Xuất khẩu thủy sản trước cơ hội tái cơ cấu
Trước những diễn biến khó lường của thị trường, ngành thủy sản đang dồn lực 'chạy nước rút' để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhìn nhận đây là cơ hội quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, giảm thiểu rủi ro.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Nhật Bản và Trung Quốc, với kim ngạch ước đạt 891 triệu USD, vẫn tăng 16%.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP nhận định, theo kịch bản lạc quan nhất, nếu Mỹ giữ mức thuế cố định dài hạn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có thể đạt gần mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay. Nhưng nếu ở mức thuế cao hơn trong thời gian dài, ngành có thể giảm doanh thu đáng kể.
Mặc dù áp lực rất lớn, nhưng chính cú sốc này lại là động lực quan trọng buộc ngành thủy sản Việt Nam phải tái cơ cấu toàn diện.
Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã làm chủ được chuỗi giá trị từ con giống, vùng nuôi, chế biến, đến xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng và tập trung đầu tư chế biến sâu
Theo VASEP, ngành đang tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc QR-code, hồ sơ chứng nhận xuất xứ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của Mỹ và các thị trường khác.
Ngoài rủi ro về thuế, thị trường Mỹ và châu Âu đang chuyển mạnh sang tiêu dùng hải sản chế biến sâu, nhiều giá trị gia tăng như fillet, tempura, sushi-grade, đồ ăn sẵn đông lạnh. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt các dây chuyền hiện đại, nâng cao chất lượng, kéo dài hạn sử dụng, đáp ứng tiêu chuẩn tại nhiều thị trường cao cấp.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sang EU đang được hỗ trợ lớn nhờ hiệp định EVFTA, nhiều sản phẩm thủy sản được hưởng thuế 0%. Cùng với đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc đang là những thị trường tiềm năng, nhưng đòi hỏi rất cao về chất lượng, tính minh bạch. Đặc biệt, các nước CPTPP như Canada, Úc, Mexico vẫn còn nhiều dư địa.
Để thích ứng, nhiều doanh nghiệp đang tập trung chuẩn hóa vùng nuôi, đạt chứng nhận quốc tế (ASC, BAP), áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc. Một số doanh nghiệp lớn đang tìm cách đàm phán lại giá với khách hàng.
Ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, chính sách thuế mới của Mỹ chắc chắn là thách thức lớn, làm giảm sức cạnh tranh và áp lực cho ngành xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, áp lực này cũng buộc ngành phải tái cơ cấu nhanh chóng từ minh bạch hóa chuỗi cung ứng, đầu tư chế biến sâu đến đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn này, ngành thủy sản Việt Nam sẽ đứng vững hơn trên thị trường toàn cầu và phát triển bền vững hơn. Thuế có thể là lực cản trước mắt nhưng là cú hích cần thiết để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi. Nếu tận dụng được, đây sẽ là bước ngoặt cho phát triển lâu dài.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-thuy-san-truoc-co-hoi-tai-co-cau-167312.html