Xuất khẩu chính ngạch: Giải pháp nào?
Chiều 30-3, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng hiện tượng ùn tắc nông sản là một thực tế và cần cả một quá trình để giải quyết được.
Nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản luôn là ưu tiên của Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương.
Hiện nay, tình hình tiêu thụ nông sản rất tốt. 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Đặc biệt, gạo, cà phê, thủy sản còn có tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa, từ 38-50%.
Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nông sản vẫn gặp một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Gần đây là mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc. Với trường hợp này, Bộ Công Thương hết sức quan tâm và đã có một số động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn.
Để có những giải pháp căn cơ hơn đối với mặt hàng này, ông Trần Thanh Hải cho biết Bộ Công Thương đã dự thảo và trình Thủ tướng Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Cùng với đó, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ là thành viên.
Ngoài ra, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới…
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận và tận dụng các phương thức khác ngoài đường bộ như đường sắt, đường biển.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội, địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng. Trong đó có việc biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.
Chủ động xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam
Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cùng với việc đẩy mạnh cung cấp thông tin tới người nông dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả phía trong nước và nước ngoài.
Cùng với đó, hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản đã được Bộ Công Thương triển khai, như: Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị…
Đáng chú ý, vừa qua, Bộ Công Thương triển khai hàng loạt hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản.
Đặc biệt, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam và hiện tại, đang trong quá trình triển khai.
Nói thêm về vấn đề tại sao năm nào cũng có hiện tượng ùn tắc, hoặc không tiêu thụ được các sản phẩm, hay tại sao người dân, doanh nghiệp không xuất khẩu chính ngạch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phải nhìn nhận đó là một thực tế. Nguyên nhân là do sự manh mún trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân… còn nhiều bất cập.
Nhấn mạnh “Việt Nam là một trong những nước có xuất khẩu tăng trưởng cao, muốn có sự tăng trưởng như vậy thì làm chính ngạch phải tốt”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận vẫn còn tồn tại hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch.
“Đây là cả một quá trình để giải quyết được; một mặt phải khuyến khích người dân, người sản xuất, nông dân, kể cả các doanh nghiệp hoạt động theo chính ngạch, nhưng mặt khác cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn do chính nội tại của chúng ta hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-khau-chinh-ngach-giai-phap-nao-690231