Xuôi về cù lao

Tàu rời bến. Nắng lập lờ ngọn sóng. Đồng hành với đoàn khách tham quan là Trinh - cô hướng dẫn viên mới vào làm việc tại Phu Sa Tourist cách đây không lâu. Với sức trẻ, trình độ và đặc biệt là người con gái của vùng đất phù sa, mang trong mình phẩm chất hồn hậu, dễ mến, giám đốc đã gật đầu đồng ý. Sau khoảng thời gian ngắn đi cùng những hướng dẫn viên khác trên chuyến hành trình rong ruổi miền sông nước để cọ xát, học hỏi, cuối cùng, Phu Sa Tourist cũng đã giao cho Trinh chuyến dẫn khách đầu tiên.

Đó là một đoàn khách du lịch mười lăm người, chủ yếu là trung niên, một vài người già, không có trẻ nhỏ. Lòng Trinh nôn nao pha lẫn một chút lo lắng. Trinh học bài rất kỹ, đọc thêm sách để có kỹ năng giao tiếp trong chuyến đi. Với mỗi người, dấu ấn đầu tiên bao giờ cũng quan trọng và khó có thể phai mờ.

Chiếc tàu chạy thật chậm để du khách có thể ngắm nhìn thành phố từ trên sông. Một lúc sau, chiếc tàu du lịch chạy nhanh dần, băng băng lướt trên những lớp sóng bạt ngàn và những cánh lục bình trôi bềnh bồng tiến về phía cù lao Lá Xanh. Những năm gần đây, người xứ này tập trung xây dựng và phát triển hình thức du lịch sinh thái, nghĩa là tận dụng ưu thế về phong cảnh, văn hóa, ẩm thực,… để quảng bá vẻ đẹp trù phú của một vùng sông nước phù sa. Phu Sa Tourist đã từng dẫn rất nhiều đoàn khách đến với Lá Xanh - một cù lao nhỏ nằm chơi vơi trên dòng sông rộng, nơi đã và đang thành công với mô hình du lịch sinh thái bền vững. Hầu hết du khách đều hài lòng và hứa hẹn sẽ trở lại thăm vào một ngày không xa.

- Về Lá Xanh - người quê chỉ có tấm lòng, đó là câu nói để thương để nhớ trong lòng những ai đến và đi khỏi cù lao Lá Xanh. Vẻ đẹp của vùng đất, sự chân chất, mộc mạc của con người, tinh hoa của văn hóa ẩm thực sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng quý khách…

Trinh giới thiệu về Lá Xanh như thế. Hơi run. Nhưng Trinh nhanh chóng lấy lại bình tĩnh bằng cách hít một hơi thật sâu cái không khí trong trẻo đượm mùi phù sa sông nước hữu tình. Điều chỉnh chiếc loa để âm thanh được rõ hơn, giọng Trinh ấm áp ngân vang, như một lời chào mời thân tình của người miền sông nước với du khách đến từ những vùng, miền khác trên khắp đất nước xinh đẹp.

Tàu sắp sửa cập vào cù lao Lá Xanh. Vài người khách mặc áo phao đứng dậy khỏi vị trí để ngắm nhìn cái cù lao nho nhỏ màu xanh mướt nằm giữa dòng sông. Hình dáng và sự mượt mà của Lá Xanh khiến du khách liên tưởng của một viên ngọc được gọt giũa, tạo tác bởi đôi bàn tay kỳ công của tạo hóa. Những chiếc ống kính được giơ lên cao, canh góc máy, du khách đang cố thu lấy hình ảnh đẹp nhất của cù lao Lá Xanh vào bộ sưu tập của chuyến đi. Còn Trinh vẫn không ngớt lời giới thiệu về vẻ đẹp của vùng đất và con người nơi này cho du khách.

