Xuất khẩu chính ngạch - 'chìa khóa' để hàng thủy sản tươi sống sang Trung Quốc mạnh lên
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này suy giảm mạnh. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt lớn nhất để xuất khẩu tăng trưởng bền vững sang Trung Quốc chính là mở đường xuất khẩu chính ngạch cho thủy sản tươi sống.
Thị trường hồi phục chậm, kim ngạch giảm mạnh
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có 805 doanh nghiệp của Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép cho xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản của nước ta.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản trong tháng 5/2023 đạt 800 triệu USD, giảm 24% so với tháng 5/2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ được 3,47 tỉ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này suy giảm mạnh. Số liệu của VASEP cho thấy, tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh đối với một số sản phẩm chủ lực như cá tra giảm 68%, tôm giảm 30%. Được biết, Trung Quốc cũng dự kiến nhập khẩu 1 triệu tấn tôm, trị giá 7 tỷ USD trong năm 2023. Song, thị trường được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường khác này lại chứa đựng nhiều thách thức và rào cản.
VASEP đánh giá, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chưa hồi phục như kỳ vọng và giá trung bình giảm. Bên cạnh đó, các mặt hàng thủy sản còn phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ có nguồn nguyên liệu giá rẻ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuado…
Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành thiếu đơn hàng và đang chuyển hướng sang một số thị trường ngách, những thị trường có sự phục hồi nhanh hơn.
Đơn cử như thị trường Mexico, từ đầu năm đến nay, trong khi xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực giảm mạnh thì sang Mexico đạt gần 7,4 triệu USD trong 4 tháng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của các chuyên gia, một số sản phẩm thăn cá ngừ đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mexico hiện đang được giảm từ mức thuế cơ sở 20% xuống còn 0% theo Hiệp đinh CPTPP. Đây điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mexico, coi đây là một thị trường lớn tiềm năng cần phải được khai thác triệt để.
Nỗ lực mở xuất khẩu chính ngạch cho thủy sản tươi sống
Nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn kỳ vọng rằng, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ sớm hồi phục vì dự đoán tiêu thụ thủy sản của nước này sẽ bùng nổ vào năm 2023, với 1,4 tỷ dân số được giải phóng khỏi các đợt phong tỏa do Covid và quay trở lại chi tiêu cho việc ăn uống bên ngoài. Song, mới đây, trong báo cáo phân tích ngành thủy sản của mình, Công ty chứng khoán VNDirect dự đoán, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.
Bên cạnh đó, VASEP cho hay, hiện đang là thời điểm bắt đầu vào vụ khai thác, đánh bắt thủy hải sản với số lượng nhiều. Do đó, nếu không nhanh chóng tìm được “đầu ra” tiêu thụ cho thủy sản thì lượng hàng tồn kho nguy cơ gia tăng mạnh sẽ là áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp ngành này.
Điều đó đặt ra bài toán lớn cho ngành Thủy sản cũng như đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hóa giải các rào cản để lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu thủy sản tại thị trường Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt lớn nhất để tăng trưởng một cách bền vững cho thủy sản xuất khẩu Trung Quốc chính là mở đường xuất khẩu chính ngạch cho thủy sản tươi sống.
Trong một diễn đàn giao thương nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đầu năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này chỉ ra rào cản rất lớn hiện nay, đó là hiện các Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc các mặt hàng thủy sản chế biến, còn các mặt hàng thủy sản tươi sống vẫn chưa được phép qua đường xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp chỉ có thể đưa hàng qua biên giới theo hình thức xuất khẩu cư dân biên giới.
Do đó, mới đây, trong công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề xuất một số giải pháp thúc đẩy giao thương nông sản và tháo gỡ tình trạng ùn tắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề nghị nước này cho phép xuất khẩu thủy sản sống qua các cửa khẩu tại tỉnh Vân Nam nhằm giảm áp lực thông quan giữa các cửa khẩu và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Chúng ta vẫn hy vọng rằng, đề nghị này sẽ được chấp thuận để giải phóng lượng hàng thủy sản tồn kho hiện nay.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh xúc tiến thương mại thủy sản…
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm 2023, thị trường này đã nhập khẩu 1,26 triệu tấn thủy sản, trị giá 5,8 tỉ USD, tăng 6% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 363,28 triệu USD, giảm tới 37% so với 4 tháng của năm 2022.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện bộ này đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi và thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh thủy sản Việt xuất khẩu.
Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu, ASEAN...
Còn theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, giảm giá thành và đặc biệt, đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người dân Trung Quốc…/.