TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng tháng 1/2025 tăng 0,04%
Đến cuối tháng 1/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 3.944,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,04% so với cuối năm 2024 và tăng 12,43% so với cùng kỳ…
![Tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng đầu năm tăng nhẹ - Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_3_51466481/a989b09f80d1698f30c0.jpg)
Tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh trong tháng đầu năm tăng nhẹ - Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 1/2025, mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp (chỉ tăng 0,04%) song tín dụng vẫn tăng. Đặt trong mối liên hệ với cùng kỳ này các năm trước, tín dụng tháng đầu năm 2025 có những khác biệt và phản ánh xu hướng tích cực. Đây là điểm khác biệt so với 2 năm trước, tín dụng tháng 1/2024 giảm 0,93%; tháng 1/2023 giảm 0,48%.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết thông thường các tháng đầu năm, tín dụng thường giảm. Diễn biến này phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh Tết để mang lại tối ưu hóa trong sử dụng vốn do những ngày nghỉ Tết (doanh nghiệp chủ yếu vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh, phục vụ thương mại dịch vụ, phù hợp với kỳ hạn và thời điểm Tết). Theo đó, dư nợ cho vay ngắn hạn giảm 0,73% và cho vay trung dài hạn tăng 0,77% so với cuối năm 2024.
Tuy nhiên, điều khá thú vị tín dụng tăng trong tháng 1/2025. Tháng đầu tiên của năm cùng với những yếu tố thuận lợi sau Tết (các hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch tăng trưởng tốt, đơn hàng tăng…) sẽ là động lực để duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng tiếp theo và đạt được mục tiêu định hướng, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch năm.
Ngoài ra, các yếu tố thuộc cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng: lãi suất, hạn mức tín dụng và các gói tín dụng cho các chương trình, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu; tiêu dùng và thị trường nhà ở xã hội…) tiếp tục là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và cả đối với tổ chức tín dụng trong quá trình khai thác và sử dụng vốn.
Khối ngân hàng thương mại cổ phần là khối có tỷ trọng tín dụng cao nhất trên địa bàn (chiếm 56,7% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn) có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng là 0,11%; khối ngân hàng nước ngoài (tỷ trọng tín dụng 9,5%) có tốc độ trưởng tín dụng trong tháng đạt 1,36%.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách tiền tệ và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, sự hấp thụ vốn và tăng trưởng của nền kinh tế; cùng với các giải pháp và hành động cụ thể của ngành ngân hàng trong năm 2025, sẽ là yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn theo định hướng đề ra của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian tới, ông Lệnh cho biết: ngành ngân hàng Thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp gắn với giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hộ kinh doanh trên địa bàn tăng trưởng và phát triển.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-ho-chi-minh-tin-dung-thang-1-2025-tang-0-04.htm