Ý Đảng - Lòng dân

Với sự hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm của tỉnh và huyện Thuận Châu, 6 xã vùng cao Thuận Châu (Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, É Tòng, Pá Lông, Mường Bám) đang từng ngày 'thay da, đổi thịt', đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên.

Trung tâm xã Long Hẹ (Thuận Châu).

Ảnh: PV

Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Đến Co Mạ, được ví là trung tâm của 6 xã vùng cao Thuận Châu. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này. Nhiều loại hình dịch vụ phát triển rất nhanh ở khu vực trung tâm xã, các bản đặc biệt khó khăn trước đây, giờ thấp thoáng những ngôi nhà tầng được xây dựng khang trang. Vài năm trước, muốn đến nhiều bản vùng cao phải đi bộ nửa ngày đường rất vất vả Giờ đây, với sự đầu tư của Nhà nước, đã có đường xe máy, ô tô đến tận bản.

Tuyến đường bê tông ở bản Mớ, xã Co Mạ.

Tuyến đường bê tông ở bản Mớ, xã Co Mạ.

Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thuận Châu, chia sẻ: Những năm qua, Đảng bộ huyện luôn tập trung cao cho lãnh đạo phát triển hệ thống giao thông liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Hiện nay, 6 xã vùng cao Thuận Châu có 3 tuyến vận tải hành khách hoạt động, gồm: Thuận Châu - Co Mạ - Thuận Châu; Sơn La - Thuận Châu - Co Mạ - Chiềng Phung - Sông Mã; Sơn La - Thuận Châu - Co Mạ - Mường Bám. Có tuyến Tỉnh lộ 108 chạy qua địa bàn xã Co Mạ, Mường Bám, Co Tòng với tổng chiều dài 78 km; mạng lưới giao thông của huyện tới trung tâm các xã với tổng chiều dài 62 km thuộc 4 tuyến: Co Mạ - Long Hẹ - É Tòng; Hua Ty - Chà Mạy; Chà Mạy - Long Hẹ; Pá Hốc - Pá Lông đã được trải nhựa... Tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 188 km, trong đó có 25,75 km đường bê tông chiếm 13,7%; đường đất chiếm 86,3%, đáp ứng nhu cầu đi lại trước mắt của nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương của các bản vùng cao.

Về bản Mớ, xã Co Mạ, bản có 108 hộ, 506 nhân khẩu dân tộc Thái; với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của các hộ dân, cuộc sống của người dân bản Mớ đang ngày càng khởi sắc. Anh Lò Văn Soái, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Mớ, vui vẻ nói: Bản ở xa trung tâm, nên khi làm đường giao thông nông thôn, ngoài xi măng được Nhà nước cấp, các hộ dân phải lên núi đập đá, xuống suối đào cát và bỏ công trong hai năm để hoàn thành 1,2 km đường bê tông. Giao thông đến bản thuận lợi đã khích lệ người dân phát triển kinh tế sản xuất, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, trồng rừng kinh tế. Nhiều hộ dân đã có phương tiện sản xuất cơ giới hóa, máy móc thay thế sức người, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm và không còn hộ đói giáp hạt.

Chia tay Co Mạ, tiếp tục chuyến đi tới xã vùng cao É Tòng, điều dễ nhận thấy nhất đó chính là sự thay đổi rõ rệt trong đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đang được thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của người dân, như: Công trình nước sinh hoạt bản Đông Củ, Nà Tòng; công trình sửa đường từ ngã ba bản Nà Hem đi Huổi Lanh, từ bản Huổi Lương đi bản Thẳm Nặm, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo; thi công nhà 2 tầng Trường TH-THCS xã É Tòng, lớp học Trường mầm non Thảo Nguyên É Tòng; nhà 2 tầng Trạm y tế xã...

Bản Huổi Lương, xã É Tòng có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nằm giữa đại ngàn núi rừng, Huổi Lương như một ốc đảo nhỏ bừng lên sức sống mới, các nếp nhà khang trang nép mình bên những cánh rừng được khoanh nuôi bảo vệ xanh tốt, từng đàn, từng đàn gia súc nhởn nhơ gặm cỏ bên sườn đồi... Anh Vàng A Mua, Bí thư chi bộ phấn khởi, cho biết: Ước mơ bao đời nay của bản Mông Huổi Lương là có một tuyến đường giao thông, giờ niềm mơ ước đã thành hiện thực, được Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nên đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, bà con thi đua lao động sản xuất, giữ gìn và phát huy được các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống. Trước đây bà con luôn thiếu cái ăn, cái mặc thì nay đã được ăn no, mặc đẹp!

Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại các xã, Ban Thường vụ huyện ủy Thuận Châu đã thành lập các Tổ công tác theo từng xã; ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thực hiện. Năm 2020, tổng diện tích cây lương thực có hạt của 6 xã vùng cao Thuận Châu là 5.623 ha, giảm 946 ha so với năm 2015. Trong đó diện tích lúa xuân, lúa mùa năng suất, chất lượng được giữ ổn định và tăng qua các năm vì người dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, sử dụng giống mới. Diện tích lúa nương, ngô, sắn giảm do bà con đã chuyển 502 ha sang trồng cây ăn quả, tăng 442 ha so với năm 2015, tập trung tại các xã: Co Mạ, Mường Bám, Long Hẹ; sản lượng quả năm 2020 đạt 949 tấn, tăng 884 tấn so với năm 2015.

Nông dân bản Pá Ban, xã Mường Bám trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH.

Nông dân bản Pá Ban, xã Mường Bám trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH.

Ông Lò Tiến Văn, Chủ tịch xã Mường Bám, thông tin: Bà con trồng được hơn 170 ha xoài tại các bản: Hát Pang, Nà Tra, Bôm Kham, Nà La, Bản Lào, Nà Hát, Nà Cẩu, Nà Làng, Pá Ban, diện tích đã cho thu hoạch trên 128 ha, sản lượng ước đạt là 22,2 tấn. UBND xã đã liên kết với HTX Thanh Sơn để bao tiêu sản phẩm; các hộ dân cũng vừa thành lập Hợp tác xã Nặm Bám và đăng ký chất lượng xoài trồng theo tiêu chuẩn VietGap...

Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây sơn tra được các xã vùng cao trồng nhiều với tổng diện tích 1.898 ha, tăng 1.060 ha so với năm 2015, xác định là cây trồng đa mục tiêu. Bên cạnh đó, các bản vùng cao còn trồng các loại cây dược liệu với tổng diện tích 41 ha với các loại chính, như: Sa nhân, thảo quả, gừng, nghệ, ý dĩ.... Có 2 xã Co Mạ, Long Hẹ phát triển 6 ha diện tích khoai sọ; năng suất đạt 110 tạ/ha, sản lượng ước đạt 66 tấn.

Chăn nuôi ở các xã được duy trì với tổng đàn trâu hơn 2.880 con; đàn bò 8.948 con, tăng 83% so với năm 2015, số lượng đàn bò tăng nhanh do các xã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình 135, giảm nghèo giai đoạn II, các mô hình khuyến nông... Trên địa bàn 6 xã có 93 ha nuôi trồng thủy sản, tăng 13 ha so với năm 2015, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác năm 2020 ước đạt 167 tấn, tăng 36,9% so với năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, các xã đã trồng mới được 784 ha rừng (chiếm 26,9% diện tích trồng mới toàn huyện), trồng được 53.015 cây phân tán; chăm sóc, bảo vệ 20.674 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,2%, tăng 0,8% so với năm 2015.

Để các xã vùng cao ổn định và phát triển

Bức tranh đổi mới trên các xã vùng cao Thuận Châu đã có nhiều gam màu tươi sáng, tuy nhiên nếu so với khoảng cách phát triển giữa 6 xã vùng cao với các vùng khác của huyện Thuận Châu thì chưa được rút ngắn, vẫn là “lõi nghèo” của huyện. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Châu khóa XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết và Đề án phát triển kinh tế - xã hội 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025.

Mô hình trồng dứa tại bản Cát, xã Co Mạ trong quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy Doveco Sơn La.

Mô hình trồng dứa tại bản Cát, xã Co Mạ trong quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy Doveco Sơn La.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Bí thư huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Trước đây khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của huyện đều viết chung, chỉ đưa là các xã vùng cao tập trung làm những việc gì theo nhiệm kỳ 5 năm, các xã dọc quốc lộ 6 và dọc sông Đà làm những việc gì, nên khi triển khai không cụ thể được. Huyện sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án để triển khai hiệu quả nhiệm vụ; các mục đầu tư trung hạn 2021-2025 cũng sẽ cụ thể hơn, như: Điện, đường, trường, trạm xây dựng ở đâu; kế hoạch tháng tiếp theo, quý tiếp theo. Trước mắt, huyện đang cân đối nguồn kinh phí từ các dự án để phân bổ xây dựng công trình thiết yếu, như dự án xây dựng Trụ sở xã Mường Bám, Co Mạ; nâng cấp tuyến đường 108 từ xã Co Tòng đến Bó Sinh (Sông Mã)...

Qua triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã làm bật lên sức sống mới ở các bản làng xa xôi của các xã vùng cao Thuận Châu. Đây là kết quả từ các nguồn lực đầu tư và sự thấm sâu các nghị quyết chuyên đề về phát triển KT- XH, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở huyện Thuận Châu, sự nỗ lực trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cuộc sống mới đang bừng lên từng ngày, trong từng mái nhà và trên từng nét mặt hân hoan của mỗi người dân, các xã vùng cao Thuận Châu đang khoác lên mình tấm áo mới, minh chứng cho những đổi thay về một cuộc sống ấm no hạnh phúc từ “Ý Đảng - lòng dân”.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/y-dang--long-dan-40667