Yêu cầu 2025 tỷ lệ GV tiến sĩ không thấp hơn 20%, ĐHSPKT Vinh mới đạt hơn 16%

Hiện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh có 208 giảng viên toàn thời gian trong đó có 35 giảng viên trình độ tiến sĩ và 173 giảng viên trình độ thạc sĩ.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật Vinh được thành lập ngày 08/4/1960 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trải qua nhiều lần đổi tên và nâng cấp, thực hiện Quyết định số 78/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, nhà trường được nâng cấp trở thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh.

Theo thông tin trên website nhà trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh có sứ mạng mang đến cơ hội và môi trường đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng, uy tín trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ, kinh tế và xã hội theo hướng ứng dụng; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho giáo viên và người lao động đạt chuẩn quốc gia, quốc tế.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh xác định tầm nhìn là phấn đấu trở thành trường đại học định hướng ứng dụng trong top đầu của Việt Nam về giáo dục kỹ thuật và kỹ thuật công nghệ.

Hiện tại, Tiến sĩ Thái Anh Tuấn là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Phạm Hữu Truyền là Hiệu trưởng nhà trường.

 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. (Ảnh: website nhà trường)

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. (Ảnh: website nhà trường)

Ngày 1/4/2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh ban hành Đề án tuyển sinh năm 2024 và đăng tải trên website của trường.

Năm nay, nhà trường tuyển sinh hơn 1.600 chỉ tiêu, trong đó dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh đối với một số ngành như: Công nghệ kỹ thuật ô tô (hơn 480 chỉ tiêu); Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử và Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (mỗi ngành tuyển hơn 180 chỉ tiêu).

Hai ngành gồm: ngành Thương mại điện tử và ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt (chuyên ngành Nhiệt-điện lạnh) được nhà trường bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024.

Nhà trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của nhà trường (mã phương thức xét tuyển 301); xét tuyển theo kết quả học tập cấp trung học phổ thông (mã phương thức xét tuyển 200); xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (mã phương thức xét tuyển 100); xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội (mã phương thức xét tuyển 402).

Có ngành 0 thí sinh nhập học

Đối chiếu giữa Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh với Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho thấy, nhìn chung, nhà trường kê khai khá đầy đủ nội dung theo quy định, nhưng vẫn có một số mục chưa đúng theo biểu mẫu của Thông tư số 08.

Cụ thể, tại mục 8, Phần I, Phụ lục III, Thông tư số 08 quy định đề án tuyển sinh cần có đường link công khai thông tin về tuyển sinh chính quy của 2 năm gần nhất trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, cả hai đường link này trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đều không truy cập được.

 Đường link công khai thông tin về tuyển sinh chính quy năm 2022, 2023. (Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024).

Đường link công khai thông tin về tuyển sinh chính quy năm 2022, 2023. (Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024).

 Kết quả sau khi truy cập vào đường link công khai thông tin về tuyển sinh chính quy năm 2022. (Ảnh chụp màn hình ngày 15/7/2024)

Kết quả sau khi truy cập vào đường link công khai thông tin về tuyển sinh chính quy năm 2022. (Ảnh chụp màn hình ngày 15/7/2024)

 Kết quả sau khi truy cập vào đường link công khai thông tin về tuyển sinh chính quy năm 2023. (Ảnh chụp màn hình ngày 15/7/2024)

Kết quả sau khi truy cập vào đường link công khai thông tin về tuyển sinh chính quy năm 2023. (Ảnh chụp màn hình ngày 15/7/2024)

Tại mục 8.2 Đề án tuyển sinh năm 2024 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho thấy, cả năm 2022 và năm 2023, tỷ lệ tuyển sinh của trường không đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2022, nhà trường có 1.285 chỉ tiêu nhưng chỉ có 1.050 thí sinh trúng tuyển nhập học (đạt tỷ lệ 81,7% số chỉ tiêu); năm 2023, nhà trường có 1.275 chỉ tiêu nhưng chỉ có 1.098 thí sinh trúng tuyển nhập học (đạt tỷ lệ 86,1%).

Cũng theo bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, nhiều ngành có số nhập học thấp hơn chỉ tiêu rất nhiều.

Đơn cử, năm 2022, ngành Quản trị kinh doanh tuyển 60 chỉ tiêu nhưng chỉ có 13 thí sinh nhập học; năm 2023, ngành này cũng có 60 chỉ tiêu nhưng chỉ 20 sinh viên nhập học.

Tương tự, năm 2022, ngành Kế toán tuyển 60 chỉ tiêu nhưng chỉ có 6 sinh viên nhập học. Đặc biệt, năm 2023, ngành Kế toán tuyển sinh 60 chỉ tiêu nhưng không có sinh viên nào nhập học, trong khi điểm trúng tuyển chỉ 18 điểm theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

 Số chỉ tiêu và nhập học của một số ngành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. (Ảnh chụp màn hình)

Số chỉ tiêu và nhập học của một số ngành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. (Ảnh chụp màn hình)

Đáng nói, số nhập học của các ngành đào tạo về máy tính, công nghệ kỹ thuật cũng ít hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Ví dụ như, năm 2023, ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính có 45 chỉ tiêu nhưng chỉ có 13 sinh viên nhập học; ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí có 85 chỉ tiêu nhưng chỉ có 62 sinh viên nhập học.

