Xúc tiến thu hút các dự án đầu tư lớn, tạo quỹ mặt bằng 'sạch' và đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa KKTNS&CKCN phát triển như kỳ vọng
Việc thiếu quỹ đất, mặt bằng 'sạch', chưa có cảng container chuyên dụng và trung tâm logistics đang là một trong những hạn chế cơ bản khiến việc phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) chưa đạt kỳ vọng. Cần xúc tiến thu hút đầu tư vào các hạng mục này; phối hợp hiệu quả, linh hoạt giữa các sở, ngành, đơn vị và nỗ lực cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển tại KKTNS&CKCN.
Sáng 29-6, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển KKTNS&CKCN tỉnh.
Cùng tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KKTNS&CKCN; lãnh đạo các sở, ngành; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực KKTNS&CKCN; Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các huyện: Yên Định, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Như Thanh.
Báo cáo của Ban Quản lý KKTNS&CKCN cho thấy, so với kế hoạch 5 năm, các mục tiêu chủ yếu đặt ra cho KKTNS&CKCN thực hiện được trong giai đoan 2021-2023 còn thấp.
Cụ thể như, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ - thương mại tại các doanh nghiệp trong KKTNS&CKCN đạt 546.143 tỷ đồng, bằng 37,3% kế hoạch; giá trị xuất khẩu đạt là 9.505 triệu USD, bằng 37,4% kế hoạch; thu ngân sách 52.747 tỷ đồng, bằng 40,1% kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 54.137 tỷ đồng, bằng 11,9% kế hoạch; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) được 445 ha, đạt 11,1% kế hoạch 5 năm; giải phóng mặt bằng hơn 1.150 ha, đạt 46% kế hoạch; riêng chi tiêu về giải quyết việc làm đạt khoảng 81,6% kế hoạch 5 năm…
Nguyên nhân chủ yếu khiến các mục tiêu kế hoạch đạt thấp là do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến giá cả nguyên vật liệu tăng đột biến, căng thẳng chính trị giữa các nước trên thế giới ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung khiến DN thiếu thị trường; một số dự án lớn đã ký biên bản ghi nhớ tuy nhiên không triển khai theo kế hoạch,... đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực các chỉ tiêu theo kỳ vọng ban đầu.
Về nhiệm vụ phát triển KKTNS&KCN, trong giai đoạn 2021-2023, các sở, ban, ngành, Ban Quản lý KKTNS&KCN và các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết cảng biển Thanh Hóa, các phân khu chức năng chính trong KKTNS bảo đảm thời gian được giao.
Cũng trong giai đoạn 2021-2023, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại KKTNS được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh rất quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư. Hiện nay, Bộ Giao thông-Vận tải đã triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua KKTNS cơ bản hoàn thành; dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đã được phê duyệt và triển khai đầu tư từ năm 2022.
Tuyến đường bộ ven biển đoạn từ Quảng Xương - thị xã Nghi Sơn dự kiến khởi công trong tháng 6, 7-2023 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trước 31-12-2024; đoạn qua khu đô thị trung tâm KKTNS sẽ nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện kết nối KKTNS với nhiều vùng kinh tế năng động trong và ngoài tỉnh.
Giai đoạn 2021-2023, UBND tỉnh đã ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách để tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong KKTNS với tổng nguồn vốn bố trí là 4.747 tỷ đồng để đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình kết nối nội bộ trong KKTNS, như: đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn; cải dịch sông Tuần Cung, tuyến đường Hải Hòa - Bình Minh;… Đồng thời triển khai nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, các dự án đầu tư trọng điểm, các khu tái định cư… tạo điều kiện và động lực cho việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại KKTNS&CKCN.
Đến nay, KKTNS &CKCN đã thu hút được 714 dự án đầu tư trong và ngoài nước; trong đó có nhiều dự án lớn. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực và nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất.
Theo Ban Quản lý KKTNS &CKCN, thực tế, ngoài kết quả các chỉ tiêu cụ thể so với kế hoạch 5 năm còn thấp thì việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KKTNS &CKCN trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế khác, như: Việc lập và thẩm định quy hoạch chi tiết trong KKTNS còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra; tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại một số KCN như KCN số 1, KCN số 3, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng còn chậm và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp.
Một số KCN đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng như các KCN: Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và một số KCN trong KKTNS; chưa thu hút được dự án quy mô lớn, số lượng dự án đầu tư nước ngoài còn ít; vẫn còn tồn tại các dự án chậm tiến độ theo quy định, trong đó có dự án lớn, trọng điểm…
Với mục tiếp tục xây dựng và phát triển KKTNS trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, Ban Quản lý KKTNS &CKCN đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách, chương trình trọng tâm, khâu đột phá để sớm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân KCN, khu đô thị. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KKTNS &CKCN. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút các dự án công nghiệp nặng, giá trị gia tăng cao nhằm tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển tại KKTNS&CKCN.
Sau khi cùng các sở, ngành thảo luận, trao đổi về các kết quả, mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình phát triển KKTNS&CKCN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi ghi nhận, đánh giá cao Ban Quản lý KKTNS&CKCN đã thực hiện việc tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá khá đầy đủ, chi tiết việc thực hiện kế hoạch chương trình phát triển KKTNS&CKCN. Đồng chí đề nghị đơn vị tiếp thu các ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị để hoàn thiện báo cáo; trong đó cần làm rõ hơn phần nguyên nhân và bổ sung các giải pháp thực hiện khả thi trong giai đoạn tới.
Đồng chí nhấn mạnh, mặc dù các chỉ tiêu phát triển KKTNS&CKCN đạt được trong giai đoạn 2021-2023 còn thấp so với kế hoạch 5 năm, tuy nhiên Thanh Hóa cũng vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế - xã hội so với cả nước trong bối cảnh khó khăn những năm vừa qua. Kết quả tăng trưởng này phần lớn đến từ đóng góp của KKTNS &CKCN.
Để khắc phục những điểm yếu, phát huy tiềm năng, lợi thế của KKTNS&CKCN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý KKTNS &CKCN, các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác lập quy hoạch phân khu, làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục pháp lý trong hoạt động thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút những dự án lớn, giá trị gia tăng cao; tích cực xúc tiến thu hút và phát triển cảng container chuyên dụng, các tuyến vận tải container quốc tế, các trung tâm logistics để đáp ứng đa dạng nhu cầu kho bãi, trung chuyển hàng hóa cho khách hàng; các địa phương có tiềm năng thu hút đầu tư như Quảng Xương, Hoằng Hóa... cũng khẩn trương lập quy hoạch KCN để trình phê duyệt, xúc tiến các cơ hội thu hút đầu tư trong thời gian gần nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu việc cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính; tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cùng các đề án hỗ trợ phát triển khác, tạo động lực thu hút và phát triển mạnh mẽ KKTNS và các KCN, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đề ra.