*

* *

Trinh được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, bên những vườn tược xanh um, bên dòng sông chở nặng phù sa, sớm chiều con nước ròng, nước lớn (Ảnh minh họa: Internet)

- Quý cô chú, anh chị đi hướng này. Con đường quanh co sẽ dẫn chúng ta vào xóm nhỏ. Ở đây, quý cô chú, anh chị sẽ được nhìn thấy những ngôi nhà phủ lên mình lớp bụi thời gian, mang kiến trúc xưa cổ, và đằng sau là những vườn trái cây sai quả, quanh năm tỏa mát... - Trinh đi trước và thuyết minh.

- Cô hướng dẫn đẹp quá, đúng chất con gái miền sông! - Ai đó reo lên.

Trinh cười hiền thay cho lời cảm ơn. Trinh vốn là con gái miền sông. Trinh được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, bên những vườn tược xanh um, bên dòng sông chở nặng phù sa, sớm chiều con nước ròng nước lớn.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Việt Nam học trên thành phố, Trinh không chọn ở lại đô thị hoa lệ, sang trọng bậc nhất cả nước, từ bỏ mọi cơ hội được làm việc trong những công ty du lịch lớn, quyết tâm về lại quê nhà. Khi Trinh nộp hồ sơ vào Phu Sa Tourist, giám đốc vô cùng ngạc nhiên. “Một cô gái giỏi giang, xinh đẹp như em có thể có một vị trí tốt ở thành phố lớn, sao lại chọn về quê?” - Giám đốc hỏi Trinh, khuôn mặt lộ rõ vẻ hiếu kỳ.

- Vì em yêu xứ này, yêu con người nơi này. Đi đâu chăng nữa, em vẫn thấy không bằng ở quê mình. Chốn này là máu thịt - đối với em.

Trinh đáp dõng dạc, niềm vui sướng và sự tự hào là người con miền sông nước ánh lên trong tia mắt của Trinh.

Bà nội nói từ nhỏ Trinh đã thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Ba mất sớm, má Trinh bỏ quê đi tha hương cầu thực không về. Trinh sống trong vòng tay ấm áp của bà. Bà thay má chăm sóc, nuôi nấng, cho Trinh ăn học đàng hoàng để bù đắp những thiếu thốn mà Trinh đã gánh chịu. Nội thương Trinh vô bờ bến. Nội dặn: “Ráng mà học, lớn lên đi đó đi đây cho biết với người ta. Suốt đời quanh quẩn ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, khổ lắm!”. Trinh ôm bà, cười hiền lành: “Con không đi đâu hết. Con ở với nội suốt đời”. Bà cười: “Mồ tổ cha mày! Dẻo miệng hết biết!”. Tưởng Trinh nói vậy rồi lớn lên Trinh cũng như con chim vỗ cánh bay khỏi vùng ao tù nước đọng, nghèo khổ và lạc hậu này, nhưng không, Trinh đã trở về với bà, sống trong căn nhà mà Trinh đã từng khôn lớn.

Bây giờ xứ này không còn nghèo nàn, lạc hậu hay buồn tẻ như ngày xưa nữa. Với hình thức du lịch sinh thái, quảng bá vẻ đẹp cảnh sắc, đặc trưng văn hóa và ẩm thực vùng, miền, xứ này phất lên thấy rõ, nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo và trở thành điểm hút khách. Trinh về quê, trở thành hướng dẫn viên của Phu Sa Tourist, thực hiện sứ mệnh quảng bá hình ảnh quê hương đến bạn bè trong nước và quốc tế. Trinh tự hào về công việc mình đang làm. Dù niềm hạnh phúc với Trinh chưa thực sự trọn vẹn, khi chưa có bất kỳ thông tin nào về người má mà Trinh yêu thương và đợi chờ từng ngày, nhưng Trinh vẫn sung sướng vì mình còn bà nội bao dung, nhân hậu, còn căn nhà nắng mưa sớm đi, chiều về, cùng bà ăn bữa cơm với bông súng, mắm kho, canh chua rau muống - những món ăn dân dã, đạm bạc.

*

* *

- Trong lành và thanh tịnh quá! - Người khách trạc ngoài ba mươi tấm tắc khen - Mai này già, về đây mua miếng đất, dựng cái nhà nhỏ, sống đời cơm rau canh cá… chắc cũng được.

