Xuất khẩu ngành hàng chủ lực cần thêm 'liều thuốc' hỗ trợ

Hoạt động xuất khẩu của nhóm ngành hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, đồ gỗ, điện tử… hai tháng đầu năm 2023 dường như vẫn phập phù, đối mặt thách thức phía trước. Rõ ràng, các doanh nghiệp đang cần thêm những 'liều thuốc' hỗ trợ, nhất là về chính sách, vốn... để tiếp tục nỗ lực vượt khó.

Số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra vào ngày 28/2 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Chưa thể có đột phá

Có thể thấy, việc cải thiện tăng trưởng kim ngạch XK trong tháng 2 là đáng khích lệ dù cho mức tăng còn khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhất là vẫn còn đó mối lo giảm sút sức tăng trưởng XK của một số ngành hàng chủ lực như dệt may - da giầy, thủy sản, đồ gỗ, điện tử…

Các DN xuất khẩu đang cần thêm những “liều thuốc” hỗ trợ (đặc biệt là khâu chính sách) để có thể tiếp tục nỗ lực vượt khó.

Như mới đây, khi đánh giá sơ bộ tình hình XK tính đến ngày 15/2/2023, Tổng cục Hải quan có cho biết một số nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm 2022, như: Hàng dệt may giảm 845 triệu USD, tương ứng giảm 19,7%. Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD, tương ứng giảm 35,6%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 574 triệu USD, giảm 9,9%. Sắt thép các loại giảm 352 triệu USD, tương ứng giảm 34,8%...

Với XK cá tra trong ngành thủy sản, theo chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), dự báo trong quý 1/2023, các thị trường chưa có những thay đổi đột phá sau nhiều tháng bị suy giảm nhu cầu vì lạm phát.

Còn với ngành đồ gỗ, theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp Hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam (Vifores), riêng mảng XK đồ gỗ nội thất sẽ còn phải tiếp tục nỗ lực vượt khó. Theo dự báo quý I/2023 có thể sẽ đạt khoảng 50-55% so với cùng kỳ các năm trước. Sang quý 2 có thể lên 60%, còn quý 3 và 4 khoảng 65-75% so với trước đây.

Với dệt may, theo đánh giá trong tháng 2/2023 từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KIS, ngành này có triển vọng kém tích cực trong quý 1/2023 khi đối mặt với những thách thức lớn do nhu của người tiêu dùng suy giảm và mức tồn kho cao tại các nhà bán lẻ lớn như Nike và Adidas. Các công ty này đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng tồn kho theo năm lần lượt là 43% và 72,4% trong báo cáo quý gần nhất.

Trong khi đó, phía KIS dẫn thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, các đơn đặt hàng trong quý 1/2023 đã giảm 25-27% so với cùng kỳ năm rồi, cho thấy một năm khó khăn phía trước đối với toàn ngành.

Trước tình hình khó khăn của XK nhóm ngành hàng chủ lực nói riêng và XK nói chung, Ts. Hà Thị Cẩm Vân (Đại học RMIT), nhận định kim ngạch XK đã tăng trưởng mạnh vào năm 2022 (tăng 10,6% so với năm 2021). Trong đó, thủy hải sản và dệt may đạt mức cao kỷ lục, nhưng nhiều khả năng năm nay sẽ không được như vậy.

Như lý giải của bà Vân, các thị trường XK chính, cụ thể là Mỹ với 1/3 tổng kim ngạch XK của Việt Nam và cả EU, vừa bước vào thời kỳ suy thoái. Mặc dù có thể chưa bước vào suy thoái song Trung Quốc, khách hàng XK lớn thứ hai của Việt Nam, cũng chưa có trạng thái tốt nhất trong năm 2023.

Tránh “nút thắt cổ chai về dòng vốn ngắn hạn

Xét về yếu tố hỗ trợ, mối quan tâm của các doanh nghiệp (DN) trong nhóm ngành hàng XK chủ lực mong muốn là hướng tới loại bỏ các rào cản về chính sách, thị trường, những rào cản nội bộ cấp DN và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Đặc biệt là cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về tín dụng, dòng vốn, thuế, phí, xúc tiến thương mại... để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.

Chẳng hạn, vấn đề về dòng vốn và thuế. Mới đây, khi góp ý vào Dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề xuất, nếu có thể thì nên cho phép gia hạn 6 tháng thời điểm nộp toàn bộ các kỳ kê khai và nộp thuế trong năm 2023.

Bởi lẽ, Dự thảo hiện vẫn đang quy định thời điểm cuối cùng phải nộp thuế là 31/12/2023. Trong khi đó, năm 2023 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về dòng vốn đối với các DN trong nhóm ngành hàng XK chủ lực do những biến động kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo VCCI, các Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP và Nghị định 34/2022/NĐ-CP cho phép DN lùi thời điểm nộp thuế từ nửa đầu năm sang nửa cuối năm nhưng vẫn phải hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế vào tháng 12/2023.

Theo phản ánh của các DN thực hiện chính sách này trong ba năm qua, việc dồn toàn bộ nghĩa vụ nộp thuế vào dịp cuối năm, tập trung vào tháng 12 gây nhiều khó khăn về dòng tiền cho các DN. Thông thường, đây là dịp các DN cần nhiều vốn lưu động ngắn hạn để chuẩn bị cho các đơn hàng.

Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại cũng thường không muốn cho vay các khoản ngắn hạn vắt từ cuối năm này sang đầu năm sau, và yêu cầu khách hàng phải đáo hạn khoản vay trước ngày 31/12 hàng năm, do đây là thời điểm các ngân hàng thương mại phải tuân thủ quy định về giới hạn tăng trưởng tín dụng.

Các yếu tố này khiến thời điểm 31/12 biến thành một “nút thắt cổ chai” về dòng vốn ngắn hạn của cả nền kinh tế nói chung và cho các DN nhóm ngành hàng XK chủ lực nói riêng, nhất là khi mà cầu về vốn lưu động thì cao nhưng cung lại thấp.

Chính vì vậy, để hoạt động XK của nhóm ngành hàng chủ lực được khơi thông, có sức tăng trưởng tốt giữa nhiều thách thức phía trước thì việc có thêm “liều thuốc” hỗ trợ từ việc gỡ vướng ở khâu chính sách là rất cần thiết.

Nhiều chủ DN nói rằng, giữa khó khăn về thị trường XK, họ không xin quá nhiều về chính sách giảm thuế mà chỉ cần cơ chế thông thoáng hơn để không bế tắc dòng vốn. Điều này sẽ giải được một phần bài toán duy trì sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, để sau đó có thể tận dụng cơ hội khi thị trường XK phục hồi.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-nganh-hang-chu-luc-can-them-lieu-thuoc-ho-tro-1091054.html