Yêu thương đong đầy

Khi đã bước qua bên kia con dốc của cuộc đời, có một người luôn kề cận, chăm sóc, yêu thương dù cho nghèo khó, bệnh tật là một điều hạnh phúc. Trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp ở khu Minh Tân, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, ông Lê Anh Việt và bà Trần Thị Tháp đã nương tựa vào nhau để đi qua cuộc hôn nhân dài bằng nửa đời người. Câu chuyện của ông bà được người dân địa phương gọi là 'cổ tích' giữa đời thường.

(baophutho.vn) - Khi đã bước qua bên kia con dốc của cuộc đời, có một người luôn kề cận, chăm sóc, yêu thương dù cho nghèo khó, bệnh tật là một điều hạnh phúc. Trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp ở khu Minh Tân, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, ông Lê Anh Việt và bà Trần Thị Tháp đã nương tựa vào nhau để đi qua cuộc hôn nhân dài bằng nửa đời người. Câu chuyện của ông bà được người dân địa phương gọi là “cổ tích” giữa đời thường.

Ông Lê Anh Việt sinh năm 1945 tại Minh Nông, thành phố Việt Trì. Bà Trần Thị Tháp sinh năm 1954, là người con của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Hai ông bà có thời gian dài phục vụ và chiến đấu ở trong quân đội. Bà là dân công chuyên làm đường, xây cầu tại Mặt trận Lào. Ông là người lính chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Một trận đánh ác liệt đã cướp đi đôi bàn tay và cả thính giác của ông, ông trở thành thương binh hạng 4/4. Những tưởng số phận nghiệt ngã đã khiến ông khép mình, không dám yêu đương vì những khiếm khuyết của cơ thể mà đau biết rằng sau này chính đôi bàn tay tật nguyền ấy đã giúp ông có một người vợ hiền thảo như bà Tháp.

Bà Tháp sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Đảng, Nhà nước và quân đội. Bà được điều về công tác tại nhà máy dệt Vĩnh Phú. Tại đây, bà gặp ông, một người con gái đã từng đi qua mưa bom bão đạn của chiến tranh lại cảm mến đôi bàn tay khiếm khuyết vì bà biết đó là sự hy sinh lớn lao dành cho Tổ quốc, và rồi năm 1981 ông bà đã nên duyên vợ chồng, khi ấy bà tròn 27 còn ông đã bước sang tuổi 36. Trí nhớ của một bà lão đã ngoài 70 không làm bà quên đi những mốc thời gian quan trọng trong hôn nhân của hai người. Bà vẫn nhớ như in khoảng thời gian bà đau ốm phải nằm ở bệnh viện nhà máy dệt Vĩnh Phú. Ông tuy mất đôi bàn tay vẫn chăm chút cho bà khiến ai cũng ca ngợi. Dù đôi vợ chồng già ấy không có con, không có ai để nương tựa tuổi già nhưng tình nghĩa vợ chồng sắt son, sâu đậm là ngọn lửa cháy ấm nóng trong căn nhà cũ kỹ suốt 41 năm qua.

Thời gian rảnh, ông vẫn thường hay viết thơ tặng bà bằng đôi tay không còn lành lặn của mình

Ông mất đi thính lực và đôi bàn tay nên chẳng thể lao động còn bà do sức khỏe yếu nên chỉ nhặt nhạnh rau cháo nuôi ông qua ngày. Khoản trợ cấp thương binh cũng như nạn nhân chất độc da cam bà để dành để mua thuốc cho ông những lúc trái gió trở trời. Dù nghèo khó, thiếu thốn nhiều về nhưng bà vẫn gọi ông với cái tên trìu mến là “nửa vầng trăng” của cuộc đời mình. Trên mảng tường rêu phong, ngoài tấm bằng khen, Huân chương chiến công hạng ba của ông thì treo đầy những bài thơ ông viết tặng bà bằng đôi tay không còn lành lặn.

Vợ tôi vẫn đẹp nhất trên đời

Vợ tôi vẫn đẹp nhất trên đời

Ra trận chưa đến tuổi đôi mươi

Trường Sơn đã sống thời oanh liệt

Đạn kéo bom rơi lửa ngút trời

Nếu ai đó hỏi hạnh phúc là gì thì với đôi vợ chồng già hạnh phúc giản dị là được sống bên cạnh nhau, dìu nhau đi qua sóng gió cuộc đời. Tình yêu ấy là thứ quý giá, thiêng liêng mà bao nhiêu vật chất có lẽ cũng không thể đánh đổi. Cảm phục tình nghĩa vợ chồng sắt son và thương cảm cho hoàn cảnh khó khăn của ông Việt bà Tháp, mới đây, UBND phường Minh Nông phối hợp với các nhà hảo tâm chuẩn bị nguồn kinh phí để xây dựng căn nhà tình nghĩa cho ông bà. Tới đây thôi, một ngôi nhà cấp bốn sạch sẽ, khang trang sẽ là mái ấm, chỗ dựa cho đôi vợ chồng già tuổi xế chiều. Có lẽ chỉ là một trong nhiều hoàn cảnh éo le nhưng với ông bà tình yêu thương, chăm sóc cho người bạn đời trong cuộc sống này sẽ là nguồn cảm hứng và minh chứng rõ nét cho câu nói: “Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi”.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/net-dep-doi-thuong/202203/yeu-thuong-dong-day-183376