Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines gặp áp lực cạnh tranh

Philippines sẽ là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam, song sức ép cũng vô cùng lớn.

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, trong bối cảnh giá lương thực leo thang, năng lực sản xuất nội địa không đủ đáp ứng tiêu dùng trong nước, Philippines được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới năm 2025.

Sản xuất không bắt kịp tiêu dùng

Phân tích về thị trường Philippines cũng như tình hình sản xuất lúa gạo của nước này, ông Phùng Văn Thành cho biết, Philippines là quốc gia sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất lúa gạo, tuy nhiên, trong nhiều năm qua sản xuất lúa gạo trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, sản xuất lúa nội địa của Philippines năm 2022 đạt khoảng 19,75 triệu tấn, tương đương khoảng 12,74 triệu tấn gạo. Năm 2023, lần đầu tiên sản xuất lúa nội địa của Philippines vượt mốc 20 triệu tấn lúa (cụ thể 20,06 triệu tấn), tăng 1,5% so với năm 2022 và vượt qua mức đỉnh đạt được năm 2021 (là 19,96 triệu tấn). Tuy nhiên, đến năm 2024, sản xuất lúa nội địa của Philippines chỉ đạt 19,30 triệu tấn, giảm so với năm trước.

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin tới Báo Công Thương về tình thị trường Philippines

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin tới Báo Công Thương về tình thị trường Philippines

Năm 2025, sản xuất lúa nội địa của Philippines đặt mục tiêu đạt 20,46 triệu tấn. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn không thể giúp Philippines theo kịp nhu cầu tiêu dùng nội địa - khoảng 17,8 triệu tấn. Thực tế, ngoài nhu cầu tiêu thụ khoảng 17,8 triệu tấn gạo, thì nhu cầu dự trữ tối thiểu đảm bảo an ninh lương thực trong 30 ngày từ 1 - 1,2 triệu tấn. Do vậy, tổng nhu cầu gạo của Philippines khoảng trên 18 triệu tấn đến 19 triệu tấn.

Chưa kể, bài toán cung - cầu của ngành lúa gạo Philippines càng thêm nan giải khi đất đai canh tác bị thu hẹp, chi phí đầu vào tăng cao, nông dân bỏ ruộng và thiên tai gia tăng. Sản xuất trong nước vì vậy luôn lệch pha với nhu cầu tiêu dùng, buộc Philippines duy trì nhập khẩu lượng lớn gạo mỗi năm.

Kỷ lục nhập khẩu gạo và vai trò vượt trội của gạo Việt

Cũng theo ông Phùng Văn Thành, những năm qua, Philippines liên tục lập kỷ lục về nhập khẩu gạo. Năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 lượng gạo nhập khẩu của Philippines lần lượt 3,256 triệu tấn, 2,662 triệu tấn, 2,988 triệu tấn, 3,788 triệu tấn, và 3,932 triệu tấn.

Năm 2024, sau khi Sắc lệnh cắt giảm thuế nhập khẩu gạo có hiệu lực từ 35% xuống còn 15%, thì lượng nhập khẩu gạo của quốc gia này đạt 4,68 triệu tấn - mức tăng cao nhất từ trước tới nay.

Dự báo, năm 2025, tổng lượng gạo nhập khẩu từ nước này có thể đạt 4,92 triệu tấn, thậm chí vượt 5 triệu tấn.

Trong cơ cấu nhập khẩu này, gạo Việt Nam xuất sang Philippines chiếm vị trí số 1 với thị phần thường xuyên duy trì khoảng từ 80% đến 85%; bỏ xa các đối thủ như Thái Lan khoảng 10%, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nhật Bản...

Gạo Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh cho với các nước cùng xuất khẩu gạo sang Philippines. Ảnh: Sao Sáng

Gạo Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh cho với các nước cùng xuất khẩu gạo sang Philippines. Ảnh: Sao Sáng

Phân tích thế mạnh của hạt gạo Việt Nam tại thị trường Philippines, ông Phùng Văn Thành cho biết, trước hết, gạo Việt Nam có phẩm cấp, chất lượng, giá cả phù hợp nên có tính cạnh tranh.

