Doanh nghiệp 'hối hả' chạy đơn hàng trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ

Để ứng phó với chính sách thuế mới, nhiều doanh nghiệp Việt tận dụng thời gian Mỹ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày, để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng về lâu dài cần giải quyết vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,0%, đạt 140,34 tỷ USD; nhập khẩu tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,4 tỷ USD – tức là chiếm gần 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ đạt 37,7 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu bởi các doanh nghiệp đang phải “hối hả“ chạy cho kịp các đơn hàng trong thời gian đàm phán thuế đối ứng với Mỹ.

Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến gỗ Đức Thành (TP.HCM) cho biết thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp là châu Á đang chiếm hơn 76% cơ cấu xuất khẩu của gỗ Đức Thành, châu Âu đứng thứ hai, còn thị trường châu Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Tuy nhiên, đối với thị trường Mỹ, tận dụng thời gian Mỹ công bố tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với các nước, doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện nhiều đơn hàng lớn và sẵn sàng làm việc cả đêm để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex (TP.HCM), thông tin, ngay khi Mỹ công bố tạm hoãn áp dụng thuế quan, doanh nghiệp đã triển khai thu mua nguyên liệu, phục vụ tăng cường sản xuất.

“Để gấp rút hoàn thành đơn hàng đã ký trước đó, nhà máy luôn vận hành hết công suất, trên tinh thần "làm ngày, làm đêm" để đáp ứng các đơn hàng đã ký và những hợp đồng được nối lại sau khi bị trì hoãn giao hàng trong thời gian Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng. Với các đơn hàng mới thì cũng sẽ phải bảo đảm tiến độ giao hàng sớm trong giai đoạn 90 ngày. Sau đó là tiếp tục chờ những quyết định cuối cùng”, ông Kịch nói.

Các doanh nghiệp đồ gỗ, may mặc, hàng điện tử... doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nói chung đã có kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần những đối sách “khôn ngoan”, đa dạng hóa thị trường và tăng cường hợp tác để chủ động ứng phó với những biến động về thuế quan của Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần những đối sách “khôn ngoan”, đa dạng hóa thị trường và tăng cường hợp tác để chủ động ứng phó với những biến động về thuế quan của Mỹ.

Ngày 8/5, tại Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn đàm phán thuế quan với Mỹ. "Thời gian đàm phán này cũng là điều cần thiết để Việt Nam chuẩn bị các giải pháp ứng phó với những thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Đồng thời cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, phát triển bền vững và gia tăng khả năng chống chịu trước các bất ổn toàn cầu", ông nói.

Đưa ra giả định Việt Nam có thể đạt được kết quả đàm phán mức thuế khoảng 10%, PGS.TS. Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng đây là thành công, nhưng mức thuế này vẫn ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Do đó, trong thời gian tới, để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần những đối sách “khôn ngoan”, đa dạng hóa thị trường và tăng cường hợp tác để chủ động ứng phó với những biến động thị trường.

Trong đó, một vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra khuyến nghị là phải giải quyết vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nghị dẫn chứng, việc Mỹ vừa áp thuế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước ASEAN đến 3.521% là điển hình cho minh bạch chuỗi cung ứng, bởi tiếp theo pin năng lượng có thể là gỗ, thép, xe điện, hàng điện tử gia dụng, dệt may... Vì thế, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hàm lượng xuất xứ trong nước, hay trong khối Asean rất được coi trọng trong đàm phán.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, nhất là nguyên liệu nguồn gốc từ Trung Quốc hay ngoài ASEAN phải nghiên cứu chuyển đổi trong sản xuất nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ và không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh cho rằng cần làm rõ giá trị đóng góp của Việt Nam trong các sản phẩm xuất khẩu để đàm phán mức thuế hợp lý; đồng thời loại bỏ các mặt hàng bị cáo buộc là hàng Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển.

Ngoài ra, với sự lên ngôi của công nghệ cao, PGS.TS. Tạ Văn Lợi khuyến nghị Việt Nam nên chọn lĩnh vực phần mềm, bán dẫn, kinh tế số… là ngành kinh tế thế mạnh, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là FDI từ Mỹ. Cùng với đó là nền chủ động khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ nhằm tìm kiếm nguồn lực.

“Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận về quan hệ thương mại và đầu tư từ thế bị động sang chủ động và cần có sự cân bằng cả hai chiều sẽ đạt lợi ích tối ưu hơn”, ông Lợi nhấn mạnh.

Còn trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia cho rằng cần hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế, giúp đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 bằng các chính sách về thuế phí, gói tín dụng ưu đãi… nhưng cần chú ý cách triển khai để tránh trở thành trợ cấp, cạnh tranh không công bằng.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nhằm chuẩn bị cho cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành kịp thời xử lý các vấn đề phía Mỹ quan tâm; đẩy mạnh đàm phán, tăng cường nhập khẩu các thiết bị, mặt hàng Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu để từng bước cân bằng thương mại bền vững.

Các địa phương giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm liên quan các dự án đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Hưng Yên, trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Các cơ quan căn cứ các phương án để thực hiện công việc, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doanh-nghiep-hoi-ha-chay-don-hang-truoc-ap-luc-thue-doi-ung-tu-my-1106638.html