Thuế quan của Mỹ sẽ không dễ dàng làm chệch hướng phục hồi của Khu vực đồng Euro

Khu vực đồng Euro đang cho thấy những dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi kinh tế khó bị phá vỡ bởi mức thuế mới đưa ra bởi chính quyền Donald Trump. Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể lơ là cảnh giác.

 Khu vực đồng Euro đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi ban đầu. Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Khu vực đồng Euro đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi ban đầu. Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Cụ thể, nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế tin rằng Khu vực đồng Euro sẽ tiếp tục bị “kẹt” ở mức tăng trưởng thấp vào năm 2025. Trong đó các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của khối sẽ dao động quanh mức tăng trưởng 1% vào năm 2025, chỉ cao hơn một chút so với mức tăng trưởng 0,7% đạt được vào năm 2024 và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 2% dự kiến của Mỹ.

Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất, vốn là lực cản chính đối với tăng trưởng của Khu vực đồng Euro vào năm 2024, sẽ tiếp tục trì trệ do chi phí năng lượng cao và nhu cầu thấp, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Nhưng sự bi quan này có thể đã quá mức. Điều này được giải thích trong Chỉ số chu kỳ sớm (Early Circle Indicator), chỉ số độc quyền của ngân hàng Panmure Liberum, đã cho thấy những dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi kinh tế trong những tháng gần đây. Được biết, chỉ số dự báo này đã báo hiệu sự thay đổi trong tăng trưởng GDP và thu nhập của các công ty sản xuất châu Âu trước khoảng 9-12 tháng. Điều quan trọng là các cường quốc kinh tế châu Âu gồm Đức và Pháp đang cho thấy những dấu hiệu thận trọng về việc tăng trưởng đang tăng tốc.

Động lực chính của sự cải thiện này là sự phục hồi trong các đơn đặt hàng xuất khẩu mới, được thể hiện trong các cuộc khảo sát chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI). Nhu cầu xuất khẩu đã trở thành yếu tố then chốt trong tăng trưởng của Khu vực đồng Euro, vì xuất khẩu chiếm tới 51% GDP của khu vực vào năm 2023.

Dù vẫn còn nhiều thách thức và chưa thể có câu trả lời chính xác về mức độ tăng trưởng của châu Âu, song chắc chắn là sự phục hồi của châu Âu có thể sẽ bị thử thách do căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, đặc biệt khi chính quyền Trump tăng cường nỗ lực áp thuế đối với Liên minh châu Âu (EU).

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ đang thâm hụt thương mại hàng hóa khoảng 155 tỷ Euro (161,7 tỷ USD) với khối khu vực. Điều khiến các nhà đầu tư lo ngại là mức thuế quan mà Mỹ đưa ra có thể làm bùng phát lạm phát ở châu Âu và hạn chế tăng trưởng ở giai đoạn mà tiến trình phục hồi này rất dễ bị tổn thương.

Nhưng hầu hết các mức thuế được đưa ra cho đến nay sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể đến châu Âu. Trong đó, mức thuế 25% mới công bố đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ chắc chắn không gây ra nhiều tổn hại, do xuất khẩu thép của châu Âu sang Mỹ ghi nhận trong thập kỷ qua là khoảng 3 tỷ Euro và xuất khẩu nhôm cũng khiêm tốn tương tự. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chúng chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ EU sang Mỹ. Trong khi ngành công nghiệp thép và nhôm châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng doanh thu xuất khẩu giảm nếu các mức thuế này được áp dụng, nhìn chung toàn Khu vực đồng Euro sẽ khó có thể cảm nhận được tác động này.

Dữ liệu mới nhất vào năm 2022 cho thấy mức thuế quan trung bình áp dụng đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Mỹ là 3,6%, trong khi mức thuế quan trung bình áp dụng đối với hàng hóa từ Mỹ vào là 4,5%. Theo mô hình dự đoán, việc áp thuế qua lại giữa EU và Mỹ sẽ chỉ làm giảm GDP của EU 0,02% và làm tăng lạm phát 0,01%, tức là hầu như không có tác động nào đến Khu vực đồng Euro.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/thue-quan-cua-my-se-khong-de-dang-lam-chech-huong-phuc-hoi-cua-khu-vuc-dong-euro-150981.html