Thứ hai, gạo Việt Nam phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, đặc biệt là tầng lớp đông đảo dân cư có thu nhập trung bình và thấp.

Thứ ba, nguồn cung gạo ổn định của Việt Nam, khoảng cách địa lý, chi phí và thuận tiện trong chuyên chở, đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines.

Chính sách giảm thuế nhập khẩu: Kỳ vọng lớn, hiệu quả ngắn hạn

Để giải quyết bài toán lương thực trong nước, tháng 6/2024,Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos đã ban hành Lệnh số 62 cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% xuống còn 15%, áp dụng tới năm 2028.

Đầu năm 2025, giá gạo trên thị trường Philippines vẫn “neo đỉnh” khiến Chính phủ phải can thiệp hành chính, thực hiện chính sách “giá bán lẻ gạo tối đa theo đề xuất” (MSRP – Maximum Suggested Retail Price) không quá 58 pesos/kg gạo, và cho phép Cơ quan lương thực quốc gia mở bán gạo dự trữ ra thị trường.

Đồng thời, Chính phủ Philippines cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ tình trạng giá bán lẻ gạo trên thị trường tăng cao, đặc biệt là việc điều tra xác định có hay không hành vi cấu kết, móc ngoặc thao túng thị trường gạo của một số doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu gạo.

Những động thái chính sách nêu trên của Chính phủ Philippines, một mặt nhằm tim cách hạ giá bán lẻ gạo trên thị trường để người dân nghèo Philippines có khả năng chi trả, mặt khác nhằm hiện thực hóa một phần mục tiêu chính sách đưa giá gạo về mức “29 pesos/kg” mà Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr., đã nêu ra trong giai đoạn tranh cử, và đồng thời để ổn định tâm lý cử tri trong giai đoạn bầu cử giữa kỳ năm 2025.

Tuy nhiên, theo quan sát và đánh giá của một số nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý Philippines, việc giảm thuế nhập khẩu gạo về mức 15% tác động không đáng kể và đã không mang lại hiệu ứng làm giảm giá bán lẻ gạo tại thị trường nội địa.

Giữ vững vị thế xuất khẩu gạo

Từ thực tiễn sản xuất và chính sách của Philippines trong thời gian qua, ông Phùng Văn Thành cho rằng, năm 2025, Philippines tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn, và gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines.

So với các quốc gia xuất khẩu gạo khác vào Philippines như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Nhật Bản… thì gạo Việt Nam đang có những lợi thế nhất định tại thị trường Philippines.

Và dù muốn hay không, trong thời gian tới, Philippines vẫn phụ thuộc vào nguồn cung gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức khi Ấn Độ vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm - quay lại thị trường Philippines với giá hấp dẫn, trong khi đó, thị trường Thái Lan lại tích cực xúc tiến thương mại, chào giá cạnh tranh; và Campuchia đã ký thỏa thuận cung ứng dài hạn với Chính phủ Philippines...

Năm 2025, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines có rất nhiều cơ hội, tuy nhiên, sức ép cạnh tranh vẫn đang hiện hữu. Ảnh: Thanh Hưng

Năm 2025, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines có rất nhiều cơ hội, tuy nhiên, sức ép cạnh tranh vẫn đang hiện hữu. Ảnh: Thanh Hưng

"Không loại trừ khả năng Philippines sẽ tìm được những nguồn cung gạo mới nhằm giảm phụ thuộc vào bên cung ứng gạo duy nhất là Việt Nam" - ôngPhùng Văn Thành thông tin và khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại Philippines.

Làm được điều đó, Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.

Gạo của Việt Nam cần được tiếp tục giữ vững, đảm bảo ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu - ông Phùng Văn Thành lưu ý và đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Gạo Việt Nam xuất sang Philippines luôn chiếm vị trí số 1 với thị phần thường xuyên duy trì khoảng từ 80% đến 85%; bỏ xa các đối thủ như Thái Lan khoảng 10%, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nhật Bản...

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-gao-viet-nam-sang-philippines-gap-ap-luc-canh-tranh-382805.html