Xuất khẩu lao động sẽ sớm về đích
Các chuyên gia nhận định kế hoạch đưa 110.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong năm nay sẽ sớm hoàn thành
Dù tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng với lợi thế về chất lượng lao động, mối quan hệ hợp tác với những nước có nhu cầu về lao động sau dịch COVID-19, số lượng người lao động (NLĐ) Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng tăng mạnh và ổn định. Các doanh nghiệp dịch vụ cũng đang tất bật với tuyển sinh, đào tạo và phái cử lao động khi nhu cầu tiếp nhận của các nước tăng cao.
Nhiều thuận lợi
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết từ đầu năm 2023, mọi việc dần trở nên thuận lợi khi nhu cầu tuyển dụng của các đối tác Nhật Bản tăng vọt. Ngoài tuyển thực tập sinh, nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng đẩy mạnh tuyển kỹ sư, điều dưỡng.
Bên cạnh đó, thị trường lao động - việc làm trong nước gặp khó khăn nên nhu cầu ra nước ngoài làm việc tăng. "Chúng tôi đã thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về hỗ trợ và giảm chi phí đến mức thấp nhất cho NLĐ nên ứng viên cũng tăng về số lượng và chất lượng. Sau khi đào tạo bài bản, NLĐ được nhà tuyển dụng Nhật Bản phỏng vấn trực tiếp và tiếp tục hỗ trợ khi nhập cảnh" - ông Lanh nói.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), đánh giá công tác tuyển sinh và phái cử lao động năm nay diễn ra rất thuận lợi. Các thị trường truyền thống vẫn là ưu tiên hàng đầu của NLĐ nhưng xu hướng chọn thị trường tốt hơn đang tăng. Nhiều người không chọn đi để có việc làm, mà là để có tương lai. Nhu cầu ra nước ngoài làm việc hiện khá lớn khi cơ hội tìm việc trong nước đang giảm.
Trong khi đó, các nước nhận thấy rõ tiềm năng của NLĐ Việt Nam nên liên tục tìm đến tiếp xúc, đặt quan hệ hợp tác. "Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi xóa bỏ được rào cản chi phí vốn trước đây vượt quá khả năng của NLĐ" - ông Trung nhận xét.
Thị trường đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc cũng đang mở rộng. Hàn Quốc tăng số lượng tuyển lao động ngành đóng tàu và hạ thấp tiêu chuẩn từ tháng 6-2022. Vừa qua, nước này tăng số lượng tuyển và thời hạn làm việc với lao động thời vụ ngành nông nghiệp, ngư nghiệp. Nhật Bản cũng cải thiện nhiều chính sách để thu hút lao động trong nhiều ngành nghề. Một số nước Trung Đông mong muốn có thêm lao động từ Việt Nam cho ngành xây dựng, dầu khí, cơ khí, đóng tàu, sản xuất chế tạo...
Nâng chất lượng nguồn lao động
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ LĐ-TB-XH, cho biết sau đại dịch, các nước đều tăng nhu cầu tuyển dụng và tạo nhiều điều kiện thu hút lao động ngoài nước. Qua đó, có hơn 85.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong 7 tháng đầu năm (đạt 77,4% kế hoạch năm).
Dù Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc liên tục nằm trong tốp đầu tiếp nhận lao động Việt Nam nhưng một số thị trường như: Ả Rập Saudi, UAE, Qatar, Hy Lạp cũng đề nghị tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng nhiều. "Không phải cứ nước nào có nhu cầu là chúng ta đưa NLĐ đi, mà còn phụ thuộc vào NLĐ, hợp tác giữa hai bên, điều kiện làm việc, thu nhập, môi trường sống... Mục tiêu của chúng ta là nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho NLĐ, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa các nước có phù hợp với NLĐ Việt Nam không" - ông Liêm nói.
Hiện Dolab đang đàm phán để đưa lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ sang làm việc tại khu vực Trung Đông với chi phí thấp, yêu cầu học vấn không quá cao nhằm góp phần giải quyết việc làm cho NLĐ thuộc đối tượng này.
Bên cạnh đó, lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc cần đáp ứng tiêu chí của những công việc phức tạp hơn khi thực tế số lượng lao động phổ thông còn chiếm phần lớn. Xu hướng các nước phát triển tuyển lao động kỹ thuật như cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin tăng cao. Một số thị trường có nhu cầu cao trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe.
Phó Cục trưởng Dolab còn cho hay nhiều nước châu Âu liên tục tiếp xúc nhằm tăng cường tuyển lao động Việt Nam trong thời gian gần đây nhưng họ yêu cầu lao động phải có tay nghề và trình độ.
"Về lâu dài, thực hiện chủ trương đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giải quyết việc làm, kiếm thu nhập mà còn để học hỏi kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ nhằm phát triển sự nghiệp, hướng đến việc làm bền vững. Do đó, việc nâng chất lượng lao động trước khi xuất cảnh là nhiệm vụ không chỉ của Dolab, doanh nghiệp dịch vụ mà còn là trách nhiệm của NLĐ" - ông Liêm nhấn mạnh.
Hy Lạp đánh giá cao lao động Việt Nam
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan vừa có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Nông nghiệp quốc gia Hy Lạp (Etheas) về hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Christos Giannakakis, Phó Chủ tịch Etheas, cho biết hiện Hy Lạp thiếu 60.000 lao động nông nghiệp, công nghiệp chế biến, 50.000 lao động xây dựng và 50.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. Hy Lạp đánh giá cao trình độ, kỹ năng nghề, ý thức tổ chức, kỷ luật của lao động Việt Nam và mong muốn hai bên sớm đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác lao động.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho hay tháng 7 vừa qua, phía Việt Nam đã cho phép 3 doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lao động để đưa sang Hy Lạp làm việc. Với nhu cầu lớn về lao động, hai bên có thể ký kết Thỏa thuận khung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Etheas và Dolab. Đây được xem là một thỏa thuận nhỏ trong tổng thể về hợp tác lao động giữa chính phủ hai nước.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/xuat-khau-lao-dong-se-som-ve-dich-2023081121305099.htm