Xung đột Nga-Ukraine: Mỹ liên tiếp áp lệnh trừng phạt - 'phát súng cảnh cáo' nhằm vào công ty Trung Quốc?
Theo chuyên gia, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đóng vai trò như một lời cảnh báo đối với các công ty trên toàn thế giới, đặc biệt là những doanh nghiệp ở Trung Quốc.
“Đánh động” từ doanh nghiệp Singapore
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, các nhà phân tích nhận định, những biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với một số doanh nghiệp vì mối quan hệ của họ với Moscow, bao gồm một thực thể Singapore, đóng vai trò như một “phát súng cảnh cáo” đối với các doanh nghiệp Trung Quốc đang kinh doanh với các đối tác Nga.
Ngày 31/3, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 21 thực thể và 13 cá nhân, bao gồm Công ty Cổ phần Mikron, nhà sản xuất chip lớn nhất của Nga và Alexsong Pte Ltd, một nhà bán buôn thiết bị điện tử viễn thông có trụ sở tại Singapore.
Các công ty này bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho thực hiện các giao dịch nhằm giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các công cụ của Tổng thống Nga Putin bằng những biện pháp trừng phạt từ mọi góc độ cho đến khi chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine kết thúc”.
Theo các lệnh trừng phạt trên, tài sản tại Mỹ của các thực thể và cá nhân trong “danh sách đen” bị đóng băng toàn bộ và các công ty Mỹ bị cấm giao dịch với doanh nghiệp này.
Việc danh sách trừng phạt của Mỹ bao gồm Alexsong, công ty có trụ sở tại Singapore với 29 năm kinh nghiệm trong thị trường bán buôn, là rất quan trọng. Điều này thể hiện “rủi ro xử phạt thứ cấp” tiềm ẩn mà nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng né tránh.
Chính phủ Mỹ cũng đã cảnh báo rằng, các công ty Trung Quốc có thể bị trừng phạt nếu được phát hiện giúp các đối tác Nga lách lệnh trừng phạt.
Lời cảnh báo với doanh nghiệp Trung Quốc
Bà Angela Zhang, Phó Giáo sư luật tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), nói rằng, các biện pháp trừng phạt đóng vai trò như một lời cảnh báo đối với các công ty trên toàn thế giới, đặc biệt là những doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Phó Giáo sư Zhang nhận định: “Tôi tin rằng các công ty Trung Quốc đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ trong bối cảnh mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Nga”.
Trung Quốc là thị trường lớn của Mikron. Năm 2010, công ty mở rộng hoạt động kinh doanh và bắt đầu xuất khẩu chip nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) sang Trung Quốc, sau khi doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm. Chip nhận dạng dùng để sản xuất thẻ ra vào những tòa nhà văn phòng và khách sạn.
Theo một báo cáo từ cổng thông tin công nghệ Nga Tadviser, năm 2010, nhà sản xuất khổng lồ của Nga đã bán hơn 10 triệu chip cho các nhà sản xuất thẻ điện tử và tích hợp hệ thống của Trung Quốc.
Mikron từ chối bình luận về các lệnh trừng phạt và hoạt động kinh doanh của mình với các công ty Trung Quốc. Trong khi đó, Alexsong có trụ sở tại Singapore cũng từ chối bình luận về những tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong một hội thảo trực tuyến do Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong tổ chức, Benjamin Kostrzewa, chuyên gia tư vấn pháp lý nước ngoài tại công ty luật Hogan Lovells và là cựu Trợ lý Tổng cố vấn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cho biết: “Các biện pháp trừng phạt thứ cấp là mối quan tâm rất lớn đối với các công ty Trung Quốc”.
Theo ông Kostrzewa, các quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới quy định rằng, bất kỳ công ty nào ở Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm có chứa vi mạch của Mỹ sang Nga sẽ phải chịu hình phạt.
Tuy nhiên, theo ông Jacob Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, việc thực thi các lệnh trừng phạt ở Trung Quốc có thể sẽ khó thực hiện hơn ở Singapore.
Ông Kirkegaard nói, điều này có thể là do tính minh bạch của doanh nghiệp bị hạn chế hơn ở Trung Quốc và quan điểm của chính phủ trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt.
Chuyên gia Kirkegaard nhận định, đại ý rằng, Mỹ cần dựa vào tính răn đe của các lệnh trừng phạt để đảm bảo khả năng thực thi (các lệnh trừng phạt) của các công ty Trung Quốc.
Tuần trước, thương hiệu điện thoại thông minh BQ của Nga cho biết họ đang thử nghiệm hệ điều hành HarmonyOS của Huawei Technologies Co. sau khi nhận được thông báo từ Google cho biết chứng nhận Android của hãng sẽ bị thu hồi.
Tuy nhiên, Huawei, một tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, đã bác bỏ tuyên bố trên của công ty Nga, nói rằng họ không có kế hoạch cho điện thoại thông minh hỗ trợ HarmonyOS ở nước ngoài.
Kendra Schaefer, đối tác và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Trivium China cho biết: “Các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, đã rất nỗ lực để công khai làm rõ rằng họ không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ".
Mặc dù vậy, Schaefer nói thêm, các công ty Trung Quốc vẫn có thể đợi một thời điểm ít tranh cãi hơn về mặt chính trị để lấp đầy khoảng trống tại thị trường Nga.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 31/3 công bố các biện pháp trừng phạt lên mạng lưới cá nhân và công ty vỏ bọc bị cho là đang giúp quân đội Nga né tránh các biện pháp kiểm soát đa phương đối với việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Moscow.
Trung tâm của mạng lưới này là Serniya Engineering, công ty có trụ sở tại Moscow mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của tình báo Nga.
Từ đó, một mạng lưới công ty mở rộng ra bên ngoài gồm các công ty mua sắm quốc phòng, người trung gian và những công ty bình phong đặt tại Anh, Tây Ban Nha, Phần Lan, Singapore, Malta và Pháp.
Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 công ty công nghệ cung cấp vi điện tử, thiết bị định vị và phần mềm chụp ảnh vệ tinh cho quân đội Nga. Một trong số đó là Mikron, nhà sản xuất chip lớn nhất của Nga.
Công ty này chịu trách nhiệm về các chip thẻ ghi nợ trong hệ thống thanh toán nội địa Mir của Nga, vốn được phát triển để phản ứng trước các lệnh trừng phạt trước đây của phương Tây.
(theo SCMP)