Yên Bình mùa lễ hội an toàn và văn minh

Sau Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội xuân được tổ chức, thu hút đông đảo người dân và du khách đến hành hương, du xuân. Để đảm bảo các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác bảo vệ, triển khai các phương án đảm bảo trật tự và an toàn cho các hoạt động lễ hội.

Nghi thức rước lễ tại lễ hội Đền Thác Bà, huyện Yên Bình.

Nghi thức rước lễ tại lễ hội Đền Thác Bà, huyện Yên Bình.

Mùng 5 tháng Giêng hàng năm, bà Tướng Thị Tuyến - người dân thôn Làng Cại, xã Phúc An, huyện Yên Bình lại sửa soạn đi lễ tại Đền Mẫu Thác Bà. Đây là nơi thờ Công chúa Minh Đạt, con gái vua Hùng thứ XVIII, người có công khai hoang, trồng lúa, dệt vải và phát triển nghề chài lưới. Theo bà Tuyến: "Đi lễ đầu năm là phong tục lâu đời của dân tộc Việt Nam, thể hiện mong ước một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, kinh tế phát triển, nhà nhà ấm no”.

Đánh giá cao công tác tổ chức và đảm bảo an toàn tại Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà năm nay, bà Tuyến cho biết: Nghi thức rước lễ được thực hiện trang trọng, quy củ, có sự tham gia của đông đảo người dân và du khách, tạo nên không khí thiêng liêng, thành kính. Công tác tổ chức hoạt động cúng lễ được bố trí khoa học, an toàn, đảm bảo thuận tiện cho du khách. Các khu vực như đặt lễ, hóa vàng, dâng hương được sắp xếp hợp lý, giúp người dân và du khách dễ dàng tham quan, chiêm bái mà không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian như đánh cờ, đẩy gậy, giao lưu văn nghệ cũng diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Công tác bảo vệ, trông giữ xe được thực hiện nghiêm túc, giúp du khách yên tâm khi đến tham gia lễ hội.

Bà Nguyễn Thị Hương đến từ Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Năm nay, công tác tổ chức lễ hội rất chu đáo, đảm bảo cả sự trang nghiêm lẫn tính an toàn. Người dân và du khách có thể thoải mái dâng lễ, vãn cảnh và tham gia các hoạt động truyền thống mà không gặp khó khăn gì. Tôi rất hài lòng và tin rằng đây là điểm đến tâm linh ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh”.

Theo bà Dương Minh Huệ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thác Bà, Đền Mẫu Thác Bà đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội năm nay vẫn bao gồm hai phần, gồm: Phần lễ với các nghi thức truyền thống như rước kiệu cá, dâng hương, dâng rượu, dâng lễ vật và hóa trúc văn. Phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian như đánh cờ, đẩy gậy và giao lưu văn nghệ. Lễ hội đã diễn ra an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và du khách.

Bà Huệ chia sẻ: "Từ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND thị trấn Thác Bà chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng bộ phận phụ trách từng lĩnh vực cụ thể. Điển hình như, phân công đội hình rước lễ, đội tế lễ, bộ phận tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao khu vực dưới sân đền. Cùng đó, phân công lực lượng công an và dân quân tự vệ xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho lễ hội, đảm bảo công tác an ninh, trật tự; các hộ dân tham gia kinh doanh, dịch vụ tại lễ hội tiến hành cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ đúng pháp luật và quy định của Ban Tổ chức lễ hội”.

Trong chuỗi hoạt động đầu xuân tại vùng sông Chảy, ngày mùng 8 tháng Giêng, xã Hán Đà tổ chức thành công Lễ hội Đình Phúc Hòa, nơi thờ ba vị tiền nhân: Đài Vàng Quý Minh Đại Vương, Phò Mã Án Sát Đại Vương và Hồng Hoa Công Chúa – con và cháu của vua Hùng Duệ Vương thứ XVIII. Theo ông Nguyễn Minh Quý - Phó Chủ tịch UBND xã: Để chuẩn bị cho lễ hội, từ trước Tết Nguyên đán, xã Hán Đà đã tổ chức các vòng loại văn nghệ, thể thao để lựa chọn những tiết mục xuất sắc nhất phục vụ du khách. Bên cạnh đó, địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, kiên quyết không để các hàng quán không đủ điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa cùng là thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh như cúm và các dịch bệnh dễ lây lan khác nên, UBND xã cũng ra thông báo, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe.

Mùa lễ hội xuân 2025 ở Yên Bình diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 9 tháng Giêng, với các sự kiện nổi bật như: Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội đình Ba Chãng (xã Phúc An), Đình Khả Lĩnh (xã Đại Minh), Đền Lương Nham (xã Phú Thịnh), Lễ hội Đình Phúc Hòa (xã Hán Đà), Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà (thị trấn Thác Bà).

Huyện Yên Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung vào công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, kiểm tra hệ thống điện tại các khu vực dâng hương và hóa vàng. Lực lượng chức năng được phân công túc trực tại các điểm quan trọng, hướng dẫn du khách thực hiện đúng quy định, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để tổ chức cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan.

Ông Vũ Tuấn Mạnh – Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình khẳng định: "Các hoạt động lễ hội đầu Xuân năm 2025 tại huyện đã tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đảm bảo an toàn tại các địa phương. Các lễ hội không chỉ là dịp để nhân dân và du khách thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân mà còn góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, chính quyền địa phương và người dân, mùa lễ hội năm nay diễn ra an toàn, văn minh, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, góp phần thúc đẩy du lịch tâm linh của huyện Yên Bình phát triển bền vững. Đặc biệt, mùa lễ hội đầu xuân đã thu được trên 15.000 lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại huyện Yên Bình”.

Lễ hội đầu năm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Một mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh chính là "thỏi nam châm" thu hút du khách, thúc đẩy du lịch Yên Bình phát triển, đặc biệt là du lịch tâm linh, tạo dựng hình ảnh đẹp về quê hương, con người địa phương.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/345876/yen-binh-mua-le-hoi-an-toan-va-van-minh.aspx