Cơ chế sàng lọc cán bộ

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự luật này dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 tới đây. Một trong những nội dung mới được dư luận đồng thuận cao là dự luật đã sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm cơ sở sàng lọc, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Một trong những lý do cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức là do hiện nay, thực trạng đội ngũ công chức vừa thừa vừa thiếu; đặc biệt là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm. Đồng thời, cơ chế quản lý làm nảy sinh tâm lý “đã vào nhà nước là an toàn”, hoặc “tình trạng công chức suốt đời”, cùng với đó là cơ chế đào thải không đủ mạnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu cơ chế cạnh tranh, sàng lọc trong đội ngũ; cơ chế, phương thức đánh giá, xếp loại chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, các quy định của Luật Cán bộ, công chức và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm, từ đó dẫn đến sự cào bằng trong công tác đánh giá, chưa tạo động lực trong việc rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, công chức; không có cơ sở để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Vì vậy, dự thảo luật đã bỏ quy định về ngạch công chức. Theo quy định hiện hành, ngạch công chức là tên gọi thể hiện thứ bậc về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của công chức. Đây cũng là căn cứ để xác định vị trí việc làm và biên chế cũng như bố trí công chức trong cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ không còn đề cập đến ngạch công chức. Thay vào đó, việc phân loại, bổ nhiệm công chức được căn cứ vào vị trí việc làm tương ứng. Vị trí việc làm được phân thành 4 loại: Vị trí việc làm cán bộ; vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Đặc biệt, để đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc trong tuyển chọn cán bộ, công chức, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về sát hạch nhằm sàng lọc và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống.

Theo đó, nội dung đầu tiên trong quy định về việc sát hạch sàng lọc công chức theo vị trí việc làm là nguyên tắc cạnh tranh, nhằm làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn và kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức. Kết quả này sẽ là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật hoặc sàng lọc và thực hiện chính sách đối với công chức. Về quản lý theo vị trí việc làm, cơ quan có thẩm quyền lấy vị trí việc làm làm trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng công chức; đồng thời phải đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển và đánh giá theo hướng thực chất, dựa trên kết quả công việc cụ thể...

Với việc thường xuyên sát hạch sàng lọc, đánh giá chất lượng cán bộ, ai kém năng lực phải thôi việc là cách tốt nhất để tuyển chọn được cán bộ, công chức tài đức phục vụ đất nước. Có như vậy mới bảo đảm xây dựng đội ngũ tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài để phục vụ đất nước và nhân dân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171561/co-che-sang-loc-can-bo