Yếu tố nào ảnh hưởng tới quyết định mua xe điện tại Việt Nam?

Không phải xe điện nào chạy nhanh, phạm vi hoạt động lớn hay có pin 'khủng' cũng bán chạy, vậy đâu sẽ là yếu tố quyết định sự thành/bại của một chiếc xe điện tại Việt Nam?

Trong 2 năm trở lại đây, xe năng lượng mới (NEV), dẫn đầu là nhóm ôtô thuần điện (EV) đã từng bước gia nhập vào Việt Nam và tạo nên cơn sốt mới cho thị trường. Bên cạnh các ưu điểm về sự tiện lợi cũng như chi phí vận hành, EV hay NEV vẫn cần phải vượt qua nhiều thử thách khi tiếp cận người dùng tại dải đất hình chữ S.

Hạ tầng trạm sạc

Tại thị trường Việt, người dùng đã quen với quá trình nạp nhiên liệu kéo dài vài phút đồng hồ tại trạm xăng. Do đó, việc phải trải qua hàng chục phút, có khi là vài giờ đồng hồ chờ sạc pin đổi lấy vài trăm km đi đường là rào cản khiến không ít người chưa thật sự chấp nhận xe điện.

Sau thời gian dài xuất hiện trên thị trường Việt, bằng nhiều động thái khác nhau, EV đã dần trở nên thân thiện hơn với người dùng nhờ hệ thống trạm sạc được các hãng và bên thứ 3 lắp đặt.

Đầu tiên phải kể đến là hạ tầng trạm sạc dày đặc được VinFast, hãng ôtô nội địa Việt, xây dựng nhằm phục vụ khách hàng của mình.

Ngay khi ra mắt mẫu xe điện đầu tiên e34, VinFast đã từng công bố mục tiêu phát triển 40.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh thành. Tính đến quý IV/2021, hãng xe thuần điện này đã hoàn thành xây dựng hơn 10.000 cổng sạc.

 Hệ thống trạm sạc dày đặt của VinFast phủ khắp 63 tỉnh thành.

Hệ thống trạm sạc dày đặt của VinFast phủ khắp 63 tỉnh thành.

Đến hết năm 2023, VinFast đã hoàn thành xây dựng hơn 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh thành cả nước. Khoảng cách tối đa giữa các trạm sạc VinFast trên cao tốc, quốc lộ/tỉnh lộ là 65 km trong khi tại khu vực nội đô, khoảng cách này được duy trì ở mức 3,5 km.

Để duy trì ưu thế trạm sạc, vào ngày 26/6, VinFast cũng tung ra chương trình "Mãnh liệt tinh thần Việt", tài trợ sạc pin miễn phí cho toàn bộ dải sản phẩm tại các trạm V-Green đến hết tháng 7/2025 nhằm thu hút khách hàng sử dụng xe điện.

Gần đây, Porsche Việt Nam cũng bắt đầu kế hoạch xây dựng hệ thống trạm sạc hiệu suất cao phục vụ khách hàng. Cụ thể, theo thông báo từ hãng xe thể thao hạng sang đến từ nước Đức, dự án này sẽ cung cấp 17 địa điểm sạc nhanh mới trên toàn quốc trong vòng 3 năm tới.

Trong khi đó, 2 trạm sạc đang hoạt động tại trung tâm Porsche Sài Gòn và Porsche Studio Hà Nội cũng sẽ được tích hợp vào ứng dụng sạc Charge+ trong thời gian tới.

Audi cũng đã thiết kế các trụ nạp nhiên liệu công suất cao đặt tại 2 showroom ở quận 1, 7 (TP.HCM) và trung tâm dịch vụ ở quận Tân Bình, đồng thời mở rộng trạm sạc thông qua EV One.

Trong khi đó, Mercedes cũng lắp đặt các cổng sạc loại AC tại 16 đại lý của hãng ở Việt Nam, giúp người dùng có thêm lựa chọn vị trí nạp nhiên liệu bên cạnh các cổng tại gia.

Các thương hiệu ôtô Trung Quốc bao gồm MG, Wuling hay gần đây là BYD đều chưa có kế hoạch xây dựng hệ thống trạm sạc mà chọn liên kết cùng các công ty sạc tư nhân, giúp tối ưu lựa chọn sạc pin cho khách hàng khi di chuyển đường dài.

 BYD chưa có kế hoạch xây dựng trạm sạc tại Việt Nam. Ảnh: BYD.

BYD chưa có kế hoạch xây dựng trạm sạc tại Việt Nam. Ảnh: BYD.

Trước đó chia sẻ cùng Tri Thức - Znews, ông Võ Minh Lực - Giám đốc điều hành của BYD Việt Nam - khẳng định BYD sẽ không có kế hoạch xây dựng hạ tầng trạm sạc bởi đây là chiến lực chung của hãng trên toàn cầu. Tuy nhiên các đại lý của BYD đều được trang bị các cổng sạc giúp hỗ trợ khách hàng khi di chuyển liên tỉnh.

Ngoài ra, hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam cũng đang phát triển nhờ sự tham gia của các đơn vị thứ 3 như EV One hay EverCharge. Mặc dù quy mô chưa quá rộng, các trạm sạc đã góp phần đa dạng thêm lựa chọn nạp nhiên liệu cho người dùng xe xanh.

Nhìn chung vấn đề trạm sạc đang được các hãng xe quan tâm giải quyết thay vì chờ đợi thị trường xe điện phát triển và các nhà cung cấp tự động nhảy vào cuộc chơi. Tất nhiên để hạ tầng trạm sạc xe điện tại Việt Nam phát triển nhanh như mong đợi, sẽ cần thêm thời gian và sự ủng hộ từ phía người dùng.

Đa dạng về mức giá

Bên cạnh hạ tầng trạm sạc, giá niêm yết cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua xe điện của người dùng Việt. Thực tế, những chiếc xe điện giá rẻ cũng đã xuất hiện với sự đi đầu của Wuling MiniEV.

Wuling MiniEV ngay khi xuất hiện đã tự tạo cho mình một phân khúc riêng với khoảng giá 239-279 triệu đồng. Với chi phí vận hành tiết kiệm cùng thiết kế nhỏ gọn, dễ thương, đây từng là cái tên gây "bão" truyền thông ở thời điểm vừa xuất hiện.

Thế nhưng kết thúc năm 2023, Wuling MiniEV không đạt được doanh số như kỳ vọng bởi nhiều người dùng cho rằng chất lượng xe vẫn chưa tương xứng với giá.

 VinFast VF 3. Ảnh: VinFast.

VinFast VF 3. Ảnh: VinFast.

Giữa năm nay, phân khúc ôtô mini tiếp tục đón chào sự xuất hiện của VinFast VF 3. Có thể đây sẽ là mẫu xe điện cỡ nhỏ giá rẻ làm mưa làm gió tại Việt Nam trong thời gian tới.

Với mức giá dao động 240-322 triệu đồng nhưng có nhiều công nghệ hơn Wuling MiniEV, VF 3 thu hút được lượng lớn đơn đặt hàng khi vừa mở bán. Theo công bố của hãng, sau gần 3 ngày mở bán, VinFast nhận 27.649 đơn đăng ký mua VF 3.

Ở phân khúc SUV hạng A, VF 5 Plus cũng đang ghi nhận doanh số tốt khi cạnh tranh cùng các đối thủ như Toyota Raize, Hyundai Venue hay Kia Sonet nhờ mức giá niêm yết 468-548 triệu đồng. Mức giá hợp lý khiến không chỉ người dùng thông thường mà cả các công ty dịch vụ vận tải cũng sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.

Anh em của VF 5 Plus là VinFast VF 6 cũng là những lựa chọn tốt ở phân khúc SUV cỡ B. Đây cũng là mẫu xe thuần điện cỡ B có giá rẻ bật nhất thị trường.

VF 8 và VF 9 với giá khởi điểm lần lượt là 1,106 tỷ hay 1,513 tỷ đồng cũng hoàn toàn cạnh tranh được với những mẫu xe thuộc phân khúc cỡ D như Ford Everest, Hyundai Santa Fe, Toyota Fortuner cũng như Mazda CX-8.

MG hồi cuối tháng 5 cũng đã ra mắt MG4 EV, chiếc SUV điện nổi tiếng của hãng tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên mức giá dao động 828-948 triệu đồng vẫn sẽ là rào cản lớn của mẫu xe thuần điện này tại Việt Nam trong khi cùng phân khúc, mức giá trung bình của những đại diện từ Hàn, Nhật hay thậm chí là Việt Nam chỉ dao động trên dưới 800 triệu đồng.

 MG4 EV.

MG4 EV.

BYD, hãng ôtô “cộm cán” trên thương trường quốc tế cũng đã ra mắt 3 mẫu xe tại Việt Nam. Gần đây, trong bảng khảo sát giá được BYD đăng tải, ta dễ dàng nhận ra không có mẫu xe nào của hãng tại Việt Nam sẽ dưới 500 triệu đồng, kể cả Dolphin.

BYD Atto 3 là cái tên thu hút nhiều sự quan tâm cũng được thương hiệu này tung ra 3 khoảng giá dự kiến, dao động 650-900 triệu đồng. Nếu thật sự được bán ra ở mức trên 800 triệu cho một chiếc SUV hạng B, Atto 3 sẽ cùng MG4 EV chiếm giữ vị trí giá bán cao nhất phân khúc.

Ở nhóm xe hạng sang, Mercedes EQS, BMW iX3, i4 hay Volvo XC90 Recharge thực tế có giá không hề quá cao so với mức trung bình của hãng. Nhưng cũng tương tự các mẫu xe động cơ đốt trong của hãng, nhóm xe điện hạng sang hiện vẫn đang thu hút một tệp khách hàng thượng lưu nhỏ do sự hạn chế về trạm sạc công cộng.

Thực tế việc định giá sản phẩm ở mức cao là không hề sai, đặc biệt khi các thương hiệu đang muốn tiến đến danh xưng "ôtô quốc tế" thay vì cái mác "xe điện Trung Quốc". Nhưng nếu áp dụng cách này, các hãng xe phần nào phải đối mặt với áp lực cạnh tranh của các đối thủ khác cũng như doanh số lẹt đẹt ở thời gian đầu khi vừa ra mắt.

 BYD Atto 3.

BYD Atto 3.

Nhìn chung với sự phát triển không ngừng trong việc sản xuất, xe điện ngày nay đã “thân thiện” hơn, về cả giá cả lẫn cách hoạt động. Người dùng gần có đa dạng lựa chọn hơn khi có nhu cầu đặt mua ôtô thuần điện mà không còn phải lo lắng về vấn đề giá niêm yết hay chi phí vận hành.

Tuy nhiên, dễ thấy trạm sạc vẫn là yếu tố định đoạt sự thành bại của một thương hiệu xe điện, đặc biệt là tại Việt Nam, nơi người dùng vẫn chưa quen với quy trình nạp nhiên liệu “kiểu mới” như ôtô điện.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/yeu-to-nao-anh-huong-toi-quyet-dinh-mua-xe-dien-tai-viet-nam-post1482585.html