Yên Bái phấn đấu tăng trưởng tín dụng từ 10% đến 12%

Đây là thông tin mà ông Nguyễn Quang Đạt - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ông Nguyễn Quang Đạt - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Yên Bái.

Ông Nguyễn Quang Đạt - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Yên Bái.

P.V: Thưa ông, hoạt động của hệ thống ngân hàng ở Yên Bái năm 2024 vừa qua có những điểm nhấn gì?

Ông Nguyễn Quang Đạt: Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Chi nhánh NHNN Việt Nam tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nghiêm túc Luật Các tổ chức tín dụng và các cơ chế, chính sách, nghiệp vụ của NHNN Việt Nam phù hợp với tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn... Chúng tôi đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn; ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3 tại các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn tỉnh...

Đến 30/12/2024, dư nợ 18 chương trình tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội đạt 5.491 tỷ đồng; dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 7,61% so với 31/12/2023, chiếm 42,17% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 800 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 8,05% so với 31/12/2023, chiếm 16,16% so với tổng dư nợ.

Hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3, hệ thống ngân hàng ở Yên Bái đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 202 khách hàng; miễn giảm lãi vay; cho vay mới 3.390 khách hàng với dư nợ trên 951 tỷ đồng. Các biện pháp trên đã hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả của cơn bão, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 chi nhánh ngân hàng loại I; 9 chi nhánh loại II, 53 phòng giao dịch, 16 QTDND, 13 phòng giao dịch Bưu điện trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát; 173 điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách xã hội; 6 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Yên Bình; 374 máy thanh toán thẻ POS.

Các chi nhánh ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện tốt thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán lương qua tài khoản ngân hàng. Trong năm, có 76.593.851 lượt thanh toán qua điện thoại di động, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023; giao dịch thanh toán qua Internet đạt 590.868 lượt, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023; thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội đạt gần 1,9 triệu lượt giao dịch, tăng 731,5% so với cùng kỳ năm 2023…

Đáng ghi nhận là công tác an sinh xã hội của ngành, nhất là sau cơn bão số 3, toàn ngành đã thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện chia sẻ, động viên với người dân trên địa bàn. Ghi nhận kết quả đó, Hội đồng thi đua, khen thưởng thực hiện nhiệm vụ chính trị theo Chương trình hành động số 188 đã xét khen thưởng NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái đạt mức 9, tăng 2 mức so với năm 2023.

P.V: Ông dự báo thế nào về tình hình hoạt động ngân hàng và các dòng tiền sau tết?

Ông Nguyễn Quang Đạt: Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình hoạt động ngân hàng trong nước được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và sự cạnh tranh gia tăng, đặc biệt trong huy động vốn và cho vay. Nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân sau tết. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng tư nhân và ngân hàng có quy mô nhỏ sẽ tiếp tục diễn ra. Với các ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV được cho là vẫn duy trì mức lãi suất ổn định hơn nhờ vào lợi thế thanh khoản dồi dào.

Sự thay đổi này cũng phản ánh nhu cầu huy động vốn ngày càng cao của các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cũng có dấu hiệu điều chỉnh tăng nhẹ, ước tính tăng khoảng 0,3-0,7% so với trước tết. Điều này tạo áp lực không nhỏ đối với cả doanh nghiệp và người vay vốn, nhất là những người vay tín dụng tiêu dùng và vay mua nhà.

Sau tết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ tăng nhờ vào việc người dân và doanh nghiệp nhận nhiều khoản tiền từ các hoạt động kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch tài chính, đặc biệt là thanh toán điện tử, đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Xu hướng chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán điện tử đã được ghi nhận rõ trong dịp tết những năm qua, cho thấy sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Ngoài việc thu hút tiền gửi, dự báo dòng tiền cũng sẽ trở lại thị trường chứng khoán, đặc biệt sau khi các nhà đầu tư có cơ hội đánh giá kết quả kinh doanh quý IV/2024 của các doanh nghiệp.

P.V: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện chính sách tiền tệ ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Đạt: Chi nhánh triển khai, cụ thể hóa chỉ đạo của NHNN Việt Nam nhất là Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 20/1/2025 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025. Xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho năm 2025 phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% đến 10% mà Chính phủ đề ra. Nghĩa là, nếu nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, mức tăng trưởng tín dụng cũng sẽ được điều chỉnh tăng lên khoảng 18 đến 20% để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Trên địa bàn, NHNN tỉnh đã đăng ký tăng trưởng tín dụng từ 10% đến 12% so với năm 2024 có điều chỉnh theo Chương trình hành động số 246-CTr/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2025 của Tỉnh ủy. Về lãi suất, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất ổn định nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa nhu cầu tín dụng và khả năng cung ứng vốn.

Trước hết , chúng tôi khuyến khích các ngân hàng thương mại chú trọng việc giảm chi phí, ứng dụng công nghệ để hỗ trợ lãi suất cho vay doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai là tập trung vào việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có khả năng cho vay và xử lý các khoản nợ xấu.

Thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm cải thiện hiệu suất và giảm thiểu chi phí cho các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tăng cường khả năng cạnh tranh và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Chúng tôi sẽ luôn bám sát định hướng và chỉ đạo của NHNN Việt Nam để triển khai trên địa bàn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn thuận lợi, góp phần tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Tuấn (thực hiện)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/345923/yen-bai-phan-dau-tang-truong-tin-dung-tu-10-den-12.aspx