 Một số ngành về máy tính, công nghệ kỹ thuật có số nhập học thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. (Ảnh chụp màn hình)

Một số ngành về máy tính, công nghệ kỹ thuật có số nhập học thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng theo bảng thống kê này, năm tuyển sinh 2022 và 2023, một số ngành đào tạo của nhà trường có số nhập học cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Như năm 2023, ngành Công nghệ thông tin có 65 chỉ tiêu nhưng số nhập học lên tới 94; ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô có 275 chỉ tiêu nhưng có tới 382 thí sinh nhập học.

 Một số ngành của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh có số nhập học cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. (Ảnh chụp màn hình)

Một số ngành của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh có số nhập học cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. (Ảnh chụp màn hình)

Còn thiếu một số thông tin kê khai theo quy định

Tại mục 1.12, Phần II, Thông tư số 08 quy định tuyển sinh đào tạo đại học, cao đẳng chính quy với đối tượng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên và và mục 1.12, Mẫu số 01, Thông tư số 08 quy định tuyển sinh vừa làm vừa học, cơ sở giáo dục cần có cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

 Ảnh chụp màn hình Thông tư số 08

Ảnh chụp màn hình Thông tư số 08

Tuy nhiên, tại các mục này trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh không có nội dung về cam kết giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro mà Thông tư số 08 quy định.

Theo mẫu báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng cho thấy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh tổng quy mô đào tạo hình thức chính quy tính đến ngày 31/12/2023 là 4.773 người, nhà trường không đào tạo trình độ tiến sĩ.

 Ảnh chụp màn hình bảng kê khai trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường.

Ảnh chụp màn hình bảng kê khai trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường.

Trong đó, quy mô đào tạo thạc sĩ là 57 học viên; quy mô đào tạo đại học là 4.716 sinh viên (trong đó có 3.796 sinh viên đại học chính quy, 920 sinh viên vừa làm vừa học).

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường thống kê tổng diện tích đất của trường là 179598 ha. Tuy nhiên, đối chiếu với thông tin trong Biểu mẫu 19 Công khai thông tin cơ sở vật chất của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh năm 2022-2023, diện tích đất của trường là 179.598m2.

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường có 800 chỗ ở ký túc xá sinh viên; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 23,36m2/người.

Về giảng viên, theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh có 208 giảng viên toàn thời gian. Trong đó có 35 giảng viên trình độ tiến sĩ (đã bao gồm 3 giảng viên chức danh phó giáo sư) chiếm khoảng 16,8% và 173 giảng viên trình độ thạc sĩ (chiếm khoảng 83,2%).

Cơ cấu tỷ lệ giảng viên theo trình độ đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. (Số liệu trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường)

Theo Điểm a, Tiêu chí 2.3, Tiêu chuẩn 2, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ "không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ".

Chiếu theo quy định này, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ của nhà trường mới chỉ đạt khoảng 16,8% trên tổng giảng viên toàn thời gian, chưa đạt theo quy định trên của Thông tư số 01.

Còn về giảng viên thỉnh giảng, Thông tư số 08 quy định kê khai theo mẫu bảng bao gồm các đề mục như: số thứ tự, họ và tên, cơ quan công tác, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn đào tạo, ngành tham gia giảng dạy,...

 Ảnh chụp màn hình Thông tư số 08

Ảnh chụp màn hình Thông tư số 08

Tuy nhiên, tại bảng này trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường không có mục kê khai về cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng.

 Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024 Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Vinh

Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024 Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Vinh

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;...

Trong Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường quy định rõ mức học phí dự kiến, lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá mức trần theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí.

Cụ thể, học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy khối ngành Kinh tế là hơn 13.300 triệu đồng/năm; khối ngành Kỹ thuật là hơn 13.500 triệu đồng/năm.

Đối với đào tạo đại học chính quy với người tốt nghiệp từ trung cấp trở lên, học phí trung bình áp dụng cho năm học 2024-2025 các ngành kinh tế là 713.000 đồng/sinh viên/tháng; các ngành công nghệ kỹ thuật là 1.168.000 đồng/sinh viên/tháng.

Đối với đào tạo vừa làm vừa học, học phí dự kiến các ngành đào tạo đào tạo kỹ sư (kỹ thuật công nghệ) là 510.000/tín chỉ; các ngành đào tạo cử nhân (kinh tế, sư phạm) là 440.000 đồng/tín chỉ.

Hồng Đại

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/yeu-cau-2025-ty-le-gv-tien-si-khong-thap-hon-20-dhspkt-vinh-moi-dat-hon-16-post243890.gd