Ý nghĩa cách đặt tên đệm của người Dao

Cũng như các dân tộc khác, người Dao quan niệm tên gọi có ý nghĩa rất lớn, gắn bó với mỗi người suốt cuộc đời. Người Dao không phân biệt con anh hay con em, ai ra đời trước sẽ được làm anh, chị. Vậy nên họ sử dụng hệ thống tên đệm để duy trì và biết được vai vế với nhau.

Ông Bàn Công Hiến, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), người am hiểu văn hóa Dao cho biết: “Người Dao đặt tên theo thứ bậc và theo vòng đời, thể hiện sự văn minh vô cùng sâu sắc. Dòng họ nào cũng có thứ bậc riêng. Khi tên đặt theo thứ bậc, vòng đời, người ta chỉ cần hỏi tên là đã biết ở bậc nào, hoặc nói được bao nhiều vòng đời thì đã biết có phải họ hàng hay không dù có ở xa”.

Ông Chu Tuần Ngân, xã Trung Minh (Yên Sơn) cùng các cháu tìm hiểu ý nghĩa tên đệm của dòng họ Chu.

Mỗi dòng họ đều có một hệ thống tên đệm riêng cho các thành viên nam. Ngành Dao Tiền thì họ Bàn có các tên đệm là Cực, Phương, Khánh, Văn, Nguyễn, Tiến…; họ Lý có Văn, Trường, Tài, Toán, Thọ, Tiến… Ở ngành Dao đỏ, họ Bàn sẽ có hệ thống tên đệm là Kim, Phượng, Xuân, Tiến, Hoa…; họ Triệu có các tên đệm Văn, Minh, Kim, Tiến, Xuân; họ Lý có Vinh, Nguyên, Phượng, Tiến, Quý…

Sử dụng tên đệm lần lượt theo thứ tự thế hệ ông đến con, cháu, chắt… cho đến khi đặt hết lại quay về từ đầu. Mặc dù có thể trùng họ, một dòng họ phân chia làm nhiều ngành, nhiều chi, nhưng cũng không gây khó khăn cho người Dao trong việc nhận biết ai là người có có quan hệ họ hàng, huyết thống với mình.

Thôn Cọ Sẻ, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) có 89 hộ, người Dao chiếm 90%. Bà con nơi đây vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Họ sử dụng tiếng Dao để giao tiếp hàng ngày, đa số phụ nữ vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống. Khi nói về việc đặt tên và sử dụng tên đệm, ông Lý Văn Điệp, 63 tuổi nói, trong một dòng họ lại có rất nhiều dòng khác nhau và người ta phân biệt các dòng bằng tên đệm và thứ tự các tên đệm. Dòng họ Lý của ông sử dụng hệ thống tên đệm là Văn, Trường, Tài, Toán…

Người Dao cũng có quy định, những người cùng dòng họ phải trên 5, 6 đời mới được phép lấy nhau, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Như vậy, hệ thống các tên đệm không chỉ là dấu hiệu để nhận biết anh em họ hàng, mà còn giúp biết được mức độ và khung thời gian cấm kết hôn trong dòng họ. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao trong đồng bào người Dao hoàn toàn không có tình trạng hôn nhân cận huyết như một số dân tộc khác.

Theo ông Chu Tuần Ngân, xã Trung Minh (Yên Sơn), người Dao thường có hai tên. Tên cúng cơm và tên dùng giao tiếp ngoài xã hội. Tên cúng cơm vẫn luôn được gia đình đặt theo hệ thống tên đệm của dòng họ để giữ gìn bản sắc văn hóa.

Văn hóa Dao có nhiều nét đặc sắc, trong đó việc sử dụng hệ thống tên đệm để phân biệt ngành Dao, thứ bậc phần nào thể hiện tư duy khoa học của người miền núi. Đây là một phong tục đẹp, riêng biệt được cộng đồng người Dao giữ gìn và coi trọng.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/y-nghia-cach-dat-ten-dem-cua-nguoi-dao-123725.html