Xung kích cho Đường dây 500 kV mạch 3: Nhìn từ những người ở lại

Hàng trăm cán bộ công nhân của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) từ 9 tỉnh Nam miền Trung - Tây Nguyên đã tự nguyện đăng ký tham gia tăng cường, hỗ trợ cho việc xây dựng Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án này. Sự vất vả của những người xung phong đã được nhiều bài báo ghi nhận, song còn những 'người lính' ở lại, họ cũng đang phải nỗ lực từng ngày để đảm bảo công việc quản lý vận hành đường dây hiện hữu, với nguồn nhân lực đã giảm một nửa.

Công trường Dự án Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa tại xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Công trường Dự án Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa tại xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại tỉnh Gia Lai, truyền tải điện tại đây đang quản lý vận hành hơn 369 km đường dây 500 kV, hơn 447 km đường dây 220 kV, một phần lực lượng công nhân quản lý vận hành đương dây được tăng cường hỗ trợ thi công mạch 3.

Khối lượng công việc vẫn thế, song nhân lực giảm, những người công nhân tại đây vẫn đang nỗ lực từng ngày để gánh vác phần việc để lại của những người xung phong ra “tiền tuyến” 500 kV mạch 3.

Theo chân công nhân Phạm Quang Thảnh, thuộc Đội truyền tải điện Biển Hồ, Truyền tải điện Gia Lai - Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), phóng viên có dịp ghi nhận phần nào công việc của những “chiến sĩ áo cam” những người ở lại đảm bảo an toàn, ổn định lưới điện cao áp dọc tuyến Nam miền Trung - Tây Nguyên.

Khác với trước đây, từ giữa tháng 5, toàn đội của anh Thảnh phải thức dậy từ 5h sáng để bắt đầu công việc ngày mới, thực hiện kiểm tra và xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố trên tuyến. Có những vị trí, phải làm đến xẩm tối mới có thể hoàn thành.

Anh Phạm Quang Thảnh cho hay, một phần anh em trong đội đã tăng cường ra khu vực phía Bắc và miền Trung, nên các anh em công nhân ở nhà phải đảm bảo phần việc gấp đôi. Trước đây, mỗi cung đoạn sẽ mất 1 buổi hoặc hơn 1 buổi để hoàn thành, thì nay anh em công nhân phải nỗ lực hơn, tăng thời gian làm việc và làm thêm cả ngày thứ 7 đề hoàn thành.

“Toàn đội truyền tải trước đây mất 10 ngày để đi kiểm tra các vị trí, còn lại 15-20 ngày sẽ cho anh em đi xử lý bất thường. Nhưng từ giữa tháng 5 đến nay, chúng tôi phải tăng cường thêm thời gian để việc kiểm tra hoàn tất trong vòng 13-15 ngày, thời gian còn lại sẽ xử lý những vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố, đặc biệt lên kế hoạch ưu tiên cho các vị trí nguy cơ cao”, anh Thảnh nói.

Chỉ với 2 công nhân, nhưng nhóm của anh Thảnh phải đảm đương công việc của 4 người. Chính vì thế, để hoàn thành việc kiểm tra và xử lý nguy cơ sự cố trên tuyến đường dây, họ phải tăng cường thêm thời gian sử dụng thiết bị bay không người lái, tăng giờ làm việc.

Trong giờ nghỉ trưa, chia sẻ với phóng viên, anh Thảnh cho hay: “Bản thân anh em công nhân ở lại địa phương đều hiểu và cố gắng chia sẻ, động viên nhau để luôn là hậu phương vững chắc, đảm bảo công tác quản lý vận hành lưới điện, đảm bảo cung ứng điện mùa khô để cùng đồng đội ở tiền phương, đi tăng cường cho dự án 500 kV mạch 3, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Ngoài ra, phía công đoàn và lãnh đạo công ty cũng rất quan tâm đến đời sống, công việc của những công nhân ở lại. Đây cũng là nguồn động viên để chúng tôi nỗ lực hơn mỗi ngày, góp phần đảm bảo dòng điện được thông suốt”.

Quản lý đội Truyền tải điện Biển Hồ, ông Đỗ Trường Sơn cho biết, những anh em đi tăng cường cho tuyến đường dây 500 kV mạch 3 vất vả 10 phần, thì những anh em ở lại, chịu trách nhiệm đảm bảo quản lý vận hành lưới điện cũng vất vả 7-8 phần. Bởi lẽ hiện lực lượng lao động giảm đi nhiều, nhưng khối lượng công việc vẫn thế, thậm chí tăng thêm, bởi đây đang là mùa cao điểm phát điện của các dự án năng lượng tái tạo như mặt trời, điện gió trên địa bàn, cùng đó, người dân thu hoạch, chuyển đổi cây trồng và nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện tăng cao.

“Chúng tôi động viên anh em công nhân tăng ca, tăng giờ làm, làm thêm thứ 7 để hoàn thành khối lượng công việc. Ngoài ra, đơn vị cũng bố trí, ưu tiên xử lý ngay ở những vị trí có nguy cơ cao theo thứ tự”, ông Sơn cho biết.

Ngay từ đầu năm, Truyền tải điện Biển Hồ đã lên phương án cho những sự cố điển hình, cần vật tư, thiết bị gì, các đơn vị còn hay thiếu ra sao, từ đó các đội truyền tải điện cùng khu vực sẽ trao đổi vật tư, thiết bị đang còn, dụng cụ cần để xử lý và có đề xuất phương án nhanh nhất.

