Yêu cầu kiểm điểm chậm khắc phục ngập Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây
Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện ngay việc thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan nhằm tránh lặp lại sự cố ngập Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long khẩn trương khắc phục ngập úng trên Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây theo chỉ đạo trước đó của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý để không lập lại tình trạng ngập cục bộ tại dự án này.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ triển khai chỉ đạo của bộ về việc xử lý tình trạng ngập cục bộ tại đoạn tuyến Km25+369-Km25+469 thuộc dự án.
Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện ngay việc thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan để hạ mực nước và tăng khả năng thoát nước (đoạn từ hạ lưu cống đến hạ lưu cầu Sông Phan), giảm ảnh hưởng nước dềnh lên mặt đường. Ban phải hoàn thành trong tháng Chín này và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả thực hiện trước ngày 5/10.
Chủ đầu tư cũng phải thực hiện gia cố khu vực cầu Sông Phan, đảm bảo ổn định dòng chảy, hạn chế xói lở đất canh tác của người dân đồng thời nạo vét, thanh thải khu vực thượng, hạ lưu đảm bảo điều kiện thoát nước (hoàn thành trong tháng Mười).
Ngoài ra, Ban quản lý dự án Thăng Long lựa chọn đơn vị tư vấn chuyên ngành độc lập đủ năng lực để xác định mực nước tương ứng với tần suất thiết kế của dự án; căn cứ mực nước tính toán sau khi thanh thải lòng sông, suối để đề xuất giải pháp xử lý triệt để, đảm bảo không lặp lại tình trạng ngập như vừa qua và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.
Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Giao thông Vận tải về chất lượng, tiến độ, cũng như đảm bảo việc khai thác công trình an toàn, thông suốt.
Ngày 14/9, Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã có văn bản gửi sở giao thông vận tải, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án Thăng Long liên quan đến đề xuất thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn qua địa bàn huyện để hạn chế ngập trên Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
Qua khảo sát thực tế đoạn đề nghị thanh thải, khơi đào lòng sông Phan vào ngày 30/8/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Thuận Nam ghi nhận đoạn đề nghị thanh thải, khơi đào lòng sông Phan có chiều dài 1.500m, chiều rộng lòng sông Phan tính từ hai bên bờ khoảng 25m.
Hiện trạng trên toàn tuyến dự kiến thanh thải, khơi đào có 7 cù lao nhỏ nằm giữa sông, trên cù lao có nhiều cây tre và cây lùm bụi mọc um tùm. Ngoài ra, hai bên dòng sông Phan có nhiều cây lùm bụi, tre và cây tạp, do đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông.
Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Thuận Nam thống nhất phương án triển khai thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống K25+416 đến hạ lưu cầu Sông Phan Km24+348 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết-Dầu Giây của Ban quản lý dự án Thăng Long./.
Trước đó, khoảng 4 giờ 30 phút ngày 29/7/2023 đã xảy ra ngập nước tuyến Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây (đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) tại lý trình Km25+419 phạm vi ngập chiều dài 100m, điểm sâu nhất chiều cao khoảng 70cm làm ảnh hưởng đến giao thông hai chiều trên cao tốc.
Ngay khi xảy ra sự ngập đường cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long chủ trì, phối hợp với đơn vị vận hành, nhà thầu thi công, tư vấn và các cơ quan địa phương xử lý triệt để nguyên nhân sự cố, bảo đảm ổn định lâu dài đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu, Ban Quản lý Dự án Thăng Long kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra.