Y tế học đường Quảng Ninh: Cần những giải pháp tháo gỡ khó khăn
Đến nay, nhiều trường trên địa bàn tỉnh không còn nhân viên y tế trường học, mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm hoặc ký hợp đồng với trạm y tế tuyến xã để thực hiện công tác y tế trường học.
Để sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý đơn vị sự nghiệp giáo dục ở Quảng Ninh, rất nhiều giải pháp tinh giản bộ máy, biên chế được ngành đưa ra. Đến nay, nhiều trường trên địa bàn tỉnh không còn nhân viên y tế trường học, mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm hoặc ký hợp đồng với trạm y tế tuyến xã để thực hiện công tác y tế trường học. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực, việc bố trí người theo dõi về công tác y tế chưa hợp lý, y tế học đường còn gặp nhiều khó khăn.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh có 254 học sinh lưu trú. Nhà trường bố trí một cán bộ y tế chuyên trách với nhiệm vụ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh hai lần một năm, hàng ngày kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên. Ngoài ra, cán bộ y tế còn tham gia vào công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường. Ông Lương Văn Khang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Chẽ cho biết: “Trường có đặc thù là học sinh ăn ở, học tập tại trường, nên vai trò của cán bộ y tế lại càng quan trọng. Việc ăn ở học tập của học sinh đã được phụ huynh giao cho nhà trường, thông qua cán bộ y tế, nhà trường đã giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của học sinh cho cán bộ y tế và phải theo dõi sức khỏe của các em 24/24h.”
Trường Mầm non Hạ Long có số lượng học sinh khá đông với 1.200 cháu thường xuyên bán trú. Ở độ tuổi mầm non, học sinh rất dễ mắc phải các bệnh dịch theo mùa, sức đề kháng kém nên công tác y tế tại trường hết sức được chú trọng. Bà Phạm Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Hạ Long cho biết, trường vẫn được sắp xếp một cán bộ y tế chuyên trách với đầy đủ trang thiết bị y tế nhằm theo dõi, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, với số lượng học sinh đông, nhà trường cũng phải kết nối chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi sát tình hình sức khỏe các con: “Nếu như không có nhân viên y tế, chúng tôi chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều, bởi giáo viên chỉ có chuyên môn chăm sóc giáo dục trẻ, còn về chăm sóc sức khỏe hay phòng chống dịch bệnh chúng tôi không có nghiệp vụ thì sẽ làm rất khó. Trường cũng sử dụng thêm phần mềm theo dõi kết nối giữa giáo viên với phụ huynh về chương trình giáo dục, cũng như việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ.”
Thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, đến nay trường học có cán bộ y tế chuyên trách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không nhiều. Đa số, các trường ký hợp đồng với trạm y tế tuyến xã, phường để chăm sóc sức khỏe học sinh hoặc phân công cán bộ, nhân viên kiêm nhiệm y tế học đường. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh chỉ còn 308/646 trường học có nhân viên y tế, 338 trường còn lại bố trí nhân viên là thủ quỹ, kế toán, nhân viên thư viện thậm chí cả giáo viên phụ trách công tác y tế. Tại thành phố Hạ Long, cấp tiểu học có 21 trường thì chỉ còn 1 trường duy nhất có cán bộ y tế chuyên trách.
Bà Phạm Thị Mai Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Xanh, thành phố Hạ Long cho biết nhà trường phải bố trí cán bộ thư viện phụ trách thêm công tác y tế: “Riêng nhiệm vụ của nhân viên y tế theo thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế thì rất nhiều việc phải làm. Đầu giờ cán bộ phải đi kiểm tra vệ sinh tất cả các bộ phận trong nhà trường, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid - 19 hiện nay. Cán bộ y tế cũng phải chăm sóc sức khỏe cho học sinh hàng ngày, tham mưu thực đơn bán trú của trường, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền phổ biến cho học sinh các nội dung liên quan đến phòng chống bệnh tật học đường,... Trong khi đó cán bộ này vẫn phải đón học sinh tham gia đọc sách tại thư viện, đó là điều rất khó khăn.”
Mặc dù các trường cũng đã hợp đồng với các trạm y tế về công tác y tế học đường, tuy nhiên, do lực lượng y tế tuyến xã hiện nay cũng rất ít người nên việc phối hợp với các trường xử lý những tình huống phát sinh còn chậm trễ. Khi xử lý các vấn đề phát sinh như có học sinh bị thương, bị sốt đột ngột, cán bộ, nhân viên được phân công theo dõi công tác y tế rất lúng túng, thậm chí xử lý không đúng quy cách. Qua đợt dịch Covid-19 cũng cho thấy nhân lực y tế tại các trường học để triển khai công tác phòng dịch còn rất hạn chế.
“Để thực hiện tốt công tác y tế trường học, chúng tôi cũng phối hợp thường xuyên hơn với các đơn vị y tế trên địa bàn để tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo công tác y tế trường học. Cùng với đó chúng tôi cũng đẩy mạnh hướng dẫn các trường phối hợp với trạm y tế xã phường, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác y tế trường học. Trước những khó khăn gặp phải trong công tác y tế học đường, chúng tôi rất mong được các cấp, các ngành quan tâm hơn trong thời gian tới"- bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long nói.
Với nhiều giải pháp, việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục Quảng Ninh đã có được kết quả tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên và nhà trường trong việc thực hiện công tác y tế học đường là điều cần thiết. Việc đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi tới trường cũng là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay./.