Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 1/2025 khởi sắc, ngành tôm tiếp tục dẫn đầu
Tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, mặt hàng tôm tiếp tục thể hiện vị thế chủ lực với giá trị xuất khẩu 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đánh dấu một khởi đầu đầy triển vọng cho năm mới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù đối mặt với nhiều thách thức, năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Top 5 thị trường chính gồm: Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Nhóm này chiếm tới 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
![Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu tôm đến 107 thị trường, so với 102 thị trường của năm 2023.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_594_51421619/a61bfa9dc3d32a8d73c2.jpg)
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu tôm đến 107 thị trường, so với 102 thị trường của năm 2023.
Đáng chú ý, Trung Quốc và Hồng Kông lần đầu vượt Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Sau khi giảm trong quý 2/2024, xuất khẩu tôm sang khu vực này tăng mạnh 69% trong quý 4, đạt 258 triệu USD, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023.
Thị trường Nhật Bản ghi nhận 517 triệu USD, tăng nhẹ 1%. Đồng Yên phục hồi từ giữa quý 3/2024 giúp cải thiện sức mua, đồng thời, tôm Việt Nam hưởng lợi khi Ấn Độ gặp rào cản về lao động vị thành niên.
Tại EU, xuất khẩu tôm đạt 484 triệu USD, tăng 15% so với năm 2023, với Hà Lan tăng mạnh nhất 22%. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế nguồn cung tôm lớn nhất tại Hàn Quốc, chiếm 46% thị phần, dù xuất khẩu sang thị trường này giảm 3%, đạt 334 triệu USD do vướng hạn ngạch nhập khẩu.
Bước sang năm 2025, mặt hàng tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2025, với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Các báo cáo từ Rabobank cho thấy, ngành công nghiệp tôm toàn cầu đang trong giai đoạn tái cân bằng khi các nước sản xuất giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất nhằm thu hẹp khoảng cách cung cầu. Điều này dự báo sẽ giúp giá tôm phục hồi dần dần trong nửa đầu năm 2025, đặc biệt khi nhu cầu từ các thị trường như Mỹ và EU cải thiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, thị trường Trung Quốc - một trong những đối tác lớn của tôm Việt Nam, đang đối mặt với sự giảm sút trong nhu cầu tiêu thụ. Sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu, cùng với áp lực thu nhập gia tăng, đã dẫn đến sự sụt giảm tiêu dùng tôm trắng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Sự cạnh tranh từ các sản phẩm thủy sản giá rẻ hơn và sự ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.
Với thị trường Nhật Bản, thị trường nhập khẩu nhiều nhất tôm từ Việt Nam trong năm 2024, nhưng có thể sẽ bị tôm Indonesia soán ngôi đầu do Indonesia bị áp thuế cao ở Mỹ và sẽ tìm cách chuyển đổi qua Nhật Bản. Thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam XK vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam.
Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, lĩnh vực nuôi tôm cần được tạo động lực như người nuôi có thể được thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường, cấp giấy phép mặt nước cho người dân để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng. Kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng.
VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho XK tôm Việt Nam.
Trong thời gian tới, ngành tôm cần chuyển đổi tư duy, thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, cần ưu tiên bền vững và hiệu quả, tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm.