Châu Âu đang để Trung Quốc nếm trải 'vị đắng' của chính mình

Liên minh châu Âu (EU) đang suy nghĩ lại một cách triệt để về cách đối phó với mối đe dọa thương mại từ Trung Quốc, và phản ứng của họ được cho là 'mang hương vị' rất Trung Quốc.

Trong những năm qua, chính sách thương mại của EU theo truyền thống tập trung vào việc xây dựng các bức bức tường pháo đài bảo vệ và quyết định áp thuế trừng phạt đối với ô tô điện của Trung Quốc vào tuần trước ban đầu giống như những biện pháp phòng thủ cổ điển của Brussels.

Tuy nhiên, trong một diễn biến đáng chú ý, EU hiện đang xem xét bước tiếp theo là mời các nhà sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc “vào cuộc”.

(Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

(Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Theo cuộc trò chuyện với 4 nhà ngoại giao và 2 quan chức cấp cao, ý tưởng lớn của EU là sử dụng mối đe dọa thuế quan để buộc các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đến châu Âu để thành lập liên doanh và chia sẻ công nghệ với các đối tác EU.

Có những dấu hiệu cho thấy công thức này đã hấp dẫn các nhà sản xuất ô tô EU. Nhà sản xuất ô tô Pháp-Mỹ-Ý Stellantis đã thành lập một liên doanh với Leapmotor của Trung Quốc để bắt đầu hoạt động tại châu Âu vào tháng 9.

EBRO-EV của Tây Ban Nha đã hợp tác với Chery, công ty sản xuất ô tô lớn thứ năm của Trung Quốc, để phát triển xe điện ở Barcelona.

Tuy nhiên, nhiều người sẽ phát hiện ra sự “trớ trêu” trong việc chuyển đổi chiến thuật này của châu Âu. Trong nhiều năm, EU đã đi đầu trong số các nhà đầu tư phương Tây phản đối yêu cầu của Bắc Kinh rằng các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc phải thành lập liên doanh và chia sẻ bí quyết. Đó là điều mà EU từng gọi là chuyển giao công nghệ ép buộc.

Thế giới bây giờ đã thay đổi. Nỗi sợ hãi không còn là việc Trung Quốc sẽ đánh cắp công nghệ xe điện của châu Âu mà là châu Âu đang tụt lại phía sau. Nhận thấy rằng ngành công nghiệp của mình cần đầu tư mới và nâng cấp chuyên môn để cạnh tranh, EU hiện đang hướng tới một giải pháp đàm phán với Bắc Kinh.

Những người trong ngành ở châu Âu cho biết các nhà sản xuất ô tô rất quan tâm đến những thỏa thuận như vậy, họ cho rằng điều này thực sự cần thiết đối với một lĩnh vực đã tụt lại phía sau.

“Liên doanh có ý nghĩa, như một cách để đảm bảo rằng người Trung Quốc không chỉ thành lập các nhà máy lắp ráp cuối cùng ở châu Âu mà còn là những bộ phận quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng. Tất nhiên, đó cũng có thể là một cách để yêu cầu Trung Quốc chia sẻ một số công nghệ”, một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên cho biết.

Ý tưởng là sử dụng mức thuế bổ sung lên tới 38% của EU đối với xe điện để khuyến khích các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chuyển sản xuất sang châu Âu. Trong khi các nhà sản xuất có thể thành lập các nhà máy riêng của họ trong khối để tránh thuế, việc hợp tác với một nhà sản xuất địa phương sẽ giảm chi phí và giúp họ tiếp cận thị trường chung nhanh hơn.

Ông Bill Russo, một chuyên gia ô tô có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Khi Trung Quốc vươn ra toàn cầu, phần còn lại của thế giới đang phát hiện ra rằng những thương hiệu này không hề thua kém.

“Nếu chúng ta thấy mình ở thế bất lợi trong cạnh tranh khi các quân cờ và vị trí trên bàn cờ bị các công ty ô tô và công ty pin Trung Quốc chiếm giữ, thì chúng ta không nên đấu tranh với điều đó. Chúng ta nên hợp tác với nó”, ông Bill Russo nhận định thêm.