Biết khách nói đùa nên Trinh cười, đáp lại:

- Thấy vậy chứ buồn lắm, nhà mình quen ở phố, về đây du lịch thì được, chứ ở luôn chắc chịu không nổi đâu.

- Ngày xưa, lâu lắm, tôi cũng ở xứ này, cũng nhiều lần lui tới cái cù lao Lá Xanh này. Bây giờ khác quá! Tôi không còn nhận ra ai - Người đàn bà mặc áo bà ba màu tím than, đứng dưới bóng dừa nhìn ngắm dòng sông lững lờ trôi ngang qua cù lao, có cây cầu khỉ bắc ngang qua, trầm ngâm nói.

Trinh ngạc nhiên:

- Nhà mình cũng là người xứ này ạ? Từ nãy tới giờ, cháu đang múa rìu qua mắt thợ mất rồi!

- Không đâu, con! Tôi là người xứ này, nhưng tôi đã bỏ đi từ lâu rồi. Vì cuộc đời đưa đẩy. Tự dưng về đây tôi cảm thấy hổ thẹn quá! Hình như tôi vừa mắc nợ, vừa có tội với quê hương...

Người phụ nữ ôm mặt khóc. Những vị khách khác đã tản đi vào trong vườn trái cây hoặc tham gia trải nghiệm đổ bánh xèo trong gian bếp được phục dựng theo kiểu truyền thống xa xưa. Trinh bước đến, đặt tay lên vai người phụ nữ đã trạc ngoài năm mươi tuổi, tóc uốn lọn, không nhuộm, để lộ nhiều sợi bạc và khuôn mặt vừa phảng phất nét dân dã vừa ánh lên cái vẻ phố thị tân thời.

- Sao cô lại bỏ xứ này mà đi?

- Tôi tha hương cầu thực, mong sao thay đổi số phận khổ nghèo. Nhưng tôi đã lầm lạc trên con đường của chính mình. Giờ đây tôi có sung túc hơn xưa nhưng đã đánh mất đi những người tôi yêu như máu thịt.

Trinh từng nghe bà nội kể về những đoàn người năm xưa rời xứ mà đi chỉ mong được đổi đời, cởi bỏ lớp áo bùn phèn để mặc vào lớp áo hào nhoáng của phố thị. Trinh xót xa khi trong đó có người má hiền lương mà Trinh một đời tôn kính, đợi chờ. Trinh hiểu thấu cái hoàn cảnh của người đàn bà xa lạ đó. Tự dưng nước mắt Trinh lã chã rơi. Như thể bao nhiêu dồn nén ngày nào bỗng chốc vỡ òa, hóa thành dòng nước mắt.

- Ôi, cô làm con khóc mất rồi!

- Nghe câu chuyện của cô, con nhớ đến má con. Hồi đó má con cũng bỏ xứ đi, đến giờ vẫn chưa về. Con đi tìm nhưng không thấy.

Người phụ nữ nhìn Trinh, cúi mặt để giấu dòng nước mắt đang chảy ròng ròng trên đôi gò má nhiều nếp nhăn ngang dọc. Trinh lấy ống tay áo chấm nước mắt. Dòng sông êm đềm trôi ngang qua như hiểu thấu nỗi buồn của Trinh.

Người phụ nữ xa lạ ngẩng mặt lên nhìn Trinh, nhìn đôi mắt long lanh nhưng chất chứa bao ưu tư, nhìn khuôn mặt trắng hồng và mái tóc dài chấm lưng của cô hướng dẫn viên du lịch. Ngày xưa bà cũng như thế, tóc cũng dài và bồng bềnh như thế. Thời gian trôi qua, nhan sắc lợt phai, hoàn cảnh đổi thay, bà lưu lạc chốn thị thành, như cánh chim trời lạc tổ.

- Con có giận má con không?