Đồng thời, Truyền tải điện Biển Hồ đã tăng cường áp dụng công nghệ, kiểm tra soi phát nhiệt, kiểm tra bằng thiết bị bay, dùng các máy phát cỏ hỗ trợ ở những vị trí thuận lợi để tăng tốc độ xử lý vi phạm an toàn hành lang tuyến.

“Công việc có vất vả hơn, nhưng chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ phía lãnh đạo công ty, công đoàn các cấp, tạo sự động viên, khích lệ anh em công nhân. Ngoài ra, bản thân mỗi công nhân trong đội cũng đều nhìn nhận, bản thân phải nỗ lực hơn để gánh vác phần việc của những người xung phong tuyến đầu, bởi tuy có tăng ca kíp thì cũng không thể bằng sự vất vả của những người đi tăng cường mạch 3. Đội chúng tôi cố gắng làm sao để những công nhân ở nhà, xứng đáng là “hậu phương” gánh vác toàn bộ và hoàn thành tốt việc quản lý vận hành đường dây trên địa bàn”, ông Đỗ Trường Sơn nói.

Không chỉ truyền tải điện Gia Lai, mà Truyền tải điện Bình Thuận cũng là một trong nhiều đơn vị của PTC3 cử cán bộ đi tăng cường cho Đường dây 500 kV mạch 3 với 78 công nhân. Thời điểm này, những công nhân Truyền tải điện Bình Thuận ở lại “canh gác” đường dây cao áp trên địa bàn đang phải nỗ lực gấp đôi để hoàn thành công việc quản lý vận hành với hơn 320 km đường dây 500 kV, gần 300 km đường dây 220 kV.

Bản thân anh em công nhân, toàn bộ các đội truyền tải điện đều tăng ca, tăng thời gian làm việc. Hiện tại các đội truyền tải đều làm muộn giờ hơn, đánh giá việc nào cần kíp, sẽ làm trước tiên, bởi việc sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn vận hành là việc bắt buộc phải đảm bảo, nên mỗi công nhân đều đang rất nỗ lực gánh vác.

“Về kiểm tra định kỳ thì chúng tôi tăng cường bay flycam để tiết kiệm bớt thời gian. Như xưa thì bay 3 khoảng trụ, thì nay tăng thời gian bay lên 5-6 khoảng trụ, để tối ưu hơn thời gian anh em đi tuyến”. Ông Minh, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận chia sẻ thêm và cho hay, để hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ hiện nay, toàn bộ các đội truyền tải trước khi đi tăng cường, đều đã xử lý sớm các công việc dọc tuyến có thể vi phạm an toàn như phát quang cây cối, kè móng, sửa chữa sớm các điểm xung yếu…

Có thể nói, những người công nhân truyền tải điện thuộc PTC3 đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tăng cường nhân lực hỗ trợ thi công dựng cột, kéo dây dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối và vừa đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải, cung cấp điện ổn định, đảm bảo cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô.

Theo ông Huỳnh Quang Thịnh, Trưởng phòng Kỹ thuật PTC3, để làm được điều này, đòi hỏi PTC3 phải có những phương án bố trí sắp xếp nhân sự hợp lý cho từng địa bàn cụ thể, đồng thời tăng cường kiểm tra quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, kết hợp triển khai các giải pháp kỹ thuật phù hợp đối với từng tuyến đường dây và trạm biến áp.

Cụ thể, ông Thịnh cho biết, đơn vị đã tổ chức kiểm tra hiện trường lưới điện đặc biệt là lưới điện 500 kV trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), công tác kiểm tra tập trung về: kiểm soát hành lang lưới điện và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa sự cố đặc biệt là sự cố do sét; Đo kiểm tra trị số tiếp địa định kỳ, đột xuất, xử lý các tồn tại, khiếm khuyết thiết bị; Công tác kiểm tra, theo dõi, lập, duyệt phương án sữa chữa hệ thống tiếp địa; Công tác quản lý hành lang lưới điện…

Trọng tâm kiểm tra các vị trí xung yếu trên các tuyến đường dây 500 kV trục Bắc – Nam và các đường dây đấu nối các nhà máy điện như: đường dây 500 kV Pleiku 2- Xuân Thiện - Chơn Thành; đường dây 500 kV Pleiku - Ea Nam - Di Linh - Tân Định; các đường dây 220 kV Pleiku 2 - Sê san 4, Sê San 4 - Sê San 4A, Pleiku - Sê san 3, Buôn Kuôp - Buôn Tua Srah… nhằm chuẩn bị sẵn sàng khi thời tiết Tây Nguyên bước vào thời điểm giao mùa, thường xuyên xảy ra giông sét đầu mùa mưa.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh, và dự kiến tăng trong thời gian tới. Do đó, việc đảm bảo cung ứng điện trong các tháng mùa khô năm 2024 của PTC3, đặc biệt trong thời gian tăng cường nhân lực thi công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Toàn thể cán bộ công nhân viên PTC3 luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép” góp phần thực hiện thắng lợi phong trào thi đua “120 ngày nỗ lực cao nhất đảm bảo đủ điện mùa khô năm 2024” và Chiến dịch thi đua nước rút “45 ngày đêm hoàn thành các Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Đức Dũng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/xung-kich-cho-duong-day-500-kv-mach-3-nhin-tu-nhung-nguoi-o-lai-20240627090111507.htm