Yêu cầu mới về năng lực cạnh tranh đối với hàng Việt Nam xuất khẩu
Khi chính thức có hiệu lực, FTA Việt Nam - EFTA được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới về năng lực cạnh tranh, chất lượng và phát triển bền vững.
Hiệp định Thương mại tự do FTA Việt Nam - EFTA (khối các quốc gia Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) đang trong giai đoạn đàm phán và ký kết. FTA Việt Nam - EFTA được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký trước đó, như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA. Đây là lợi thế quan trọng, giúp doanh nghiệp (DN) Việt có thể nhanh chóng thích ứng và vận dụng những kinh nghiệm sẵn có trong việc tuân thủ cam kết, hoàn thiện quy trình sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.
Gia tăng cơ hội xuất khẩu
Bộ Công Thương cho biết, hiện kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EFTA đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, theo các dự báo sơ bộ, sau khi FTA được ký kết, tổng kim ngạch thương mại có thể tăng lên khoảng 5 tỷ USD vào năm 2028. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EFTA dự kiến sẽ tăng trưởng từ 10%-15%/năm trong những năm đầu thực thi hiệp định.

Thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EFTA
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, một trong những lợi thế rõ rệt nhất từ FTA Việt Nam - EFTA chính là việc giảm sâu thuế quan và tháo gỡ hàng rào phi thuế. Theo các thỏa thuận đàm phán ban đầu, EFTA sẽ xóa bỏ từ 90% - 95% số dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Việc giảm thuế và chi phí giao thương sẽ giúp các sản phẩm Việt Nam gia tăng đáng kể khả năng cạnh tranh về giá, từ đó tiếp cận sâu hơn vào các phân khúc tiêu dùng cao cấp tại EFTA.
“Mặc dù quy mô dân số của khối EFTA không lớn như các khu vực khác, nhưng đây lại là những quốc gia có thu nhập cao hàng đầu thế giới, nên nhu cầu về hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao, là rất lớn. Chính vì vậy, DN Việt nên tận dụng đặc điểm này để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao, để xuất khẩu cho thị trường EFTA. Các ngành hàng như nông sản (cà phê, hồ tiêu, hạt điều, trái cây nhiệt đới), thủy sản (tôm, cá tra, cá ngừ) và hàng tiêu dùng sẽ là những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế quan khi FTA có hiệu lực”, Bộ Công Thương khuyến nghị.
Cũng theo Bộ Công Thương, một cơ hội quan trọng khác từ FTA Việt Nam - EFTA là việc mở rộng hợp tác đầu tư và phát triển bền vững giữa hai bên. Trong bối cảnh thế giới đang hướng mạnh đến kinh tế xanh, DN Việt cần tập trung hơn vào chuyển đổi sản xuất xanh, số hóa quy trình quản trị, cải tiến công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải carbon. Trong vòng 5 năm tới, dòng vốn FDI từ các nước EFTA vào Việt Nam dự kiến có thể đạt khoảng 1 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn, chế biến tinh và năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch cũng được kỳ vọng sẽ mở rộng mạnh mẽ, với tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này có thể đạt từ 200 - 300 triệu USD. Đây là cơ hội quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận nguồn công nghệ, tài chính để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế bền vững.
Nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe
Bên cạnh những lợi thế rõ rệt về mặt thuế quan và mở rộng thị trường, Bộ Công Thương cho biết, việc gia nhập FTA Việt Nam - EFTA cũng đồng nghĩa với việc DN Việt sẽ phải đối mặt với các chuẩn mực rất cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và lao động.
Trong đó, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của EFTA thuộc nhóm khắt khe bậc nhất thế giới, bao gồm cả tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng như các chứng nhận về sản xuất bền vững. Đặc biệt, các quy định về lao động, bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng được giám sát rất chặt chẽ. Đây là những lĩnh vực mà không ít DN Việt Nam, nhất là các DNNVV, vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực tiếp cận và tuân thủ.
Cạnh đó, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài cũng sẽ gia tăng đáng kể. EFTA là khu vực có ngành công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến tinh rất phát triển. Nếu không đầu tư nghiêm túc để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, DN Việt dễ bị rơi vào thế cạnh tranh bằng giá, lợi nhuận thấp, thậm chí bị đánh bật khỏi thị trường ngay trên sân nhà. Cùng với đó, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xanh như tiết giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn… sẽ đòi hỏi DN phải có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài và tốn kém chi phí đáng kể trong giai đoạn đầu chuyển đổi.

Các FTA Việt Nam đã tham gia - Ảnh: Valoma
Để tận dụng tốt các cơ hội từ FTA Việt Nam - EFTA mang lại, ngay từ lúc này các DN Việt cần chủ động chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, kiểm soát nguyên liệu đầu vào và bảo đảm an toàn thực phẩm ở mức cao nhất. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, chuẩn hóa hồ sơ chứng nhận, đăng ký các chứng chỉ quốc tế về bền vững, lao động, môi trường… là yêu cầu bắt buộc để tạo dựng niềm tin với các đối tác EFTA.
Về dài hạn, các DN cần có chiến lược chuyển đổi xanh bài bản, áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, cải tiến thiết bị, và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Nguồn nhân lực cũng cần được đào tạo chuyên sâu về tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, luật pháp quốc tế và kỹ năng quản trị hội nhập.
Ở góc độ vĩ mô, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình xuất - nhập khẩu, phát triển hạ tầng logistics, nâng cao năng lực đàm phán thương mại, và củng cố hệ thống công nghiệp hỗ trợ nhằm tối đa hóa hiệu quả từ các FTA thế hệ mới, trong đó có EFTA.