VINH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao quà tặng người lao động tại Chương trình "Tết sum vầy - Xuân sẻ chia" năm 2024. Ảnh: QUANG VINH

Khởi động từ Tết Nguyên đán 2014, đến nay, Chương trình “Tết sum vầy” đã trở thành sự kiện thường niên của tổ chức công đoàn, tạo thành một phong trào sâu rộng trong xã hội, huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng chung tay chăm lo cho ĐVCĐ, NLĐ, nhất là ĐVCĐ, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam: Sau 10 năm triển khai, đến ngày 16-1-2024, đã có hơn 168.000 chương trình “Tết sum vầy” được tổ chức ở các cấp công đoàn, thu hút hơn 29 triệu lượt ĐVCĐ, NLĐ tham gia với tổng số tiền hơn 17.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ nguồn xã hội hóa là gần 9.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 52%). “Tết sum vầy” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với gần 1,1 triệu ĐVCĐ, NLĐ được thăm hỏi, tặng quà; hơn 24 triệu lượt ĐVCĐ, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, hỗ trợ.

Có một điểm đáng chú ý, mỗi năm, Chương trình “Tết sum vầy” sẽ tập trung vào một chủ đề khác nhau, tuy nhiên, mục tiêu của chương trình luôn nhất quán: Quan tâm, chăm lo tốt nhất cho NLĐ được đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc ấm áp, đoàn viên. Với tinh thần đó, 10 năm qua, các cấp công đoàn trên cả nước đã tổ chức hơn 4.600 chương trình chợ Tết, các gian hàng, triển lãm với hơn 3,1 triệu người NLĐ thụ hưởng lợi ích, tổng số tiền hơn 1.600 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức tặng vé tàu xe cho hơn 2,7 triệu ĐVCĐ, NLĐ với tổng số tiền hơn 629 tỷ đồng; tổ chức gần 12 nghìn chuyến xe đưa, đón gần 490 nghìn ĐVCĐ, NLĐ về quê đón Tết, với tổng số tiền gần 219 tỷ đồng; hỗ trợ, trợ cấp cho gần 790 nghìn NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết, với số tiền hỗ trợ là gần 689 tỷ đồng; hỗ trợ cho NLĐ không về quê đón Tết gần 6 triệu người, với tổng số tiền hỗ trợ là gần 4.500 tỷ đồng...

Đánh giá về ý nghĩa của Chương trình “Tết sum vầy” sau 10 năm triển khai, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: “Chương trình “Tết sum vầy” đã tạo thành một phong trào sâu rộng trong xã hội, huy động sự chung tay của nhiều cơ quan, doanh nghiệp cùng chăm lo cho ĐVCĐ, NLĐ; nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình chính sách vào dịp Tết đến, xuân về. Những con số, kết quả của hành trình 10 năm đã đạt được là sự quyết tâm, nỗ lực ở tất cả các cấp công đoàn, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội trong triển khai thực hiện; qua đó khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam đối với ĐVCĐ, NLĐ trên cả nước, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị-xã hội.

Hướng về cơ sở, địa bàn khó khăn

Tuy nhiên, có một thực tế, mặc dù Chương trình “Tết sum vầy” được các tổ chức công đoàn triển khai rộng khắp nhưng hiệu quả giữa các địa phương, vùng, miền, giữa các cấp công đoàn vẫn chưa thực sự đạt được như mong muốn. Nhiều cán bộ công đoàn cơ sở đồng tình cho rằng, các chương trình được tổ chức với quy mô lớn, nguồn kinh phí hỗ trợ nhiều thường tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có đông NLĐ hoặc các địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, một số chương trình tổ chức còn mang nặng tính hình thức, nội dung hoạt động vẫn theo lối mòn, chưa có sự đổi mới. Công tác tổng kết, sơ kết việc thực hiện chương trình ở các cấp công đoàn chưa được chú trọng; đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là ở cấp cơ sở còn thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều việc nên kết quả triển khai chương trình chưa đồng bộ...

Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả Chương trình “Tết sum vầy”, giúp nhiều ĐVCĐ, NLĐ được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng cần có nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ. Trong đó, một trong những yếu tố tiên quyết là các cấp công đoàn cần phát huy nội lực, tăng cường các giải pháp linh hoạt trong việc tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ các nguồn lực, cùng tổ chức công đoàn thực hiện các hoạt động chăm lo Tết cho ĐVCĐ, NLĐ, trong đó có Chương trình “Tết sum vầy”. Các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu hụt lao động vào dịp Tết, thông tin, chia sẻ với tổ chức công đoàn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống cho ĐVCĐ, NLĐ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cùng với thực hiện tốt các giải pháp trên thì Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình “Tết sum vầy” quyết liệt hơn nữa, thường xuyên tổ chức tổng kết, sơ kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình. Tăng cường nguồn lực tổ chức chương trình cho các địa phương, nhất là những địa phương nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế-xã hội chưa phát triển. Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các thiết chế công đoàn, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động để tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần cho ĐVCĐ, NLĐ, góp phần phát triển, mở rộng chương trình. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng xã hội để lan tỏa sâu rộng ý nghĩa của chương trình... Thực hiện tốt những giải pháp này góp phần thực hiện tốt phương châm của Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra: "Để mọi ĐVCĐ, NLĐ đều có Tết".

VÂN ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xuan-yeu-thuong-den-voi-nguoi-lao-dong-762853