Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO gõ búa công nhận Di sản văn hóa thế giới

Ngày 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của Việt Nam đã chính thức được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Chủ tịch Kỳ họp, GS Nikolay Nenov (Bulgaria) đã gõ búa công nhận hồ sơ di sản do Việt Nam đề cử. Đây là Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và là Di sản liên tỉnh thứ hai (sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà), trải rộng trên địa bàn Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng.

 Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia.

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận theo hai tiêu chí (iii) và (vi). Tiêu chí (iii) nhấn mạnh giá trị về truyền thống văn hóa độc đáo kết hợp hài hòa giữa Nhà nước, tôn giáo và cộng đồng nhân dân, hình thành từ thế kỷ XIII với Phật giáo Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Tiêu chí (vi) ghi nhận Phật giáo Trúc Lâm là minh chứng toàn cầu về một hệ thống triết lý và đạo đức khuyến khích hòa giải, khoan dung và hòa bình, gắn kết con người với thiên nhiên.

Quần thể này gồm 12 cụm, điểm di tích như Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Bổ Đà, Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều cùng nhiều đền, chùa, am, tháp cổ, văn bia, mộc bản và không gian cảnh quan núi rừng. Đây là quần thể di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng, có giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, phản ánh quá trình hình thành - phát triển - lan tỏa Phật giáo Trúc Lâm trong hơn 700 năm.

 Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận theo hai tiêu chí (iii) và (vi).

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận theo hai tiêu chí (iii) và (vi).

Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Minh Vũ - và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Hoàng Đạo Cương - khẳng định thành công này là kết quả của nhiều năm bảo tồn, tu bổ, nghiên cứu, lập hồ sơ, và nỗ lực vận động quốc tế, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết hồ sơ đã được Quảng Ninh chủ trì xây dựng công phu, bài bản từ năm 2013. Bà nhấn mạnh việc được UNESCO công nhận là niềm tự hào lớn, đồng thời cam kết tỉnh tiếp tục triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.

 Việc được UNESCO công nhận là niềm tự hào lớn, đồng thời cam kết tỉnh tiếp tục triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.

Việc được UNESCO công nhận là niềm tự hào lớn, đồng thời cam kết tỉnh tiếp tục triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.

Thành công của hồ sơ di sản có đóng góp quan trọng của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng sự phối hợp chặt chẽ của ba địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai mô hình quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Thế giới theo Luật Di sản văn hóa 2024 và các cam kết trong Công ước 1972 của UNESCO.

Hoàng Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/yen-tu-vinh-nghiem-con-son-kiep-bac-duoc-unesco-go-bua-cong-nhan-di-san-van-hoa-the-gioi-post1759647.tpo