Xuất khẩu hàng hóa khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức

Việc tận dụng cơ hội từ nhiều thị trường cũng như lợi thế của các FTA đã góp phần quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá trong 5 tháng đầu năm.

Thông tin từ Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, nhiều ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử như ngành hàng xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023, với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao như sầu riêng, thanh long, chuối, mít... Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ cũng có sự phục hồi tích cực khi 5 tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều ở mức cao, nhờ tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên.

Đáng chú ý, theo báo Kinh tế & Đô thị, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn trong 5 tháng qua đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; thị trường EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%; Nhật Bản ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4,7%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu hàng hóa 5 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định: với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực đã ký kết và đang thực thi với nhiều đối tác trên thế giới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, liên tiếp trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số.

Các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về tình hình xuất khẩu năm 2024, Chứng khoán MB (MBS) đưa ra dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 10% - 12% trong năm 2024, thặng dư cán cân thương mại ở mức 21 – 24 tỷ USD.

Thông tin trên báo Công Thương, lý do được đưa ra, đó là thứ nhất, theo báo cáo tháng 4 của WTO, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024 khi áp lực lạm phát dự kiến sẽ giảm trong năm nay, cho phép thu nhập thực tế tăng trở lại - đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến - do đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất.

Thứ hai, những tín hiệu tích cực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng với hoạt động thương mại, đi kèm theo đó là các cải cách về chính sách thương mại và hải quan đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn có nhưng thách thức đáng chú ý đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 bao gồm: Gián đoạn kéo dài và chi phí vận tải tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị leo thang; gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đổi thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,...

Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế của các nước đối tác của Việt Nam diễn ra chậm hơn so với dự kiến ban đầu do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì mức lãi suất cao lâu hơn kỳ vọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên chịu tác động lớn từ diễn biến quốc tế, kéo theo những khó khăn cho những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như: Dệt may, gỗ, điện tử.

Phân tích thêm về những khó khăn, thách thức mà xuất khẩu hàng hóa phải đối mặt, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… đang phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Thêm vào đó, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu đang theo dõi sát biến động chính sách của các đối tác thương mại, đặc biệt các đối tác thương mại lớn để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời thúc đẩy xuất khẩu. Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-hang-hoa-khoi-sac-nhung-con-nhieu-thach-thuc-a668876.html