Xuất khẩu Thái Lan đang đối mặt với một năm đầy khó khăn
Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) nhận định, lạm phát cao và biến động tiền tệ và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài là những yếu tố rủi ro khiến thương mại quốc tế trì trệ vào năm 2023 làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ngành xuất khẩu ô tô của Thái Lan vốn đã tăng trưởng trong năm nay, cũng có thể thay đổi nếu suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo Cục Xúc tiến thương mại quốc tế, số lượng các chuyến hàng xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ giảm trong nửa đầu năm nay, nhưng có thể cải thiện vào nửa cuối năm.
Vào cuối tháng trước, các quan chức phụ trách thương mại cho biết, giá trị hàng hóa xuất khẩu đã thông quan trong tháng 2 đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, xuống còn 22,4 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 1,1% lên mức 23,5 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt 1,11 tỷ USD.
Dấu hiệu của sự suy giảm trong xuất khẩu đã được dự báo từ cuối năm ngoái khi các chỉ số kinh tế chính không được tốt và gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch của FTI nhận định: “FTI đã nhận thấy các dấu hiệu (suy thoái) từ quý III và IV năm ngoái do đơn đặt hàng tại nhiều nhà máy giảm sút”.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, giá trị xuất khẩu đã thông quan giảm liên tiếp trong 3 tháng cuối năm 2022 — tháng 10 giảm 4,4%, tháng 11 giảm 6% và giảm 14,6% vào tháng 12 so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu nông sản giảm trong 3 tháng liên tiếp và chỉ đạt 3,59 tỷ USD trong tháng 12/2022, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu giảm bao gồm gạo (-4,1%), sản phẩm sắn (-12,4%), cao su (-47,7%), trái cây chế biến và đóng hộp (-20,5%) và đường (-45,4%).
Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp cũng giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống còn 17,2 tỷ USD trong tháng 12/2022, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cùng tháng đó, Chỉ số sản xuất chế tạo (MPI) của Thái Lan giảm 8,19% so với cùng kỳ năm 2021 xuống mức 93,98 điểm, mức thấp nhất trong 28 tháng, do nền kinh tế thế giới suy thoái.
Theo Văn phòng Kinh tế công nghiệp (OIE), chỉ số MPI cả năm 2022 đạt 98,32 điểm, tăng nhẹ 0,62% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Bà Warawan Chitaroon, Tổng giám đốc của OIE, cho rằng, nhiều quốc gia đã phải vật lộn với suy thoái kinh tế và sức mua giảm mạnh. Bà Warawan cho biết, các thị trường xuất khẩu của Thái Lan tại Mỹ và EU trở nên trì trệ, dẫn đến các đơn hàng ít hơn.
Mức sử dụng công suất trong tháng 12/2022 ở mức 59,6%, giảm từ mức 61% trong tháng 11. Trong cả năm, mức sử dụng công suất là 62,6%.
Tình hình dường như đang đúng như dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB). Vào tháng 9/2022, WB đã cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2023 sau khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao.
Một thời gian sau, các doanh nhân Thái Lan phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về tình hình kinh tế khó khăn. Vào tháng 12/2022, Chỉ số Tâm lý công nghiệp Thái Lan (TISI) lần đầu tiên giảm sau 7 tháng xuống còn 92,6 điểm.
Trong cuộc khảo sát đối với 1.303 doanh nghiệp trong 45 ngành thuộc FTI, những người được hỏi cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu là mối quan tâm chính của họ (chiếm tỷ lệ 71,5% người được hỏi), tiếp theo là lãi suất cho vay cao hơn (48,8%) và tác động từ việc đồng baht mạnh hơn đối với xuất khẩu của Thái Lan (44,5%).
Ông Kriengkrai cho biết, chỉ số này giảm so với mức 93,5 điểm trong tháng 11 do có nhiều ngày lễ trong tháng 12, năng lực sản xuất giảm cũng như đơn hàng mới cũng giảm.
Theo quan điểm của ông Suchart Chantaranakaracha, Phó Chủ tịch của FTI, giá trị của đồng baht nên ở mức 34 baht đổi 1 USD, nhưng giá trị của đồng baht đã dao động rất nhiều từ mức 38,08 baht/USD vào tháng 10 năm ngoái lên 32,88 baht/USD vào tháng 2/2023.
Phó Chủ tịch kiêm phát ngôn viên của FTI, Surapong Paisitpatanapong cho biết, Câu lạc bộ Công nghiệp ô tô của FTI dự kiến sản lượng ô tô để xuất khẩu sẽ tăng 1,22% trong năm 2023 lên 1,05 triệu chiếc, nhưng liệu mục tiêu này có đạt được hay không còn phụ thuộc vào tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Năm 2022, các nhà sản xuất đã xuất xưởng 1,03 triệu ô tô để xuất khẩu, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi 846.198 chiếc được sử dụng cho thị trường nội địa, tăng 16,1%. FTI kỳ vọng tổng sản lượng ô tô ở Thái Lan sẽ đạt 1,95 triệu chiếc vào năm 2023.
Trong năm 2022, các thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan là Trung Đông, các nước châu Á khác, châu Phi và Australia. Các chuyến hàng đến châu Âu và Mỹ giảm do suy thoái kinh tế và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ông Surapong cho biết, câu lạc bộ sẽ xem xét lại mục tiêu vào giữa năm nay, vì có thể có một số yếu tố, đặc biệt là suy thoái kinh tế toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp ô tô.
Năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô ban đầu đặt mục tiêu xuất xưởng 1,8 triệu chiếc nhưng sau đó quyết định hạ xuống còn 1,75 triệu chiếc sau khi xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu kéo dài do cả hai nước này đều là nhà xuất khẩu khí neon lớn, đây là một vật liệu quan trọng trong sản xuất chip.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã giảm bớt từ tháng 9-11/2022, sau khi nhu cầu chip từ các doanh nghiệp thiết bị điện và công nghệ thông tin giảm kể từ tháng 6/2022.
Với việc các nhà sản xuất ô tô ở Thái Lan được cung cấp nhiều chip hơn vào thời điểm đó, ông Surapong cho biết mục tiêu sản xuất 1,8 triệu ô tô là hoàn toàn khả quan. Câu lạc bộ đang theo dõi tình hình chip, nền kinh tế toàn cầu và cuộc xung đột Nga-Ukraine, những yếu tố ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan.
Vào tháng 2/2023, tổng sản lượng ô tô đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 165.612 chiếc. Sản xuất ô tô dùng cho xuất khẩu tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 88.525 chiếc trong cùng tháng.
Để đối phó với những bất ổn kinh tế, khu vực nhà nước và tư nhân nên áp dụng các giải pháp bền vững hơn bằng cách giảm phụ thuộc vào một số thị trường nước ngoài nhất định và ký kết thêm nhiều thỏa thuận thương mại quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa.
Ông Kriengkrai cho biết, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp không nên chỉ giới hạn ở Mỹ và châu Âu, những quốc gia có thể bước vào thời kỳ suy thoái và cần tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu sản phẩm.
FTI cũng kêu gọi Chính phủ Thái Lan đẩy nhanh đàm phán với nước ngoài về các hiệp định thương mại tự do, bao gồm với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, gồm các nước Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Qatar, Bahrain và Oman .
Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, vốn đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng GDP của đất nước. Xuất khẩu trước đây đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan, vốn bị đình trệ bởi tác động của dịch COVID-19.