Xuất khẩu đa kênh vào thị trường có FTA
Với xu hướng mua sắm đa kênh từ những thị trường mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh xuất khẩu đa kênh, kết hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến, cũng như các mô hình bán lẻ mới.
Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu (XK) vào những thị trường mà Việt Nam tham gia các FTA, ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cà phê Hello5, nhấn mạnh trong phương thức bán hàng, điều quan trọng là chất lượng. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt cần đưa chất lượng sản phẩm nâng lên tầm thế giới, chứ không còn ở tầm khu vực nữa.
Có như vậy các DN Việt mới chủ động tiếp cận được các thị trường như EU hay châu Mỹ. DN cần tiêu chí này để tiến xa hơn, bởi thị trường phát triển nhanh và cạnh tranh rất khốc liệt.
Hướng tới “phủ đầy”
Tại Diễn đàn XK 2019 vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, ông Thiện lưu ý DN khi XK cần lựa chọn thị trường mục tiêu. Châm ngôn có nói “một tay không thể che hết bầu trời”, vì vậy, khi tập trung một vài thị trường hoặc nhiều thị trường tùy theo năng lực thì sức mạnh của DN lúc đó sẽ được tập trung thể hiện.
“Chúng ta không thể sản xuất ra một sản phẩm rồi mang đi trưng bày ở hội chợ, trong khi thị trường thế giới đã làm hàng trăm năm rồi. Có nghĩa là DN đừng ảo tưởng về thị trường, mà cần có sự chuẩn bị chu đáo từ bao bì, mẫu mã cho đến chất lượng sản phẩm”, ông Thiện nói.
Ông chủ của thương hiệu cà phê Hello5 cũng kể rằng khi xuất ngoại, lãnh đạo các siêu thị lớn có hỏi là sản phẩm mà mình giới thiệu đã có ở thị trường trong nước chưa, đã “phủ đầy” trong siêu thị hay chưa?
Điều này đòi hỏi các DN cần phải làm, vì với môi trường thế giới phẳng, nếu khách hàng quốc tế đến Việt Nam, vào các siêu thị, cửa hàng phổ biến như Co.op mart, Big C, Aeon Mall, Circle K… mà thấy sản phẩm của DN thì chắc chắn họ sẽ mua hàng.
Sau khi mang về nước dùng thử, nếu ưng ý, khách hàng có thể trở lại mua sản phẩm của DN thông qua kênh trực tuyến (online), mua ở Mỹ, EU hay ở Nhật và những quốc gia khác.
Cho nên, theo ông Trần Tấn Thiện, việc bán hàng và XK qua kênh siêu thị, kênh F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) hay kênh truyền thống – GT, rồi kênh online đòi hỏi DN cần “phủ đầy”. Tất nhiên trong những kênh bán hàng này không phải kênh nào DN cũng mạnh, nhưng bắt buộc DN phải triển khai để “phủ đầy”.
Dưới góc nhìn về hoạt động XK của các DN nội địa tại TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP. Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết đã xác định những khu vực thị trường trọng tâm mà DN cần đẩy mạnh XK trong thời gian tới.
Thứ nhất là 2 đối tác thương mại lớn là Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai là thị trường các nước thuộc các FTA đa phương mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU), FTA Việt Nam – EU và các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.
XK nông sản cần thích ứng trước xu hướng mua sắm đa kênh
Thích ứng mô hình bán lẻ mới
Ngoài ra, ITPC cũng định hướng xúc tiến XK vào các thị trường mà Việt Nam đang đàm phán FTA như Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein; Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Israel.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, các DN cần nhìn 3 động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động XK ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đó là: Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; CPTPP và các FTA; kỹ thuật số và thương mại điện tử.
Sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước ASEAN do bị đánh thuế cao đã mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa XK của Việt Nam.
Điều này đòi hỏi các DN Việt cần nhiều nỗ lực hơn để tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA giữa Việt Nam với các nước. Đặc biệt là cần hướng đến XK theo đa kênh, đa phương thức để kết nối với người tiêu dùng nước ngoài nhiều hơn. Đơn cử như XK qua kênh online (nhất là thông qua thiết bị di động) giúp việc mua sắm xuyên quốc gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Đơn cử như thị trường châu Á có lượng người dùng tương tác cao với điện thoại di động hơn các khu vực khác, cũng là cái nôi phát triển thương mại điện tử hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng tốc. Với xu hướng mua sắm đa kênh, các DN Việt cần thích ứng, phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến, cũng như các mô hình bán lẻ mới.
Trong XK đa kênh, khi DN tích hợp online và offline sẽ nâng được mức độ trải nghiệm của người tiêu dùng ngoại với sản phẩm của mình. Thế nhưng, trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thật, bởi người tiêu dùng ngoại (như ở Mỹ hay EU) vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn.
Từ những gì rút tỉa được khi XK đa kênh, ông Trần Tấn Thiện cho rằng các DN Việt chủ yếu là DN vừa và nhỏ, cần phải tìm ra ngách thị trường, tìm ra điểm mạnh, lợi thế vùng, ngành của DN, khi đó DN mới có thể mang hàng ra thế giới. Đặc biệt là phải theo kịp thời đại thương mại điện tử cũng như công nghệ 4.0