Xung đột ở Cameroon buộc hàng triệu học sinh không thể đến trường

Tính đến năm 2023, cuộc khủng hoảng ly khai ở phía tây Cameroon và các cuộc tấn công của nhóm cực đoan Boko Haram ở phía bắc đã khiến 1,4 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học thiếu sự hỗ trợ giáo dục cần thiết.

Cách đây 5 năm, ước mơ trở thành bác sĩ của Jane Ndamei gần như đã cướp đi mạng sống của cô.

Nữ sinh 20 tuổi đến từ vùng tây nam bất ổn của Cameroon đang làm bài kiểm tra lớp 12 thì bất ngờ nghe thấy tiếng súng. Ngay sau đó, những người đàn ông có vũ trang xông vào trường, buộc Ndamei và các bạn phải chạy trốn khỏi phòng thi.

"Đó là âm thanh của tử thần và tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ không qua khỏi. Tôi thầm cầu nguyện cho một phép màu", cô nhớ lại.

Ndamei, lúc đó 15 tuổi, là một trong số 2,8 triệu trẻ em ở Tây và Trung Phi bị đình trệ việc học do xung đột bạo lực trong những năm gần đây, theo Liên hợp quốc. Tính đến tháng 6, hơn 14.000 trường học đã đóng cửa do bạo lực và mất an ninh trên 24 quốc gia ở Tây và Trung Phi.

 Một lớp học tại trường trung học Holy Infant, ở Yaounde, Cameron. Ảnh: AP

Một lớp học tại trường trung học Holy Infant, ở Yaounde, Cameron. Ảnh: AP

Tính đến năm 2023, cuộc khủng hoảng ly khai ở phía tây Cameroon và các cuộc tấn công của nhóm cực đoan Boko Haram ở phía bắc đã khiến 1,4 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học thiếu sự hỗ trợ giáo dục cần thiết, theo báo cáo từ nhóm cứu trợ Hội đồng Tị nạn Na Uy (NRC).

Liên hợp quốc cho biết vào năm 2019, năm trường học của Ndamei bị tấn công, 855.000 trẻ em đã nghỉ học ở phía tây bắc và tây nam Cameroon, nơi các nhóm ly khai có vũ trang nhắm mục tiêu vào các trường học.

Quốc gia Trung Phi này đã phải hứng chịu nhiều cuộc giao tranh kể từ khi những người ly khai nói tiếng Anh phát động cuộc nổi loạn vào năm 2017, với mục tiêu được nêu là tách khỏi khu vực do đa số người nói tiếng Pháp thống trị và thành lập một nhà nước độc lập nói tiếng Anh.

Chính phủ đã cáo buộc những người ly khai phạm tội ác chống lại thường dân nói tiếng Anh. Cuộc xung đột đã giết chết hơn 6.000 người và khiến hơn 760.000 người khác phải di dời, theo Nhóm Khủng hoảng Quốc tế.

Ngay từ khi cuộc xung đột bắt đầu, các chiến binh ly khai đã khởi xướng và thực hiện một cuộc tẩy chay trường học như một biện pháp gây sức ép buộc chính phủ công nhận về mặt chính trị.

Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những chiến binh ly khai, phản đối hệ thống giáo dục nói tiếng Pháp do chính quyền trung ương tổ chức, đã giết hại và bắt cóc học sinh, giáo viên, đốt phá và cướp bóc các tòa nhà trường học, đe dọa các gia đình không cho con em họ đến trường.

Ông Hassane Hamadou, Giám đốc khu vực Tây và Trung Phi của NRC, cho biết: "Việc cố tình nhắm mục tiêu vào các trường học và phá hủy hệ thống giáo dục vì xung đột chẳng khác gì một thảm họa".

Ông nói thêm: "Mỗi ngày trẻ em không được đến trường là một ngày bị đánh cắp khỏi tương lai của các em và tương lai của cộng đồng các em".

Ndamei phải chuyển đến vùng nói tiếng Pháp ở phía tây đất nước để tiếp tục việc học. Hiện cô đang theo học chương trình điều dưỡng tại trường đại học.

Ndamei chia sẻ: "Tôi may mắn được ở với người thân tại những khu vực không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhưng nhiều bạn cùng lớp của tôi không có được cơ hội này".

Cô cho biết nhiều người đã phải làm mẹ ở độ tuổi rất nhỏ. "Những đứa trẻ 11 tuổi, 12 tuổi ngồi trong nhà mà bạn thấy thật ra đã mang thai, tương lai của chúng bị phá vỡ", Ndamei nói. "Cha mẹ thất vọng, con cái thất vọng".

Nelson Tabuwe đến từ thị trấn Batibo ở phía tây bắc cho biết ba đứa con của ông - 10, 12 và 15 tuổi - đã nghỉ học gần 7 năm do cuộc xung đột ly khai.

Người đàn ông 61 tuổi này và gia đình đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột ly khai ở quê nhà và tìm nơi ẩn náu tại thủ đô Yaoundé của Cameroon. Quá trình thích nghi rất khó khăn, khi cả gia đình sống chen chúc trong một căn phòng đơn với rất ít tiền và Tabuwe không thể tìm được một công việc ổn định ở thủ đô. Tabuwe nói: "Chúng tôi đến đây với hai bàn tay trắng".

Ông cho biết kể từ khi phải di dời vì bạo lực, việc chu cấp cho gia đình anh trở nên khó khăn hơn. Ba đứa con của Tabuwe, vẫn chưa đi học, phải giúp cha mẹ kiếm tiền.

Ngọc Ánh (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xung-dot-o-cameroon-buoc-hang-trieu-hoc-sinh-khong-the-den-truong-post317897.html