Xuyên không vào thế giới kỳ ảo trong truyện kinh dị Việt Nam nổi tiếng một thời

Cách đây gần một thế kỷ, ở Việt Nam từng có một dòng sách kỳ ảo kinh dị khiến người đọc hết hồn với những yếu tố ma quái, quỷ dị. Bạn có muốn thử nhảy vào thế giới kỳ ảo này không?

Halloween năm nay, hãy thử đổi món với những cuốn sách kỳ ảo kinh dị từng nức tiếng một thời của văn học Việt Nam như: Vàng và Máu (Thế Lữ), Bên đường Thiên Lôi (Thế Lữ), Ba hồi kinh dị (Thế Lữ), Thần hổ (TchyA), Kho vàng Sầm Sơn (TchyA), Ai hát giữa rừng khuya (TchyA) và cuốn nổi tiếng nhất trong số này là Truyện đường rừng (Lan Khai).

Đây đều là những tác phẩm ra mắt từ cách đây gần một thế kỷ, kể về những chuyện kỳ ảo kinh dị lấy bối cảnh núi rừng hoang sơ, được nhào trộn thêm các yếu tố tâm linh, quỷ dị tạo nên những cốt truyện gây tiếng vang một thời. Thậm chí, dòng văn chương kỳ ảo này còn tạo ra trào lưu và có tên gọi riêng là “truyện đường rừng”.

7 tác phẩm truyện kỳ ảo kinh dị nổi tiếng một thời mới được NXB Kim Đồng tái bản nhân dịp Halloween năm nay.

7 tác phẩm truyện kỳ ảo kinh dị nổi tiếng một thời mới được NXB Kim Đồng tái bản nhân dịp Halloween năm nay.

Tiếp nối dòng văn chương kỳ ảo nổi tiếng trong dân gian như Truyền Kỳ Mạn Lục, Lĩnh Nam Chích Quái,... dòng sách “truyện đường rừng” là đặc sản của văn học thời kì những năm 1930 - 1945, nhấn nhá vào nỗi sợ vốn luôn tồn tại thẳm sâu trong con người.

Theo nhà văn Yên Ba, các câu chuyện kinh dị theo mô-tuýp trên từng có thời kỳ nổi như cồn, cũng bởi thời đó, truyện thường được chia ra theo từng kỳ, đăng liên tiếp trên các số báo. Để hút độc giả, truyện nhất định phải ly kỳ, hấp dẫn, phần sau phải cuốn hơn phần trước. Sau đó, truyện được tổng hợp in thành sách và được tái bản cho đến tận bây giờ.

Nhà báo Yên Ba, TS văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng, và nhà văn Di Li trong buổi chia sẻ về vẻ đẹp của các tác phẩm văn học kỳ ảo thuộc thể loại truyện đường rừng.

Nhà báo Yên Ba, TS văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng, và nhà văn Di Li trong buổi chia sẻ về vẻ đẹp của các tác phẩm văn học kỳ ảo thuộc thể loại truyện đường rừng.

Với dòng sách này, các tác giả dẫn dắt người đọc bước vào những vùng núi non hiểm trở, tiếp cận những nền văn hóa còn hoang sơ, những phong tục tập quán dị biệt, nơi còn tồn tại những quái thú nửa người nửa yêu, với những câu chuyện huyền bí, ma quái...

Mặc dù lôi kéo người đọc rời xa hiện thực, đối mặt với những sự thần bí, rùng rợn, quái lạ, nhưng theo Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng thì ẩn sau những yếu tố kỳ ảo, những câu chuyện trong dòng sách truyện đường rừng đã phản ánh phần nào về những thực trạng trong xã hội đương thời. Các tác phẩm vẽ lên bức tranh về phong tục tập quán, về chân dung con người trong một giai đoạn lịch sử với những đặc trưng riêng biệt mà cho tới nay, màu sắc này đã dần phai nhạt.

Trong số các tác phẩm truyện kinh dị Việt được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản nhân mùa Halloween, mỗi tác giả lại mang đến một phong vị riêng. Nếu như tác giả Lan Khai mang tới cách viết hiện đại, với cốt truyện lồng trong truyện, thì các tác phẩm của nhà văn TchyA luôn đầy ắp chi tiết với những kiến giải riêng về thế giới ma quỷ. Trong khi nhà văn Thế Lữ mang tới những bức tranh thiên nhiên hữu tình, đưa độc giả phiêu lưu trong những hành trình du ký.

Ngoài những tình tiết hoang đường, kỳ ảo, truyện đường rừng còn miêu tả vẻ đẹp hoang sơ, huyền hoặc của thiên nhiên.

Ngoài những tình tiết hoang đường, kỳ ảo, truyện đường rừng còn miêu tả vẻ đẹp hoang sơ, huyền hoặc của thiên nhiên.

Một lý do khác khiến những tác phẩm truyện đường rừng đang trở thành của hiếm thời nay chính là nhờ vẻ đẹp hoang sơ, đầy huyền hoặc của tự nhiên được miêu tả đầy chân thực trong từng trang viết.

Khi mà núi rừng đang ngày một thu hẹp thì dòng văn học truyện đường rừng chính là những cỗ máy thần kỳ, đưa người đọc ngược dòng thời gian về với thiên nhiên, rong ruổi trong những chuyến xuyên rừng dưới ánh Trăng đẹp lấp lánh, với những con đèo hoang vu vắng người đến rợn sống lưng,...

Thùy Dương. Ảnh: Rei

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/xuyen-khong-vao-the-gioi-ky-ao-trong-truyen-kinh-di-viet-nam-noi-tieng-mot-thoi-post1482426.tpo