Yên Bái phát huy hiệu quả mô hình tổ hòa giải ở cơ sở
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Yên Bái đã phát huy hiệu quả mô hình tổ hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), giải quyết nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ngay tại địa phương, đóng góp giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.
Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có 1.371 tổ HGƠCS với 8.755 hòa giải viên. Bình quân một tổ hòa giải có 5 - 7 người; bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có trên 12 tổ HGƠCS.
Từ năm 2014 đến tháng 6/2023, các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã hòa giải 21.373 vụ; trong đó ,hòa giải thành 19.529 vụ, đạt 91,3%. Các vụ việc hòa giải chủ yếu liên quan lĩnh vực đất đai; mâu thuẫn giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong dân sự, quan hệ hôn nhân - gia đình...
Đồng chí Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái cho biết: "Hầu hết các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp”.
Công tác hòa giải được thực hiện phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương và phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Các hòa giải viên đều được tổ chức Mặt trận giới thiệu, nhân dân bầu và được chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận. UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và các tổ chức thành viên cùng cấp trong thực hiện công tác hòa giải nên đã mang lại hiệu quả cao.
10 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp với cơ quan tư pháp trong thực hiện Luật HGƠCS, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên về vai trò, vị trí của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác HGƠCS; khuyến khích, động viên các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư tham gia vào công tác này.
Đặc biệt, hoạt động hòa giải đã gắn với phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... giúp chính quyền địa phương và các tổ hòa giải kịp thời nắm bắt các vụ việc có thể phát sinh, từ đó có những phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy, các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.
10 năm thực hiện Luật HGƠCS, Yên Bái đã có đội ngũ hòa giải viên nhiệt tình, trách nhiệm không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, tích cực tham gia hoạt động đem lại hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội cho người dân ở cơ sở. Các địa phương trong tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành rất cao, đạt từ 87,3% - 95,4%; tiêu biểu như các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ…
Hòa giải viên Hán Thị Hợi - Tổ hòa giải Tổ dân phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái cho biết: "Đối với từng vụ việc cụ thể phát sinh, chúng tôi luôn bám sát quy định của pháp luật kết hợp với vận dụng các phương pháp dựa trên tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tôn trọng lẽ phải… Tới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu những kinh nghiệm hay từ thực tiễn hoạt động HGƠCS trong suốt những năm qua tới Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, năm 2023”.
Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở khi được hòa giải, giải quyết kịp thời sẽ không phát triển thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn, việc đơn giản không trở nên phức tạp, không gây âm ỉ, bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư. Từ đó, các mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc được giải quyết triệt để, ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội.
"Việc thực hiện Luật HGƠCS trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động HGƠCS đi vào nề nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả ” - đồng chí Nguyễn Huy Cường khẳng định.
Thực tiễn hoạt động cho thấy, mô hình tổ HGƠCS thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra và mang lại hiệu quả, duy trì được sự ổn định của các mối quan hệ, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động HGƠCS đồng thời là kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rất hiệu quả đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước...
10 năm thi hành Luật HGƠCS, UBND tỉnh đã ban hành 33 văn bản, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 199 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật; Sở Tư pháp đã tổ chức trên 20 hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1.371 tổ hòa giải tại các huyện, thị xã và thành phố. Tổng ngân sách tỉnh Yên Bái hỗ trợ cho công tác HGƠCS từ năm 2014 đến 2023 là trên 5,6 tỷ đồng.