Xuất bản luận án tiến sĩ của GS Hoàng Xuân Sính
Gần 50 năm sau khi GS Hoàng Xuân Sính bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp, bản luận án viết tay 200 trang bằng tiếng Pháp của bà đã được mang trở về Việt Nam và xuất bản thành sách
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, 90 năm ngày sinh của GS Hoàng Xuân Sính (5-9-2023), Nhà Xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm xuất bản sách "Gr-Catégories" gồm toàn văn bản luận án của nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam.
Công trình có giá trị lớn về khoa học
Bản gốc viết tay được đưa về Việt Nam sau nửa thế kỷ lưu lạc nhờ sự giúp đỡ của GS Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse (Pháp) và TS Jean Malgoire, nghiên cứu sinh cuối cùng của giáo sư toán học nổi tiếng Alexander Grothendieck, cũng là thầy của GS Hoàng Xuân Sính.
Đại diện NXB Đại học Sư phạm cho biết luận án tiến sĩ của GS Hoàng Xuân Sính là một công trình rất có giá trị về mặt khoa học, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về sau của lý thuyết "n-Catégories" và ứng dụng trong Vật lý tô-pô. Công trình này không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng toán học quốc tế bởi nội dung phong phú và những kết quả khoa học quan trọng, mà còn thu hút các độc giả quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của GS Hoàng Xuân Sính. Một điểm quan trọng nữa là luận án này chưa từng được xuất bản mặc dù đã có nhiều bản sao công trình luận án do tác giả viết tay bằng tiếng Pháp được lưu tại thư viện của nhiều trường đại học ở Pháp và một số nước châu Âu.
"Chủ trương khi xuất bản cuốn sách này của NXB Đại học Sư phạm là tôn trọng theo văn bản gốc, giữ nguyên vẹn toàn bộ nội dung bản viết tay Luận án tiến sĩ bằng tiếng Pháp của tác giả (1975)" - NXB Đại học Sư phạm cho biết.
Ngoài toàn văn luận án tiến sĩ của tác giả, trong sách còn có thêm lời giới thiệu của GS-TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Theo GS Hà Huy Khoái, GS Hoàng Xuân Sính đã tiến hành những nghiên cứu khoa học ở tầm rất cao trong điều kiện cô lập với cộng đồng quốc tế, thiếu thông tin, tài liệu, thiếu cả những phương tiện tối thiểu nhất như bút giấy, ánh sáng.
Đặc biệt, phần tài liệu tham khảo của luận án chỉ có 16 cái tên mà trong đó hầu hết là sách, không phải các bài báo. Điều này chứng tỏ những kết quả nhận được trong luận án không phải là sự mở rộng những kết quả đã có mà là sự khởi đầu. Trong khi đó, trong bài giới thiệu với nhan đề "Hoàng Xuân Sính’s Thesis: Categorifying Group Theory", GS John C. Baez, một nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực toán học và khoa học tính toán, đánh giá những kết quả của GS Hoàng Xuân Sính đã "rọi ánh sáng lên vấn đề nghiên cứu các kiểu đồng luân của các không gian tương đối "đẹp", chẳng hạn các CW-complex".
Cuốn sách còn cung cấp nhiều ảnh chụp bản viết tay phần Introduction (Giới thiệu) trong luận án tiến sĩ bằng tiếng Pháp của tác giả và phụ lục một số hình ảnh liên quan đến các hoạt động của GS-TS - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính.
Với số lượng bản in 1.000 cuốn cho lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách sẽ được trang bị cho các khoa đào tạo, viện nghiên cứu toán học trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, sách sẽ được chuyển tới các thư viện ở Pháp và các nước.
Một đời gắn bó với giáo dục
GS Hoàng Xuân Sính sinh ngày 5-9-1933, quê làng Cót, Từ Liêm (nay là Cầu Giấy), Hà Nội. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), ban sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp, GS Hoàng Xuân Sính được cậu ruột đón sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi lên đại học, chuyên ngành toán học. Tốt nghiệp Đại học Toulouse (Pháp), bà đăng ký học lên thạc sĩ toán học, một bậc học khó thời đó. Ở Pháp, chỉ có con cháu hai dòng họ danh giá Marie Curie và Langevin mới dám thi và có cơ may đậu. Nhưng với sự quyết tâm, cô gái Việt Nam đã làm được điều hiếm hoi đó ở tuổi 26.
Khi tương lai khoa học tại Pháp đang rộng mở, bà trở về quê hương theo tiếng gọi của Tổ quốc. Về nước, bà chọn đi dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chiến tranh chống Mỹ, phải sơ tán, bà vừa dạy học vừa làm luận án tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của thiên tài toán học thế kỷ XX Alexander Grothendieck. GS Hoàng Xuân Sính từng chia sẻ trong suốt 8 năm làm luận án, bà chỉ nhận được 2 - 3 bức thư từ người thầy, do ảnh hưởng của chiến tranh.
Trước khi sang Paris bảo vệ luận án, bà đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 được tổ chức tại Vancouver (Canada). Tháng 5-1975, GS Hoàng Xuân Sính sang Paris, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 7 trước đông đảo giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học Pháp và giới trí thức Việt kiều. Bà tâm sự đó là ngày vinh quang và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. GS Hoàng Xuân Sính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.
Năm 1988, GS Hoàng Xuân Sính nhận được thư của GS Bùi Trọng Liễu gửi về từ Pháp mời bà cùng 4 nhà khoa học danh tiếng khác trên cả nước cùng lập nên một trường đại học tư nhân để khắc phục các nhược điểm của trường đại học công lập trong hoàn cảnh bấy giờ. GS Hoàng Xuân Sính đã đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xin mở trường đại học nhưng không xin tiền nhà nước và được Tổng Bí thư đồng ý. Sau nhiều nỗ lực, ngày 15-12-1988, bà nhận được giấy phép đồng ý thành lập Trung tâm Đại học Dân lập Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long).
GS Hoàng Xuân Sính đã gắn bó toàn bộ quá trình công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học từ khi bắt đầu bước vào nghề dạy học cho đến lúc về hưu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bà từng được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp vì những đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa 2 quốc gia Pháp - Việt...
Với uy tín cao về mọi mặt, bà từng giữ nhiều trọng trách trong các tổ chức như: Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004), Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam...