Xuất khẩu bền vững là mục tiêu trọng tâm của Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 mới được phê duyệt xác định xuất khẩu bền vững là động lực của tăng trưởng kinh tế. Đây được coi là điểm mới so với Chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2020.

Trước đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Trong 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào việc phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Theo Cục Xuất nhập khẩu, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa không ngừng được mở rộng và tăng cao, đóng góp lớn vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời gia tăng vị thế và nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 2,7 lần. Cụ thể, từ 203 tỷ USD năm 2011 lên 545 tỷ USD năm 2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 14,6%/năm.

Về quy mô xuất khẩu, Việt Nam từ vị trí thứ 41 năm 2011 đã vươn lên vị trí thứ 22 vào năm 2020. Về quy mô nhập khẩu, năm 2020 Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 19 so với vị trí thứ 33 của năm 2011.

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2011 có 21 mặt hàng thì năm 2020 là 31 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn ở vị thế xuất siêu.

Vai trò của Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích nhằm quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong giai đoạn mới. Đồng thời quan tâm đến những xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế.

Chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn mới được coi là đúng thời điểm để có thể giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều lỗ hổng. Xuất khẩu dù tăng trưởng cao nhưng lại không mang tính bền vững.

Nguyên nhân chủ yếu do cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý. Ngoài ra, một phần nguyên nhân là do nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động…. Từ đó, dẫn đến các sản phẩm xuất khẩu chưa có tính cạnh tranh cao, hàm lượng khoa học, công nghệ còn thấp.

Trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 thể hiện 3 quan điểm chính. Bao gồm quan điểm về xuất khẩu bền vững; xuất nhập khẩu gắn với nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; xác định vai trò của các ngành, địa phương trong việc hội nhập quốc tế.

Trong Chiến lược giai đoạn mới, mục tiêu được xác định là xuất khẩu bền vững. Đây được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. So với Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011 – 2020, mục tiêu Chiến lược mới không đưa ra các con số chỉ tiêu cụ thể.

Chiến lược có bổ sung thêm mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu và thị trường xuất nhập khẩu. Mục đích để cụ thể hóa quan điểm phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường và cán cân thương mại với các thị trường.

Đồng thời xác định 3 định hướng lớn về xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển thị trường. Bao gồm coi trọng vấn đề sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường, chuyển đổi mô hình theo chiều sâu… Trong vấn đề bảo vệ môi trường, Chiến lược đưa ra định hướng không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất xuất khẩu các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường; chú trọng phát triển các sản phẩm kinh tế xanh.

Về giải pháp, Chiến lược tập trung vào 6 giải pháp chính. Đầu tiên là phát triển sản xuất tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Thứ hai, phát triển thị trường xuất, nhập khẩu, đảm bảo tính bền vững trong dài hạn.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp theo là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logitstics.

Thứ năm, quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Cuối cùng là nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xuat-khau-ben-vung-la-muc-tieu-trong-tam-cua-chien-luoc-xuat-nhap-khau-den-nam-2030-post5926.html