Yên Bái: 'Tiếp sức' cho nông dân phát triển kinh tế

Phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' do Trung ương Hội phát động những năm qua đã được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực tuyên truyền và triển khai sâu rộng trong hội viên.

Nông dân Mù Cang Chải phát triển sản xuất rau màu.

Nông dân Mù Cang Chải phát triển sản xuất rau màu.

Để phong trào được triển khai sâu rộng, hiệu quả, phát huy vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025; Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể...

"Cùng với đó, Hội đã tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp hội viên nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm như: phối hợp với các ngành chuyên môn, công ty, doanh nghiệp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng trả chậm vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cho nông dân phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện hỗ trợ hội viên, nông dân vốn vay; tranh thủ nguồn lực từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức để xây dựng mô hình phát triển nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn để nhân rộng” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Giàng A Câu cho biết.

Với sự nỗ lực của các cấp Hội, hàng năm đã thu hút từ 60 - 70% hộ hội viên nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, qua bình xét có từ 50 - 60% số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hàng năm, Tỉnh hội đã chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM và Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố rà soát các sản phẩm OCOP nhằm tư vấn, hỗ trợ các chủ thể tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì và nâng hạng sản phẩm.

Để hỗ trợ hội viên nông dân trong giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của từng địa phương, Hội Nông dân tỉnh đã ký Chương trình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, ký Chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh về "Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”, hỗ trợ đưa 118 sản phẩm OCOP bán trên sàn thương mại điện tử buudien.vn. Đây là một là một giải pháp hiệu quả để giúp các hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng…

Đồng chí Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: "Thông qua phong trào và các hoạt động Hội triển khai đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất cho hội viên nông dân từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, bền vững, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng địa phương, góp phần hình thành một số vùng chuyên canh của tỉnh như: vùng trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Nghĩa Lộ; vùng trồng dâu nuôi tằm tại huyện Trấn Yên; vùng trồng quế tại huyện Văn Yên, Trấn Yên; gỗ rừng trồng tại huyện Yên Bình, Lục Yên... đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân cho hội viên, nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”.

Từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trên 250 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp; 18 mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; tư vấn, hỗ trợ xây dựng 29 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao như: làng du lịch cộng đồng (homestay) Khim Nọi của Hợp tác xã Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải; trà táo mèo Shan Thịnh của Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, huyện Văn Chấn và Đại lão Vương Trà - Diệp trà Suối Giàng của Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, huyện Văn Chấn…

Thu Hạnh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/331313/yen-bai-tiep-suc-cho-nong-dan-phat-trien-kinh-te.aspx