- Không đâu, cô! Bà nội nói, má con có nỗi khổ riêng. Chắc vì xứ này hồi đó nghèo khổ quá. Chắc vì má con không cam chịu cảnh gia đình nghèo túng nên mới ra đi. Rồi vì niềm riêng nào đó mà đến giờ vẫn chưa quay lại.

Người phụ nữ gạt đi nước mắt đang chảy xuống đôi gò má của mình, nghĩ về sự dung thứ và nhân hậu của cô hướng dẫn viên đang đứng trước mặt mình. Bà thấy thương Trinh quá! Bà muốn ôm Trinh vào lòng, để an ủi phần nào nỗi trống vắng, thiếu thốn của Trinh, để cho Trinh cái cảm giác được người má hiền lương ôm áp vào lòng sau bao tháng năm Trinh ước ao, khao khát.

Bà nhìn Trinh, muốn nói điều gì đó, nhưng lại sợ. Đôi mắt đã nói hộ bà nhiều điều.

Đoàn khách du lịch lần lượt bước xuống tàu, rời cù lao Lá Xanh. Hôm ấy, du khách đã có một trải nghiệm thật tuyệt vời. Họ được đắm mình trong những vườn trái cây xanh um, được ăn bưởi Năm Roi, ăn ổi Nữ Hoàng mát ngọt, ăn dâu Hạ Châu đầu mùa tuy còn vị chua nhưng đã gói vào trong thứ quả ấy cái tình đất, tình người sông nước mênh mông. Ai cũng hài lòng về sự hướng dẫn tận tình của Trinh, nhất là người đàn bà mà Trinh đã sẻ san, thấu hiểu. Bà tặng Trinh vật gì đó trong chiếc túi giấy nhỏ nhưng Trinh không nhận. Bà làm bộ giận. Trinh miễn cưỡng nhận và cảm ơn chân thành. Chiếc tàu du lịch nổ máy, rẽ sóng, cù lao Lá Xanh nằm lại phía sau. Ai đó còn tiếc nuối ngoái nhìn.

- Về Lá Xanh, người quê chỉ có tấm lòng... - Câu hát ấy được du khách ngân nga trong suốt chuyến trở lại bến tàu, kết thúc chuyến tham quan đầy ý nghĩa.

*

* *

Đoàn khách, lần lượt từng người một bước lên khỏi tàu. Chiếc Limousine đang đợi sẵn trên đường lộ. Người đàn bà mặc áo tím than ban nãy bước đi sau cùng, bên cạnh Trinh, bà khe khẽ hỏi, nhưng vội vã, như sợ rằng một lúc nữa thôi sẽ không còn cơ hội nữa.

- Nếu gặp lại má con, con có nhận hay không?

Trinh gật đầu ngay:

- Dạ có! Con đã đợi má con lâu lắm rồi. Giá mà má con trở lại. Con nằm mơ thấy má hoài. Nội cũng nói má con còn sống, thế nào má cũng sẽ về.

Niềm hy vọng ánh lên trong mắt Trinh.

Người đàn bà đang suy tư điều gì đó, trầm ngâm, nửa muốn lên xe, nửa muốn ở lại.

Anh tài xế giục lên xe cho kịp giờ, chuẩn bị sang điểm tham quan kế tiếp, ở một thành phố sông nước khác. Người đàn bà mặc áo màu tím than đã miễn cưỡng bước lên xe.

Trinh quay về phía chiếc tàu du lịch. Hình ảnh người đàn bà ấy vẫn lập lòa trong tâm tưởng của Trinh. Trinh thấy sao người đàn bà ấy gần gũi quá, thấy thương, thấy nhớ vô cùng. Không hiểu vì sao. Nhìn cánh lục bình trôi lênh đênh trên sông, bỗng lòng Trinh buồn rười rượi.

Cho đến khi Trinh nghe ai đó gọi mình từ phía sau.

Cho đến khi Trinh ngoái lại, vừa bất ngờ, vừa xúc động. Nước mắt Trinh cuộn trào.

Trước mắt Trinh, trên bến trưa đầy nắng, người đàn bà ấy đã quay trở lại.../.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xuoi-ve-cu-lao-a152921.html