Xuất khẩu hàng hóa 'nở rộ' nhờ CPTPP
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thực sự đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
Sau hơn 5 năm thực thi hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh tại một số thị trường mới thuộc châu Mỹ mà trước đó Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), điển hình là Canada, Mexico, Peru.
Động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu
Bộ Công Thương đánh giá, CPTPP thực sự đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay: "Thực tế, 5 năm qua, chúng ta cũng đã hình dung được bức tranh cơ bản về các lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại cho Việt Nam. Lợi ích nổi bật của Việt Nam khi tham gia CPTPP là mở cửa thị trường, thuận lợi trong xuất nhập khẩu".
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc khối này đạt 39,5 tỷ USD. Cuối năm 2023, con số này đã tăng thêm 20 tỷ USD, đạt 50,5 tỷ USD. Cán cân thương mại của Việt Nam với khối CPTPP thường xuyên xuất siêu.
Mức tăng trưởng rất đáng ghi nhận, bởi giai đoạn này, kinh tế - thương mại toàn cầu nói chung và thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn như suy giảm kinh tế, dịch bệnh, xung đột địa chính trị…
Sau 5 năm thực thi, đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khối thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng khá, nhưng chưa đồng đều, chủ yếu vẫn tập trung tại một số thị trường chính như Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia. Trong khi đó, xuất khẩu sang Peru, New Zealand, Brunei đạt kim ngạch thấp, chưa tới 1 tỷ USD/năm.
Bên cạnh xuất nhập khẩu, ông Ngô Chung Khanh cho hay, Việt Nam đã đặt kỳ vọng CPTPP sẽ giúp thúc đẩy cải cách thể chế; ban hành những văn bản pháp luật minh bạch, rõ ràng hơn, tư duy xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chắc chắn hơn... qua đó, mang lại các tác động, lợi ích tích cực đối với doanh nghiệp.
Về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã sửa đổi, ban hành mới khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật (cả ở cấp độ luật và dưới luật) để kịp thời thực thi các quy định có hiệu lực ngay đối với CPTPP.
Một số văn bản được ban hành muộn hơn nhưng đều được áp dụng hồi tố kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực để bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan trong quá trình thực thi cam kết, ví dụ như trong lĩnh vực thuế và mua sắm của Chính phů.
"Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành thường xuyên theo dõi, rà soát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các cam kết trong các FTA, trong đó có CPTPP và Điều ước quốc tế mà ta là thành viên.
Các tỉnh, địa phương cũng đã chủ động rà soát, xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách do địa phương, tỉnh ban hành, qua đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật nhà nước và các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế", ông Ngô Chung Khanh thông tin.
Để doanh nghiệp tận dụng triệt để CPTPP
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết lợi ích từ CPTPP. Đơn cử như mặt hàng thủy sản - một trong các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh song thị phần tại CPTPP còn khiêm tốn so với dung lượng thị trường đang có.
Bộ trên cho rằng, mội trong các lý do doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết dư địa thị trường CPTPP là bởi nhiều doanh nghiệp chưa để ý, có chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả, phù hợp; doanh nghiệp chủ yếu thiên về làm ăn truyền thống, đơn giản, khai thác thị trường gần.
Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp còn e ngại các tiêu chuẩn phức tạp, hoặc không chủ động tiếp cận thông tin thị trường ngay sau khi CPTPP đi vào thực thi. Điều này ảnh hưởng đến định hướng xuất khẩu sang thị trường các thành viên CPTPP, nhất là cá thị trường tiềm năng như Canada, Peru, Mexico.
Riêng tại thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh, tham tán thương mại Việt Nam tại Canada nhận định, tỷ lệ tận dụng CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường này còn thấp.
Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 trong khối, nhưng chỉ có 18% sử dụng C/O mẫu CPTPP; hơn 80% vẫn sử dụng ưu đãi theo cơ chế thuế Tối huệ quốc (MFN) và Ưu đãi thuế quan phổ cập.
Nhưng tới tháng 12/2023, cơ chế Ưu đãi thuế quan phổ cập không còn hiệu lực. Các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt hơn quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi theo C/O trong CPTPP, khi các ưu đãi theo MFN kết thúc.
Thời gian tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, trong đó có CPTPP, Bộ Công Thương đang triển khai và vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia về Hiệp định Thương mại tự do (FTAP) tại địa chỉ https://fta.gov.vn/.
Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan để vận hành và nâng cấp FTAP nhằm đáp các nhu cầu thông tin chính thống của doanh nghiệp về các FTA. Đồng thời, tại FTAP chúng tôi sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ cho quá trình giao thương của doanh nghiệp như tình hình thị trường trong và ngoài nước, các quy định về xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước đối tác, phòng vệ thương mại, lao động, môi trường, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì việc yêu cầu hệ thống Thương vụ tăng cường nghiên cứu thị trường nước sở tại thông qua các báo cáo định kỳ, đột xuất để cập nhật thị trường CPTPP, từ đó đưa ra những nhận định và phân tích chuyên sâu phục vụ cho việc dự báo.
Nội dung thông tin mà hệ thống Thương vụ cung cấp bao gồm chính sách xuất nhập khẩu của các nước CPTPP, các yêu cầu kỹ thuật, vấn đề pháp lý, các biện pháp phòng vệ thương mại, xác minh, nguồn hàng, đối tác.
Về phía các Thương vụ Việt Nam tại các địa bàn trong khuôn khổ các Hiệp định đã và đang chủ động phổ biến, giới thiệu về các hiệp định, cũng như các ưu đãi, lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam trong các FTA tới các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, người dân tại sở tại thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hội nghị, hội thảo chuyên ngành.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-hang-hoa-no-ro-nho-cptpp-281517.html