Xuất khẩu thủy sản lo ngại chính sách thuế quan

Năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu dự báo sẽ có nhiều biến động với chính sách thuế quan, sự giảm sút trong nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ.

Xuất khẩu trong “âu lo”

Ngày đầu tiên của tháng 2/2025, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Canada và Mexico.

Sắc lệnh do ông Trump ký áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 4/2 và 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada, đang tạm dừng trong 30 ngày.

Xuất khẩu thủy sản lo ngại với chính sách thuế quan của chính quyền ông Donal Trump.

Xuất khẩu thủy sản lo ngại với chính sách thuế quan của chính quyền ông Donal Trump.

Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quyết định này của ông Trump dự kiến ảnh hưởng đến giá cá ngừ đóng hộp tại Mỹ. Sức mua của người tiêu dùng Mỹ có thể bị ảnh hưởng vì các nhà bán lẻ có thể phải tăng giá sản phẩm.

Trong đó, năm 2024, ngành cá ngừ Việt Nam cán đích ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023. Trong số các thị trường xuất khẩu cá ngừ, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm hơn 39% tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Chính vì thế, các doanh nghiệp đang rất lo ngại về những chính sách thương mại, đặc biệt là các mức thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Donal Trump có thể áp dụng với các quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam”, bà Hà cho hay.

Nỗ lực khai thác cơ hội

Cũng theo đại diện VASEP, sự suy giảm tiêu dùng tại Mỹ, do chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, ngoài cá ngừ thì có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm với tôm và cá hồi. Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản dễ chế biến như tôm đông lạnh có thể giúp bù đắp phần nào sự giảm sút trong tiêu thụ các sản phẩm cao cấp.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là một vấn đề tương hỗ khách quan trong thương mại giữa các nền kinh tế. Trước mắt, nếu Mỹ hạn chế hàng hóa từ Trung Quốc thì đương nhiên sẽ phải tăng nhập khẩu từ các nước khác, trong đó Việt Nam là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh. Chính vì thế, đây cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường cá ngừ Mỹ.

Đồng tình với ý kiến, bà Nguyễn Kim Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sa Kỳ cho hay, khi hàng Trung Quốc bị đội giá do thuế cao, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, trong đó Việt Nam là lựa chọn tiềm năng. Với ngành thủy hải sản, doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động tiếp cận các nhà nhập khẩu Mỹ đang cần tìm nguồn cung mới, ký kết được hợp đồng lớn, tăng xuất khẩu cá tra, cá rô phi, cá ngừ, tôm và nhiều loại thủy hải sản sang Mỹ.

“Ngay từ cuối năm 2024, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác Mỹ cho quý I-II/2025. Mục tiêu của chúng tôi cho thị trường Mỹ năm nay là tăng trưởng từ 40-60%. Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi vừa xây dựng kế hoạch chiến lược, vừa cập nhật thêm các giải pháp để có thể hạn chế thách thức, tận dụng tốt cơ hội”, bà Thanh chia sẻ.

Mặt khác, hiện thị trường ASEAN ghi nhận sự tăng trưởng ổn định với mức tăng 10,5% cho toàn ngành, cho thấy tiềm năng từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á vẫn là một điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt đa dạng thị trường, giảm thách thức trong tình hình mới.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-thuy-san-lo-ngai-chinh-sach-thue-quan-d245598.html