Chủ động đối mặt với thách thức trên thị trường xuất khẩu

Nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem đến nhiều thách thức trên thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1/2025 đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động khó lường, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng hoạt động xuất khẩu đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Các chính sách bảo hộ thương mại và thuế quan của Hoa Kỳ – một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam – cùng nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế lớn có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể.

 Nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem đến nhiều thách thức trên thị trường xuất khẩu.

Nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem đến nhiều thách thức trên thị trường xuất khẩu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh - TS. Võ Trí Thành cho biết căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Những biện pháp trả đũa thuế quan giữa các nước lớn có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho rằng leo thang căng thẳng thương mại có thể làm chậm dòng lưu thông hàng hóa, gây đứt gãy chuỗi cung ứng và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế, Việt Nam khó tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các biến động này.

TS. Phương cũng lưu ý rằng chính quyền Hoa Kỳ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, từng sử dụng chính sách thuế suất như một công cụ đàm phán thương mại, và điều này có thể tiếp tục diễn ra. Do Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ – thị trường xuất khẩu chiếm 30% tổng kim ngạch – nguy cơ bị áp lực từ các biện pháp thuế quan hoặc điều tra thương mại vẫn hiện hữu. Năm 2024, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ gần 105 tỷ USD, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Theo ông Phương, mức thặng dư này đã từng khiến Việt Nam phải đối mặt với cuộc điều tra thao túng tiền tệ và nguy cơ tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

 Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1/2025 đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1/2025 đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Để ứng phó với những thách thức trong hoạt động xuất khẩu, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường, và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chủ động ứng phó với các chính sách bảo hộ thương mại cũng là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, việc đảm bảo sự ổn định và bền vững cho hoạt động xuất khẩu không chỉ góp phần vào tăng trưởng GDP mà còn giúp Việt Nam duy trì vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thanh Ngân

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chu-dong-doi-mat-voi-thach-thuc-tren-thi-truong-xuat-khau-d55706.html