YouTube, Google, Facebook… sẽ nộp thuế trực tiếp cho Việt Nam
Theo Tổng cục Thuế, từ ngày 21/3, nhà cung cấp nước ngoài chỉ cần truy cập vào địa chỉ http://etaxvn.gdt.gov.vn để nộp thuế cho doanh thu phát sinh ở Việt Nam dù không có hiện diện ở Việt Nam.
Sáng 21/3, tại lễ công bố Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phụng, cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho biết: tại Việt Nam hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với mức tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao.
Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google đã đưa ra những nhận định về khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Thực tiễn này đòi hỏi cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động TMĐT; đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
Ông Phụng nhấn mạnh: "Kể từ hôm nay 21/3, với cổng thông tin điện tử http://etaxvn.gdt.gov.vn, các nhà cung cấp nước ngoài có thể nộp thuế ở bất cứ nơi đâu, thậm chí cả trên máy bay, chỉ cần có địa chỉ email và thiết bị như máy tính, điện thoại có kết nối Internet.
Cụ thể, qua cổng thông tin điện tử http://etaxvn.gdt.gov.vn, nhà cung cấp nước ngoài có thể đăng nhập và kê khai thuế. Sau khi kê khai thuế hoàn tất, người nộp thuế sẽ nhận được email xác nhận nộp tờ khai và hướng dẫn nộp thuế với mức thuế và số tiền thuế phải nộp.
Sau khi nộp thuế hoàn tất, nhà cung cấp nước ngoài có thể tra cứu số thuế đã nộp trên cổng này.
Theo quy định, nhà cung cấp nước ngoài sẽ nộp thuế theo quý với tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh mục tiêu trở thành Bộ Tài chính số năm 2030 với trọng tâm tập trung vào 4 đơn vị: Hải quan thông minh; Kho bạc số 3 không; chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán; quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, TMĐT ở Việt Nam đang phát triển khá mạnh, đòi hỏi cơ quan thuế phải tăng cường quản lý thu, chống thất thu trong lĩnh vực này. Trong tương lai đến năm 2025, dự báo doanh thu của TMĐT rất lớn. Tác động của dịch COVID-19 dẫn đến việc chuyển sang mua bán online nhiều. Xu thế về giao dịch trên môi trường mạng là giao dịch tất yếu đòi hỏi cơ quan thuế phải chủ động các giải pháp để quản lý.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước giúp Bộ Tài chính thực hiện kết nối eTax mobile với các ngân hàng thương mại.
Ngay sau buổi lễ, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai và phối hợp với các đơn vị triển khai các nhóm nhiệm vụ để vận hành thông suốt các ứng dụng và tiếp tục hoàn thiện, phát triển thêm các dịch vụ thuế số hiện đại, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, với sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành Thuế và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài, việc vận hành đưa vào triển khai hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài cũng như triển khai ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động Etax Mobile của ngành Thuế sẽ đem lại hiệu quả to lớn, tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.
Trước đó, trả lời chất vấn các đại biểu tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: "Trong thời gian qua, ngành thuế đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Chẳng hạn các doanh nghiệp như Facebook là 1.694 tỷ đồng, Google là 1.618 tỷ đồng, Microsoft là 576 tỷ đồng và thương mại xuyên biên giới 1.317 tỷ đồng...".