Ý nghĩa qua các chuyến về nguồn, trải nghiệm thực tế
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm tổ chức các hoạt động hành trình về nguồn tại các 'địa chỉ đỏ', trải nghiệm thực tế cho cán bộ, hội viên phụ nữ.
Đây là một hoạt động ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp, góp phần khơi dậy niềm niềm tự hào về truyền thống dân tộc, cũng như tạo sự gắn kết của chị em phụ nữ.
TRÂN TRỌNG DẤU ẤN LỊCH SỬ
Vào tháng 3 hằng năm, thiết thực kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đều tổ chức hành trình về "địa chỉ đỏ". Tháng 3-2024, Hội đã tổ chức cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ về nguồn tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. Tại đây, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Rạng sáng ngày 20-8-1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời, Gò Công Đông. Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để giữ trọn thanh danh ở tuổi 44. Khí tiết của Trương Định mãi được lưu truyền sử sách và trong lòng dân. Trương Định là niềm tự hào, cảm phục của nhân dân Tiền Giang, nhân dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là nguồn tư liệu lịch sử có giá trị góp phần bổ sung, đóng góp, tô thắm thêm trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Hằng năm, vào dịp 20-10, Hội LHPN các cấp trong tỉnh còn tổ chức các chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử Nam kỳ Khởi Nghĩa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành - nơi có nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập, người con ưu tú của quê hương Tiền Giang, đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.
Trong một lần tham gia chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử Nam kỳ Khởi Nghĩa, thắp nén hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng bày tỏ sự quyết tâm: Phát huy những truyền tốt đẹp, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ không ngừng học tập và rèn luyện, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, luôn cố gắng bám sát thực tiễn, bám sát nhân dân để có những sáng tạo phù hợp, mang lại hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Hành trình về “địa chỉ đỏ” trong tháng 7-2024, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về nguồn tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tại đây, Đoàn đã dâng hoa, dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ vị nữ tướng đầu tiên của Việt Nam, xúc động khi tìm hiểu về cuộc đời, quá trình tham gia cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, mất năm 1992, một người phụ nữ bản lĩnh, tài ba, gắn liền với huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, “phong trào Đồng Khởi” và được Bác Hồ phong tặng 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Nữ tướng là lãnh đạo của “Đội quân tóc dài”, lập nên nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Qua tấm gương anh hùng của nữ tướng Nguyễn Thị Định, các cán bộ phụ nữ cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang luôn lấy đó “làm kim chỉ nam” thực hiện tốt hơn trong công tác Hội và phong trào phụ nữ.
Về với các "địa chỉ đỏ" là đợt sinh hoạt chính trị ý nghĩa với cung bậc cảm xúc tự hào và tri ân những giá trị truyền thống. Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ có thể mỗi người đều có những cảm xúc khác nhau, nhưng tựu trung sau chuyến đi mọi người đều thấy hết sức bổ ích, làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử, địa lý, con người, phong tục, tập quán và đời sống của người dân nơi có những địa danh là "địa chỉ đỏ" của cách mạng.
KẾT NỐI CÁN BỘ, HỘI VIÊN
Các chuyến về nguồn hay hành trình về "địa chỉ đỏ" không chỉ là dịp để tuyên truyền, giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử địa phương, mà còn thể hiện sự linh hoạt trong các hoạt động của các cấp Hội LHPN. Trong hành trình về nguồn, cán bộ, hội viên phụ nữ còn thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như thăm, tặng quà gia đình chính sách, tặng quà phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…, và được trải nghiệm, giao lưu tại các địa điểm du lịch tại các địa phương, qua đó góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch phát triển.
Trong chuyến giao lưu, trải nghiệm vừa qua tại xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, cán bộ, hội viên phụ nữ còn tham quan học tập kinh nghiệm mô hình Du lịch sinh thái của chị Phan Thị Mỹ Sáu đã đạt giải Nhì tại Hội thi "Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp" năm 2023. Đây là mô hình ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh điểm du lịch sinh thái và homestay tại cù lao Tân Phong. Điểm du lịch có khuôn viên khoảng 5.000 m2, sạch sẽ, thoáng mát, vườn trái cây và sân vườn rộng thích hợp với việc vui chơi ngoài trời khi khách có nhu cầu và thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn. Ngoài ra, khách tham quan có thể tổ chức các buổi tiệc nhỏ như sinh nhật, tất niên, vui chơi và nghỉ dưỡng...
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết: Tham gia chuyến giao lưu, trải nghiệm tại xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, cán bộ, hội viên phụ nữ các huyện, thị, thành và các đơn vị trực thuộc đã có dịp tìm hiểu về mô hình Du lịch sinh thái của chị Phan Thị Mỹ Sáu. Đây còn là dịp để cán bộ Hội các cấp trong tỉnh có dịp giao lưu, trang bị kỹ năng trong công tác Hội... Thông qua đó, nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ có nhu cầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đồng thời, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương bằng các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Qua đó, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của hội viên phụ nữ tỉnh Tiền Giang. Dịp này, Chi hội Nữ doanh nhân tỉnh và các nữ doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã trao tặng 30 xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè.
Tham gia hành trình về nguồn và trải nghiệm tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, chị Đào Thị Trà Giang, Chủ tịch Hội LHPN phường Long Thuận, TP. Gò Công chia sẻ: Được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Hội và tham gia các trò chơi vận động, nhằm rèn luyện kỹ năng trong hoạt động, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, xây dựng Hội LHPN ngày càng vững mạnh.
Kết thúc mỗi chuyến hành trình về nguồn, trải nghiệm mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ đều ngập tràn ấn tượng, niềm tự hào, sự phấn khởi với những trải nghiệm đầy thú vị, bởi những giá trị lịch sử là sự gắn kết nghĩa tình giữa quá khứ và hiện tại, sự gắn kết, rèn luyện kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Qua đó, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ càng thấy yêu và tự hào về Tổ quốc Việt Nam, xác định rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với quê hương đất nước.
SỚM MAI
[-=-