Yên Lập tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng
PTĐT - Những năm qua, bằng bước đi đúng đắn, có tính chiến lược, huyện Yên Lập đã và đang phát huy lợi thế để bứt phá đi lên, tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộXác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, với cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, huyện Yên Lập đã tập trung cải tạo nâng cấp, xây dựng mới các công trình, dự án hạ tầng giao thông... góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phục vụ mục tiêu phát triển. Giai đoạn 2016-2020, Yên Lập đã làm mới gần 200km đường GTNT, xây dựng mới 16 cây cầu; trong đó đã hoàn thành đầu tư tuyến đường quốc lộ 70B từ xã Mỹ Lung đến xã Ngọc Lập với chiều dài 55km; 8 tuyến đường tỉnh dài gần 60km; 7 tuyến đường huyện dài 48,5km. Các tuyến đường trục xã, liên xã được cải tạo, nâng cấp đảm bảo theo quy định, góp phần tăng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Tổng huy động nguồn lực phát triển GTNT của huyện đạt kết quả khá, với số vốn đầu tư đạt trên 681 tỷ đồng. Một số địa phương tập trung thực hiện tốt việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển giao thông như: Thị trấn Hưng Long, Xuân Viên, Ngọc Lập, Xuân Thủy, Thượng Long…Trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, ưu tiên xây dựng mạng lưới giao thông, thủy lợi, trường học; chú trọng xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, phát huy nội lực từ nguồn đấu giá đất; đặc biệt, tăng cường quảng bá, mời gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập và Cụm công nghiệp Lương Sơn.Đồng chí Nguyễn Huy Tài - Trưởng phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện cho biết: Tổng các nguồn vốn huy động đầu tư kết cấu hạ tầng của 11 lĩnh vực trong hơn 4 năm đạt trên 4.170 tỷ đồng. Các chương trình, dự án cơ bản đảm bảo chất lượng, hiệu quả…Bên cạnh đó, huyện quan tâm huy động vốn đầu tư hạ tầng nông, lâm nghiệp, góp phần phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. 100% khu dân cư có điện lưới Quốc gia, 95% số hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn, 100% khu dân cư có mạng internet và phủ sóng di động. Tại các xã Phúc Khánh, Hưng Long, Xuân Viên, Xuân Thủy, Ngọc Lập, Nga Hoàng được đầu tư xây dựng chợ theo tiêu chí nông thôn mới. Hoàn thành xây dựng nhà máy nước và hệ thống đường ống cấp nước sạch từ hồ Ly (xã Thượng Long) cấp cho khu vực thị trấn Yên Lập và các xã lân cận; đầu tư khu tập kết rác thải tập trung tại Bến Sơn, thị trấn Yên Lập và di dời nghĩa địa khu Đồng Dân về nghĩa trang Ba Chôm, xã Đồng Thịnh; đồng thời hoàn thành xây dựng 6 khu định canh định cư để ổn định cuộc sống cho 233 hộ dân. Các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và nâng cao trình độ học vấn của nhân dân. Trong 5 năm, huyện đầu tư xây dựng mới 29 nhà lớp học; nâng cấp sửa chữa 70 phòng học, xây dựng 10 nhà điều hành; mở rộng, xây dựng khuôn viên, công trình phụ trợ 18 trường học đáp ứng theo tiêu chuẩn Quốc gia về giáo dục. Hệ thống y tế với 17/17 xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Hạ tầng văn hóa, thể thao được đầu tư với 100% khu dân cư có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng đầu tư trọng điểm
Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lập nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi, Đảng bộ đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để đưa nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện sớm đi vào cuộc sống. Trong đó, “Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới” là một trong hai nhiệm vụ trọng điểm về phát triển kinh tế, xây dựng huyện phát triển theo hướng toàn diện, bền vững. Đồng chí Nguyễn Kim Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng điểm về đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, huyện phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Thực hiện mục tiêu đó, huyện tập trung đồng bộ nhiều giải pháp về tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, hình thức đầu tư hợp tác. Chủ động tháo gỡ khó khăn, đồng hành, củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cơ cấu lại đầu tư, đẩy nhanh GPMB, tập trung vốn cho các dự án động lực nhằm tạo sức lan tỏa lớn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ, công nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại - dịch vụ...”. Huyện tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư để hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập và Cụm công nghiệp Lương Sơn; tích cực quảng bá, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy hai cụm công nghiệp đạt 100%. Đồng thời, thực hiện quy hoạch và xây dựng mới 2 cụm công nghiệp Đồng Lạc và Mỹ Lung. Tạo điều kiện, ưu tiên các công trình, dự án để bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả, giúp địa phương khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, gắn phát triển nông lâm nghiệp thủy sản với tạo việc làm, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương theo hướng bền vững, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra.