Xung đột trên toàn cầu và thách thức trong quan hệ quốc tế

Bối cảnh chiến lược toàn cầu hiện nay thật khó có thể diễn tả được. Những từ như 'đa khủng hoảng', 'thiên nga đen' và 'đại hồng thủy' đã trở nên phổ biến trong các cuộc thảo luận giữa các học giả và nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, mỗi từ trong số đó đều nhanh chóng trở nên lỗi thời trước cuộc khủng hoảng mới nổi tiếp theo, khiến có rất ít thời gian cho các phản ứng chiến lược. Cách đây không lâu là đại dịch Covid-19, tiếp đó là xung đột Nga - Ukraine, và gần đây nhất là tình trạng hỗn loạn ở Gaza. Mức độ và quy mô của những xung đột liên tục này thực sự chưa từng có…

Cần có kế hoạch chiến lược dài hạn

Theo Hindutimes, hiện tượng này đặt ra những thách thức đáng kể cho các chính trị gia và nhà ngoại giao. Thứ nhất, nó buộc giới ra quyết định phải áp dụng những phản ứng mang tính chiến thuật, ngắn hạn trước những sự kiện đang diễn ra nhanh chóng, khiến không còn nhiều cơ hội cho việc lập kế hoạch chiến lược dài hạn. Thứ hai, hầu hết các quốc gia đều thấy mình bị căng thẳng đến giới hạn khi phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc. Ngay cả các cường quốc toàn cầu như Mỹ cũng phải vật lộn để giải quyết sự tấn công dữ dội của những thách thức này.

Thứ ba, tác động tích lũy của những cuộc khủng hoảng này tạo ra mức độ bất ổn và khó lường chưa từng có vào trật tự toàn cầu. Cuối cùng, tại thời điểm hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, các tổ chức toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Thể chế Bretton Woods và Tổ chức Thương mại thế giới đã phải nỗ lực hết sức để đáp ứng những biến động nhanh chóng và nhu cầu của kỷ nguyên mới này.

Giáo sư Mohan Kumar, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu OP Jindal cho biết, ảnh hưởng to lớn của địa chính trị đối với chính sách ngoại giao, đối ngoại và an ninh đã trở thành đặc điểm nổi bật của bối cảnh toàn cầu trong vài năm qua, và có thể sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai gần. Ảnh hưởng ngày càng tăng này sẽ có khả năng gây ra những rạn nứt hơn nữa trong trật tự thế giới, dẫn đến sự hình thành các khối rời rạc. Hơn nữa, địa chính trị sẽ còn tác động mạnh mẽ đến các khía cạnh quân sự trong quan hệ quốc tế. Do đó, về mặt an ninh, rõ ràng là Trung Quốc, Nga, Iran sẽ tạo thành một trục ngay cả khi Mỹ, NATO và EU xích lại gần nhau hơn.

Các khu vực có thể xảy ra xung đột quân sự chính sẽ tiếp tục là Ukraine và Gaza. Tuy nhiên, các khu vực khác như biên giới Trung - Ấn, bán đảo Triều Tiên và Biển Đông cũng cần được chú ý, vì xung đột không ngừng trên nhiều chiến trường sẽ đẩy địa chính trị đến ngưỡng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với trật tự thế giới mới nổi, Giáo sư Mohan Kumar nhận định.

Khi địa chính trị ảnh hưởng đến kinh tế và thương mại

Địa chính trị cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Thực tế là căng thẳng địa chính trị leo thang đang đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Chi phí vay đã tăng cao trên toàn cầu và trong trường hợp áp lực lạm phát, có khả năng xảy ra biến động thị trường và suy thoái đáng kể của nền kinh tế toàn cầu. Tính toàn vẹn của hệ thống thương mại đa phương đã bị tấn công và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ phục hồi. Thương mại linh hoạt và chuỗi cung ứng ưu đãi sẽ thống trị, ít nhất là đối với các khoáng sản quan trọng và công nghệ mới nổi nhạy cảm.

Trung Quốc, với tư cách là một trong những cường quốc kinh tế toàn cầu, có khả năng tạo ra những làn sóng chấn động đối với nền kinh tế thế giới. Vì vậy, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại theo cách mà trước đây không thể tưởng tượng được là tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu. Các yếu tố như dân số già đi, lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở Trung Quốc có thể thúc đẩy nước này áp dụng lập trường quyết đoán hơn để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.

Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có nhiều nỗ lực nghiêm túc nhằm giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ, với khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 11 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở California. Những cuộc đàm phán như vậy có thể giúp thiết lập các rào cản để ngăn chặn sự cạnh tranh của họ leo thang thành xung đột. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là sẽ vẫn là một thách thức đáng kể đối với Mỹ.

Trong bối cảnh chiến sự giữa Israel và Hamas vẫn đang diễn ra ác liệt, những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế toàn cầu có thể bao gồm cú sốc giá dầu, đồng USD mạnh lên, giá vàng cao hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn nhiều so với dự kiến, áp lực gia tăng đối với các thị trường mới nổi... Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters thực hiện với hơn 500 nhà kinh tế đã đưa ra những phát hiện khó có thể lạc quan. Theo quan điểm của các nhà kinh tế được phỏng vấn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm và tỷ lệ lạm phát sẽ tăng ở 48 nền kinh tế trên thế giới.

Sự hỗn loạn địa chính trị hiện nay có khả năng làm lu mờ những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và chủ nghĩa khủng bố. Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc đang phải đối mặt với những thách thức và việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững sẽ đòi hỏi phải có nguồn tài chính dồi dào và gia hạn thời hạn.

Nói chung, trong bối cảnh hiện nay, thế giới nên lường trước những bất ổn chiến lược tiếp theo, khiến cho việc thực thi chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao trở nên khắt khe hơn bao giờ hết

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/xung-dot-tren-toan-cau-va-thach-thuc-trong-quan-he-quoc-te-i348132/