Điều này chỉ ra 2 điều: Thứ nhất, nó cho thấy EU đang có những động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc. Nhưng nhìn ở góc độ sâu sắc hơn, đó là sự thừa nhận rằng Trung Quốc không chỉ đuổi kịp mà còn vượt qua châu Âu trong một số lĩnh vực.

"Chúng tôi cần thừa nhận rằng chúng tôi đang đi sau về một số công nghệ nhất định”, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu nói.

Tụt lại phía sau

Trong nhiều thập kỷ, châu Âu luôn tin chắc rằng ưu thế công nghệ sẽ luôn đảm bảo rằng họ có thể đi trước Trung Quốc một bước, ngay cả khi thực tế đã chứng minh niềm tin đó là sai.

Trung Quốc đã bắt kịp các công ty châu Âu và sau đó bắt đầu vượt qua họ về doanh số và sức mạnh công nghệ trên mọi thứ, từ tấm pin mặt trời đến máy bay không người lái và giờ là xe điện.

(Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

(Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Theo Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, 69% các công ty ô tô Đức cho rằng các đối thủ Trung Quốc đã dẫn trước họ về đổi mới hoặc sẽ làm như vậy trong vòng 5 năm tới.

Vì vậy, trước nhu cầu bắt kịp, kế hoạch liên doanh và thuế quan của châu Âu là “nỗ lực giúp Trung Quốc nếm thử vị đắng của chính mình”, ông Hosuk Lee-Makiyama, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu (ECIPE), cho biết.

Bắc Kinh dường như đã nhận được thông điệp và nhận ra cơ hội để tích hợp hơn nữa chuỗi cung ứng của mình với châu Âu. Trong chỉ thị gửi tới các công ty ô tô Trung Quốc vào đầu năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các công ty nên xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng công nghiệp “do tất cả các bên cùng xây dựng và chia sẻ”.

Ông François Godement, giám đốc chương trình Trung Quốc của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết, trong khi các công ty Trung Quốc chủ yếu dựa vào việc mua lại tài sản của châu Âu, thì chỉ thị mới này là một mệnh lệnh “sẵn sàng thành lập liên doanh thay vì 100% đầu tư từ Trung Quốc”.

Ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết: “Đó là một sự phát triển rất tự nhiên. Các công ty châu Âu đã rất thành công ở Trung Quốc. Châu Âu cần xem xét: Đâu là những điều kiện mà đầu tư của Trung Quốc thực sự có thể mang lại lợi ích tích cực cho châu Âu?”

Việc tiếp cận châu Âu có thể giải thích tại sao một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, chẳng hạn như BYD, lại bị áp mức thuế thấp hơn nhiều so với những đối tác khác như SAIC, nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc của Volkswagen, vốn bị áp mức thuế cao nhất là 38,1%.

Lee-Makiyama cho biết: “Bạn có thể thấy mức thuế cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng đầu tư”. Ông nói thêm: “Sự sẵn sàng hợp tác của BYD cũng giải thích cho mức thuế thấp hơn”.

Tuy nhiên, không phải công ty châu Âu nào cũng muốn tham gia vào chích sách mới này của EU.

Volkswagen xác nhận vào tháng 3 rằng họ không có kế hoạch sản xuất xe điện do các đối tác Trung Quốc sản xuất tại các nhà máy ở châu Âu. Và BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, đang hoạt động độc lập ở Hungary, nơi họ đang xây dựng một nhà máy của riêng mình.

Tuy nhiên, nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu có thể sẽ sớm xuất hiện. Pháp rất muốn thu hút các nhà sản xuất pin và ô tô Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết vào tháng trước: “BYD được chào đón ở Pháp và ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc cũng được chào đón ở Pháp".

Thay vì bắt đầu một cuộc chiến thương mại lớn, quyết định thuế quan của châu Âu có thể là khởi đầu cho một làn sóng hội nhập khác.

Vy Ba

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chau-au-dang-de-trung-quoc-nem-trai-vi-dang-cua-chinh-minh-d112332.html