Xuất khẩu sầu riêng trúng lớn, thương lái 'tranh mua, tranh bán' nhiễu loạn thị trường
Nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng phản ánh, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng đang 'đánh nhau' và tự thua trên sân nhà.
"Cò" thổi giá sầu riêng
Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đang trên đà thắng lớn, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022 đã mang về gần 30.000 tỷ đồng, trong đó thị trường trọng điểm là Trung Quốc.
Cũng bởi sầu riêng mang giá trị xuất khẩu cao nên giá sầu riêng trong nước tại các vùng trồng cũng ở mức cao, luôn dao động từ 50.000-90.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi theo tính toán, giá thành sản xuất chỉ vào khoảng 20.000 đồng/kg.
Tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” diễn ra sáng 11/9, ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận, sầu riêng đang là “vua của các loại quả” nên ngay cả một số tỉnh như Lào Cai, Sơn La cũng trồng thử nghiệm.
Giá bán sầu riêng trong nước luôn đứng ở mức cao, đặc biệt mùa sầu riêng tại Tây Nguyên không trùng với các nước như Thái Lan, Malaysia nên giá rất cao.
Theo ông Côn, tại Đắk Lắk có 3 hình thức thu mua sầu riêng. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô tại vườn.
Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa do người dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc BVTV... chăm sóc cây.
Thứ ba, một số đối tượng thương lái, "cò" vào tận vườn để chốt giá 80.000-90.000 đồng/kg. Dù vậy, kiểu mua bán này đang gây nhiễu loạn thị trường sầu riêng.
Cũng bởi vậy, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trồng sầu riêng đã bị “bẻ gãy”. Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Công ty Vạn Hòa Holding, cho biết doanh nghiệp liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha.
Trải qua các vụ sầu riêng ở vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ nông dân.
“Công ty có hợp đồng bao tiêu liên kết. Trong hợp đồng có đánh giá tỷ lệ quả, chốt giá trước 15-20 ngày để thu hoạch. Song, trước thời điểm thu hoạch 2 tháng, thương lái, 'cò' ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc hàng. Nông dân không chịu nổi khi sáng ông A. vào trả 90.000 đồng/kg, chiều ông B. lại trả 95.000, thậm chí 100.000 đồng/kg. Cứ thổi giá lên thôi”, ông Trung bức xúc.
Theo ông Trung, nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường. Nhưng khi thị trường đi xuống thì thương lái sẽ ép giá, khi đó người chịu thiệt là nông dân.
Còn ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (Đắk Lắk), thông tin, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng đang "đánh nhau" và tự thua trên sân nhà.
Tạo không gian để doanh nghiệp- nông dân ngồi lại
Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), chỉ rõ, một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá và làm xáo trộn thị trường. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh.
Với tiềm năng tại thị trường Trung Quốc, ông Trung cho rằng, các doanh nghiệp cần có tư duy “bắt tay”, đồng hành cùng đưa sầu riêng vào thị trường này thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về giá.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức.
Trước đây, có nhiều ngành hàng tiềm năng, ban đầu doanh nghiệp, người dân rất hào hứng phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ về thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức.
Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững, trong đó phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ.
“Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau. Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán”- ông Hoan nhìn nhận.
Về việc cấp mã số vùng trồng, ông Hoan cho biết hiện mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.